22/01/2025

Chúa Nhật 20.11.2022
“Vị Vua Không Ngai Vàng!”

ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ – Lễ Trọng

2 Sm 5,1-3 • Tv 121,1-2.4-5 (Đ. x. c.1) • Cl 1,12-20 • Lc 23,35-43

 

Chúa Kitô - Vua Vũ Trụ

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Luca

35 Khi ấy, Đức Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, dân chúng thì đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!” 36 Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống 37 và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!” 38 Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là vua người Do-thái.”

39 Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” 40 Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! 41 Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” 42 Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” 43 Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
“Vị Vua Không Ngai Vàng!”

Tước hiệu “Vua” của Chúa Giêsu thường làm cho người thời nay ngộ nhận. Điều đó không lạ. Phúc Âm kể lại, sau khi Chúa làm phép lạ cho bánh hóa ra nhiều, một số người Do Thái muốn tôn vinh Người là vua (x. Ga 6,15). Kể cả sau khi Chúa đã phục sinh, một số người trong các môn đệ cứ tưởng rằng bây giờ là lúc Người khôi phục Israel (x. Cv 1,6). Thời đó, dân chúng đang mong chờ một vị vua chính trị, đến để giải phóng dân tộc khỏi ách cai trị của người La Mã. Vị vua mà Giáo Hội Công giáo tôn vinh hôm nay không có ngai vàng cũng như không có hoàng bào. “Ngai vàng” của Người là cây thập giá. Người ngự trị thế giới bằng tình yêu. Trên “ngai vàng” thập giá, Chúa đã thể hiện vương quyền của Người bằng việc đón nhận một công dân mới, đó là người trộm ăn năn sám hối. Người trộm này đã nhìn nhận vương quyền của Chúa, đồng thời nhìn nhận thân phận tội lỗi cần được tha thứ.

David được xức dầu và được dân chúng tôn vinh làm vua Israel. Ông khai mào một thời kỳ huy hoàng trong lịch sử dân tộc. Sau này Đức Giêsu được gọi là “con vua David”. Dù được gọi với danh xưng này, vương quyền của Vua Giêsu hoàn toàn khác với vương quyền của David. Đức Giêsu là Vua, không chỉ giải phóng một dân tộc, nhưng giải phóng và cứu thoát toàn thế giới. Nhờ cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Người, mỗi chúng ta, nhờ bí tích Thanh Tẩy, được chia sẻ chức vị vương đế của Người. Thánh Phaolô mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng vị Vua Giêsu: Người là hình ảnh Thiên Chúa vô hình. Người có trước muôn loài muôn vật. Người là Đầu của thân thể, nghĩa là Đầu của Hội Thánh. Như thế, đến với vị Vua này là đến với Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của mọi phúc lành. Vương quốc của Vua Giêsu là vương quốc của tình yêu. Bất kỳ ai, nếu sống lòng nhân ái và thiện chí xây dựng hòa bình, thì họ là công dân của vương quốc này.

“Đây là Vua dân Do Thái”. Bản án được viết có vẻ như ngẫu nhiên, nhưng lại là một khẳng định mang tính tiên tri. Quả thực, Đấng chịu chết trên cây thập giá là Vua vũ trụ, là Vua muôn loài. “Vị Vua không ngai vàng” vẫn đang hiện diện giữa chúng ta. Hơn thế nữa, Người đồng hóa với những người bé mọn cơ nhỡ trong cuộc đời. Đón tiếp chia sẻ với những người bất hạnh, là đón tiếp chia sẻ với chính Vua Giêsu. Nhân ái yêu thương với đồng loai, là cộng tác làm cho Vương Quốc Tình Yêu của Người lan tỏa giữa thế gian này.

+TGM. Giuse Vũ Văn Thiên

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam