Phát hiện dấu tích cổ của Kitô giáo ở Bahrain
Phát hiện dấu tích cổ của Kitô giáo ở Bahrain
Kết quả làm việc cần mẫn của một nhóm chuyên gia trên một hòn đảo của Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất đã đưa đến việc phát hiện một nơi thờ phượng của Kitô giáo tại một vùng đất, với sự hiện diện mạnh mẽ của Hồi giáo, những dấu vết quá khứ bị che mờ. Các nhà khảo cổ phát hiện ra một công trình dường như là một phần của đan viện Kitô giáo, hoặc tòa giám mục dưới phần đổ nát của một nhà thờ Hồi giáo cổ. Địa điểm có niên đại vào khoảng từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 8 và có thể cung cấp một yếu tố quan trọng khác trong việc làm sáng tỏ di sản Kitô giáo tiền Hồi giáo của khu vực và toàn bộ Vùng Vịnh.
Giám đốc Bảo tàng và Cổ vật tại Cơ quan Văn hoá và Cổ vật Bahrain, Salman Al-Mahari, khẳng định rằng quốc gia rất vui mừng khi khám phá ra bằng chứng xác thực về sự hiện diện của Kitô giáo ở đây.
Vào cuối năm ngoái, nhóm chuyên gia này cũng đã khai quật được các di tích Kitô giáo cổ đại, gồm đồ gốm tráng men có dấu thánh giá nhỏ và đồ bằng đá. Trước khi cây thánh giá được tìm thấy, không có bằng chứng vật chất nào khác về việc Kitô giáo được truyền bá trên đảo, mặc dù có nhiều ghi chép lịch sử và tên của một số khu vực, bao gồm một ngôi làng tên là Dair, trong tiếng Ả Rập có nghĩa là “tu viện”.
Giám đốc Al-Mahari nói: “Kitô giáo được đề cập trong truyền thống truyền khẩu của chúng tôi, trong ký ức của người dân và trong văn học. Đây là tên của những địa danh mà các nhà nghiên cứu tin rằng thuộc về Kitô giáo. Chúng tôi đã đọc về chúng trong các nguồn lịch sử từ thế kỷ thứ 5, nhưng trước đó chúng tôi không tìm thấy bất cứ thứ gì xác thực. Đó là lý do tại sao việc phát hiện ra ‘tu viện’ là ‘bằng chứng vật chất đầu tiên trong cả nước, đây là những di vật khảo cổ đầu tiên liên quan đến thời kỳ này’.”
Đầu tháng 11, một tu viện Kitô giáo cổ đã được tìm thấy trên đảo Al-Sinniyah, thuộc tiểu vương quốc Umm Al-Quwain và có thể có từ trước khi Hồi giáo lan rộng ở Bán đảo Ả Rập. Khu vực được tìm thấy bao gồm một nhà thờ, một phòng ăn của đan viện, một số bể chứa nước để cung cấp nước và các phòng cá nhân được sử dụng bởi các đan sĩ. Về vấn đề này, Đức cha Paolo Martinelli, Giám quản Tông yoà Nam Ả Rập, đã nói rằng đây là một khám phá có “giá trị khách quan” giúp hiểu rõ hơn về “sự hiện diện của đan viện Kitô giáo”. (Asia News 24/1172022)
Ngọc Yến
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2022-11/phat-hien-dau-tich-kito-bahrain.html