Nghiên cứu quốc tế: Đồng bằng sông Cửu Long mất cả trăm triệu tấn phù sa mỗi năm
Nghiên cứu quốc tế: Đồng bằng sông Cửu Long mất cả trăm triệu tấn phù sa mỗi năm
Chỉ 15 năm trước, Mekong – con sông dài nhất Đông Nam Á – đã mang khoảng 143 triệu tấn phù sa đến Đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm. Nhưng khi các đập thuỷ điện mọc lên như nấm ở thượng nguồn, hơn 2/3 lượng phù sa trên đã bị chặn lại.
Một phân tích dữ liệu vệ tinh của công ty viễn thám thủy sinh có trụ sở tại Đức EOMAP, Ủy hội sông Mekong và điều tra của hãng tin Reuters cho thấy vào năm 2020, chỉ khoảng 1/3 lượng trầm tích phù sa đến được vùng đồng bằng ngập lũ của Việt Nam, tức chỉ còn 47 triệu tấn phù sa/năm.
Trên thực tế, đến nay lượng phù sa chảy về có thể thấp hơn nhiều – ước tính chỉ còn khoảng 32 triệu tấn/năm.
Với tốc độ suy giảm hiện tại, các nhà nghiên cứu ước tính vào năm 2040 vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn không tới 5 triệu tấn phù sa/năm.
Trải dài gần 5.000km từ cao nguyên Tây Tạng đến Biển Đông, sông Mekong là huyết mạch nuôi trồng và đánh bắt cá của hàng chục triệu người khi chảy qua Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Campuchia trước khi đến Việt Nam.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học và nhà môi trường đã cảnh báo tác động của các dự án xây đập ở thượng nguồn. Điều này sẽ gây nguy hiểm cho sinh kế của một khu vực có khoảng 18 triệu người và thị trường gạo hàng năm trị giá 10,5 tỉ USD.
Đây vốn là nguồn lương thực chính cho 200 triệu người trên khắp châu Á, theo ước tính của Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF), hãng tin Reuters và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Theo Mekong Dam Monitor, một nền tảng trực tuyến cung cấp dữ liệu thời gian thực về các con đập và tác động môi trường của chúng, nỗi lo lắng này được các quốc gia hạ lưu sông Mekong chia sẻ và Campuchia đã tạm dừng kế hoạch xây dựng 2 con đập trên sông.
Trung Quốc, với mong muốn tăng cường năng lượng tái tạo để giảm sự phụ thuộc vào than đá, đã xây dựng ít nhất 95 đập thủy điện trên các nhánh chảy vào sông Mekong. 11 con đập khác đã được xây dựng kể từ năm 1995 trên dòng sông chính ở Trung Quốc – trong đó có 5 con đập lớn, mỗi đập cao hơn 100m.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nước này chỉ chiếm 1/5 diện tích lưu vực sông Mekong và 13,5% lượng nước chảy ra cửa sông. Đồng thời cho biết thêm rằng đã có “sự đồng thuận khoa học” về tác động tổng thể của Trung Quốc ở thượng nguồn Mekong.
Tuy nhiên, Trung Quốc không đề cập đến sự suy giảm nghiêm trọng về mức độ trầm tích hoặc vai trò của các đập Trung Quốc trong sự suy giảm đó.
Phân tích do EOMAP và Reuters thực hiện lại kể một câu chuyện khác.
Sử dụng dữ liệu thu được từ hàng ngàn hình ảnh vệ tinh, EOMAP và Reuters đã phân tích mức độ trầm tích phù sa xung quanh 4 con đập lớn trên sông Mekong.
Phân tích cho thấy sự hiện diện của mỗi con đập đã làm giảm đáng kể lượng phù sa đáng lẽ phải chảy qua sông tại những địa điểm đó – bằng trung bình 81% lượng phù sa chảy qua 4 con đập.
Ông Marc Goichot, chuyên gia về sông ngòi của WWF tại Việt Nam, cho biết: “Các con đập đang giữ lại phù sa. Mỗi con đập giữ một lượng nhất định, vì vậy không đủ phù sa để đưa đến các vùng đồng bằng ngập lũ”.
Ông nói: “Trầm tích phù sa và đồng bằng châu thổ có thể tự tái tạo và xây dựng lại. Nhưng tốc độ cân bằng tự nhiên đang bị thay đổi quá nhanh ở sông Mekong, điều khiến phù sa không thể phát triển theo kịp”.
Diện tích trồng lúa đã giảm 5% chỉ trong vòng 5 năm qua. Nhiều nông dân đã chuyển sang nuôi tôm trong nước lợ như một giải pháp thay thế, thu nhập ở khu vực từng phát triển này cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng chứng kiến số lượng di dân ra nước ngoài nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác của Việt Nam kể từ năm 2009, theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.