Đức Thánh Cha tiếp Uỷ ban Thần học Quốc tế
Đức Thánh Cha tiếp Uỷ ban Thần học Quốc tế
Đức Thánh Cha đã đưa ra những chỉ dẫn cho ba chủ đề được chọn để đào sâu của Uỷ ban Thần học Quốc tế. “Thứ nhất là tính thời sự không thể chối bỏ và luôn phong phú của đức tin Kitô học được Công đồng Nicea tuyên xưng, vào dịp kỷ niệm mừng 1700 năm (325-2025); thứ hai là việc xem xét một số vấn đề về nhân học đang nổi lên ngày nay và có ý nghĩa quan trọng đối với hành trình của gia đình nhân loại, dưới ánh sáng của kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa; và thứ ba là đào sâu – ngày nay càng trở nên cấp bách và mang tính quyết định – thần học tạo dựng trong viễn tượng Ba Ngôi, lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và của trái đất.”
Tương ứng với từng chủ đề, Đức Thánh Cha đã đưa ra những hướng dẫn. Chỉ dẫn đầu tiên là “trung thành sáng tạo với Truyền thống”. Đây là “việc đón nhận với đức tin và tình yêu, cũng như từ chối với sự cương quyết”, và mở ra trong việc dấn thân thi hành tác vụ thần học – lắng nghe Lời Chúa, cảm thức đức tin của Dân Chúa, Huấn quyền và các đặc sủng, và phân định các dấu chỉ thời đại – vì sự tiến triển của Truyền Thống tông đồ, dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, như Tông huấn Dei Verbum đã dạy (x. n. 8). “Tin Mừng tiếp tục được nhập thể ở mọi nơi trên thế giới, theo một cách thức luôn mới mẻ” (Tông hiến Veritatis Gaudium, 4d). Truyền thống, nguồn gốc của đức tin, hoặc phát triển hoặc lịm tắt. Truyền thống đó là sự đảm bảo cho tương lai chứ không phải là một tác phẩm bảo tàng. Và đây là điều làm cho Giáo hội phát triển từ dưới lên, như cái cây phát triển từ rễ. Ngược lại, chủ nghĩa truyền thống giống như “đức tin chết của người sống”. Ngày nay có một nguy cơ lớn là đi giật lùi, theo chủ nghĩa “đi lùi”. Nhiều người nghĩ đi lùi lại cho an toàn, nhưng các nhà thần học cần giúp phát triển về luân lý và đức tin, hướng tới chứ không lùi.
Hướng dẫn thứ hai Đức Thánh Cha đưa ra liên quan đến cơ hội, để thực hiện công việc đào sâu và hội nhập Tin Mừng một cách thích hợp và sâu sắc, để mở ra cách khôn ngoan với sự đóng góp của nhiều lĩnh vực khác nhau nhờ sự tham khảo ý kiến của các chuyên gia, kể cả những người không Công giáo. Đây là việc trân trọng nguyên tắc liên ngành, chứ không chỉ đơn giản là đa ngành, và hơn nữa là xuyên ngành như là việc sắp đặt mọi sự khôn ngoan vào không Ánh sáng và Sự sống phát xuất từ Mặc Khải của Thiên Chúa.
Hướng dẫn cuối cùng liên quan đến tính tập thể. Đức Thánh Cha nhắc đến điều này trong bối cảnh của tiến trình hiệp hành, nơi đó tất cả Dân Chúa được triệu tập. Ngài trích dẫn số 75 của tài liệu Sự hiệp hành trong đời sống và sứ vụ của Giáo hội: “Cũng như bất kỳ mọi ơn gọi Kitô hữu, sứ vụ của nhà thần học, vượt lên yếu tố cá nhân, còn mang tính cộng đoàn và tập thể. Do đó, sự hiệp hành của Giáo hội buộc các nhà thần học phải thực hiện thần học dưới hình thức hiệp hành, thúc đẩy giữa họ khả năng lắng nghe, đối thoại, phân định và hội nhập những yêu cầu và đóng góp đa dạng và phong phú.” Các nhà thần học phải đi xa hơn, tìm kiếm xa hơn. Về điều này, các nhà thần học phân biệt với các giáo lý viên. Các giáo lý viên phải đưa ra giáo lý đúng đắn, giáo lý vững chắc; trong khi các nhà thần học phải mạo hiểm đi xa hơn và huấn quyền sẽ chỉ đến đâu thì phải ngừng. Nhưng ơn gọi của nhà thần học luôn phải mạo hiểm đi xa hơn, bởi vì chính việc tìm kiếm sẽ làm cho thần học trở nên rõ ràng hơn. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng nhắc rằng “đừng bao giờ dạy cho trẻ em và người bình dân những giáo thuyết mới và chưa chắc chắn”, như thánh Inhaxiô Loyola đã nói.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha cầu chúc cho các thành viên của Uỷ ban Thần học Quốc tế làm việc hiệu quả và thanh thản, trong tinh thần lắng nghe lẫn nhau, đối thoại và phân định cộng đoàn, mở ra lắng nghe Chúa Thánh Thần. (CSR_5015_2022)
Văn Yên, SJ
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-11/dtc-tiep-uy-ban-than-hoc-quoc-te.html