02/01/2025

ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý Đối tượng của biện phân: Sự An Ủi

Như vậy, chúng ta tiến bước trong cuộc sống của mình, một cuộc sống diễn ra giữa sự an ủi của Thiên Chúa và sự đau buồn của tội lỗi thế gian, nhưng biết cách phân biệt khi nào nó là niềm an ủi phát xuất từ Thiên Chúa…

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG

Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô
Thứ Tư, 23 tháng 11 năm 2022

____________________________

Loạt Bài Giáo lý Về Sự Biện phân
Bài 9. Đối tượng của biện phân: Sự an ủi

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Chúng ta tiếp tục bài giáo lý về việc biện phân thần khí: làm thế nào để biện phân những gì đang xảy ra trong trái tim của chúng ta, trong linh hồn của chúng ta. Sau khi đã xem xét một số khía cạnh của sự buồn phiền – cái bóng tối ấy của linh hồn – hôm nay chúng ta hãy nói về niềm an ủi, vốn là ánh sáng của linh hồn, và là một yếu tố quan trọng khác để biện phân, và không nên coi là việc đương nhiên, bởi vì nó có thể tự dẫn đến hiểu lầm. Chúng ta phải hiểu an ủi là gì, cũng như chúng ta đã cố gắng hiểu rõ buồn phiền là gì.

An ủi thiêng liêng nghĩa là gì? Đó là việc trải nghiệm được niềm vui nội tâm, hệ ở việc người ta nhìn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi sự; nó củng cố đức tin và đức cậy, cũng như khả năng làm điều tốt. Người trải nghiệm được sự an ủi không bỏ cuộc trước khó khăn, vì họ cảm nghiệm được một sự bình an mạnh hơn thử thách. Do đó, nó là một hồng ân lớn lao cho đời sống thiêng liêng và cho cuộc sống nói chung… Và trải nghiệm được niềm vui bên trong này.

An ủi là một chuyển động nội tâm chạm đến tận đáy lòng chúng ta. Nó không hào nhoáng nhưng nhẹ nhàng, tinh tế, như một giọt nước trên miếng bọt biển (x. Thánh Inhaxiô Loyola, Linh Thao, 335): con người cảm thấy được bao bọc trong sự hiện diện của Thiên Chúa, một cách luôn tôn trọng tự do của chính họ. Nó không bao giờ là một điều lạc điệu, cố gắng ép buộc ý chí của chúng ta, nó thậm chí không phải là một sự phớn phở sảng khoái thoáng qua: ngược lại, như chúng ta đã thấy, ngay cả nỗi đau – chẳng hạn vì tội lỗi của người ta – có thể trở thành một lý do để an ủi.

Chúng ta hãy nghĩ đến kinh nghiệm của Thánh Augustinô khi ngài nói với mẹ ngài là Thánh nữ Monica về vẻ đẹp của sự sống vĩnh cửu; hoặc nghĩ đến niềm vui trọn vẹn của Thánh Phanxicô, vốn liên kết với những hoàn cảnh rất khó chịu đựng; và chúng ta hãy nghĩ đến nhiều vị thánh đã có thể làm được những điều vĩ đại, không phải vì họ cho mình là tuyệt hảo và có khả năng, nhưng vì họ đã bị chinh phục bởi sự ngọt ngào êm đềm của tình yêu Thiên Chúa. Nó là sự bình an mà Thánh Inhaxiô đã ngạc nhiên ghi nhận nơi ngài khi đọc hạnh các thánh. Được an ủi là được bình an với Thiên Chúa, cảm thấy mọi sự được giải quyết trong bình an, mọi sự hài hoà trong chúng ta. Đó là sự bình an mà Thánh Edith Stein cảm thấy sau khi trở lại đạo; một năm sau khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, bà viết –chính Edith Stein cho biết điều này: «Khi tôi buông mình theo cảm giác này, từng chút một, một cuộc sống mới bắt đầu tràn ngập tôi và – không có bất cứ căng thẳng nào của ý chí tôi – thúc đẩy tôi hướng tới những thể hiện mới. Dòng sinh lực tuôn trào này dường như bắt nguồn từ một hoạt động và từ một sức mạnh không phải của tôi và sức mạnh đó, không gây ra bất cứ bạo lực nào đối với tôi, trở nên tích cực trong tôi» (Psychology and Spiritual Sciences [Tâm lý học và Khoa học Tâm linh], Città Nuova, 1996, 116). Nghĩa là, một nền hòa bình đích thực là một nền hòa bình làm nảy mầm những tâm tình tốt đẹp trong chúng ta.

Niềm an ủi trước nhất liên quan tới đức cậy, nó vươn tới tương lai, nó đưa chúng ta lên đường, nó cho phép chúng ta thực hiện những sáng kiến cho đến lúc đó vẫn luôn bị trì hoãn, hoặc thậm chí không tưởng tượng ra, chẳng hạn như Phép Rửa của Thánh Edith Stein.

Sự an ủi là một sự bình an như vậy nhưng không phải ngồi đó để tận hưởng nó, không, nó mang lại cho anh chị em sự bình an và lôi kéo anh chị em đến với Chúa và đưa anh chị em lên đường để làm sự việc, làm những điều tốt đẹp. Trong những lúc được an ủi, khi chúng ta được an ủi, chúng ta luôn cảm thấy muốn làm thật nhiều điều tốt. Thay vào đó, khi có một khoảnh khắc buồn phiền, chúng ta cảm thấy muốn rút lui vào chính mình và không làm gì cả… An ủi thúc đẩy anh chị em tiến tới, phục vụ người khác, xã hội, con người. Sự an ủi thiêng liêng không thể được “lái như lái máy bay” – bây giờ anh chị em không thể nói rằng sự an ủi đến, không, nó không thể được lái như lái máy bay – nó không thể được lập trình theo ý muốn, đó là một hồng ân của Chúa Thánh Thần: nó cho phép một sự quen thuộc với Thiên Chúa, một sự quen thuộc dường như hủy bỏ mọi phân cách. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, khi viếng thăm vương cung thánh đường Santa Croce in Gerusalemme, ở Rôma lúc 14 tuổi, đã chạm vào chiếc đinh được tôn kính ở đó, một trong những chiếc đinh đã đóng đinh Chúa Giêsu. Thánh Têrêxa cảm thấy sự dạn dĩ này như một phương tiện chuyên chở tình yêu và sự tự tin. Và rồi bà viết: «Tôi đã thực sự quá táo bạo. Nhưng Chúa nhìn thấy tận đáy lòng, Người biết rằng ý định của tôi là trong sáng […]. Tôi đã hành động với Người như một đứa trẻ tin rằng mọi sự đều được phép và coi kho báu của Cha như của riêng mình” (Bản thảo tự truyện, 183). Sự an ủi là tự phát, nó khiến anh chị em làm mọi sự một cách tự nhiên, như thể chúng ta là những đứa trẻ. Trẻ em rất tự nhiên, và sự an ủi dẫn anh chị em trở nên tự phát với sự ngọt ngào, với chính sự bình an lớn lao. Một cô gái mười bốn tuổi cho chúng ta một mô tả tuyệt vời về sự an ủi thiêng liêng: người ta nhận thấy một cảm giác dịu dàng đối với Thiên Chúa, khiến người ta mạnh dạn ước muốn tham gia vào chính sự sống của Người, làm những gì đẹp lòng Người, vì chúng ta cảm thấy quen thuộc với Người, chúng ta cảm thấy nhà của Người là nhà của chúng ta, chúng ta cảm thấy được chào đón, được yêu thương, được phục hồi. Với niềm an ủi này, người ta không bỏ cuộc trước những khó khăn: thực vậy, với cùng một sự táo bạo, Têrêsa đã xin phép Đức Thánh Cha được vào Dòng Cát Minh, mặc dù còn quá trẻ, và ước nguyện của bà đã được lắng nghe. Điều đó có nghĩa gì? Điều đó có nghĩa là sự an ủi làm cho chúng ta mạnh dạn: khi chúng ta ở trong thời kỳ tăm tối, buồn phiền, chúng ta nghĩ rằng: “Tôi không có khả năng làm điều này”. Sự tuyệt vọng khiến anh chị em xuống tinh thần, khiến anh chị em nhìn mọi sự đều trở nên đen tối: “Không, tôi không làm được, tôi không làm đâu”. Thay vào đó, trong những lúc được an ủi, anh chị em nhìn cùng những sự việc đó theo cách khác và nói: “Không, tôi sẽ tiến tới, tôi sẽ làm điều ấy”. “Nhưng anh chị em có chắc không?” “Tôi cảm nhận được sức mạnh của Chúa và tôi tiến tới”. Và vì vậy, niềm an ủi thúc đẩy anh chị em tiến tới và làm những điều mà trong thời kỳ buồn phiền, anh chị em sẽ không thể làm được; thúc đẩy anh chị em thực hiện bước đầu tiên. Đó là vẻ đẹp của sự an ủi.

Nhưng chúng ta hãy cẩn thận. Chúng ta phải phân biệt rõ ràng niềm an ủi đến từ Thiên Chúa với những niềm an ủi giả tạo. Điều gì đó tương tự xảy ra trong đời sống thiêng liêng với điều xảy ra trong các sản phẩm của con người: có bản gốc và có bản sao. Nếu sự an ủi đích thực giống như một giọt nước trên miếng bọt biển, nó mềm mại và gần gũi, sự bắt chước của nó to hơn và sặc sỡ hơn, chúng là sự nhiệt tình thuần túy, chúng là những tia chớp nhoáng, không có thực chất, chúng dẫn đến sự thu mình vào chính mình và không quan tâm đến những người khác. Sự an ủi giả dối cuối cùng khiến chúng ta trống rỗng, xa rời trung tâm hiện hữu của chúng ta. Vì lý do này, khi chúng ta cảm thấy hạnh phúc, bình yên, chúng ta có khả năng làm bất cứ điều gì. Nhưng chúng ta đừng nhầm lẫn sự yên bình đó với một sự nhiệt tình thoáng qua, bởi vì sự nhiệt tình này có đó hôm nay, nhưng rồi nó rơi rụng và biến mất dạng.

Đó là lý do tại sao phải có sự biện phân, ngay cả khi ta cảm thấy được an ủi. Bởi vì sự an ủi giả tạo có thể trở thành mối nguy hiểm nếu chúng ta tìm kiếm nó như một mục đích trong chính nó, một cách ám ảnh và quên Chúa. Như Thánh Bernard đã nói, người ta tìm kiếm sự an ủi của Thiên Chúa chứ không tìm kiếm Thiên Chúa của sự an ủi. Chúng ta phải tìm kiếm Chúa và Chúa, với sự hiện diện của Người, an ủi chúng ta, giúp chúng ta tiến bước. Và đừng tìm kiếm vị Thiên Chúa chỉ mang lại cho chúng ta sự an ủi ở đời này: không, điều này không đúng, chúng ta không nên quan tâm đến điều này. Đó là sự năng động của đứa trẻ mà chúng ta đã nói đến lần trước, đứa trẻ tìm kiếm cha mẹ mình chỉ để lấy đồ của họ chứ không tìm kiếm chính họ: nó tìm kiếm lợi ích của chính nó. “Thưa bố, thưa mẹ” Và trẻ em biết làm điều này thế nào, biết chơi thế nào…, khi gia đình chia rẽ, chúng có thói quen đến với người này và đến với người nọ, điều này không tốt, điều này không phải là an ủi, nhưng là lợi ích bản thân. Chúng ta cũng có nguy cơ sống mối liên hệ với Thiên Chúa một cách trẻ con, tìm kiếm tư lợi của mình, cố gắng hạ thấp Thiên Chúa thành một đối tượng để chúng ta sử dụng và tiêu thụ, đánh mất hồng ân đẹp nhất là chính Người. Như vậy, chúng ta tiến bước trong cuộc sống của mình, một cuộc sống diễn ra giữa sự an ủi của Thiên Chúa và sự đau buồn của tội lỗi thế gian, nhưng biết cách phân biệt khi nào nó là niềm an ủi phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng ban cho anh chị em bình an tận đáy linh hồn, khi nào nó là một sự nhiệt tình thoáng qua, vốn không xấu, nhưng không phải là niềm an ủi của Thiên Chúa.

Bản dịch Việt ngữ: Vũ Văn An
Nguồn: http://www.vietcatholicnews.org/