Những tư tưởng tâm huyết của Đức Thánh Cha về linh mục
Những tư tưởng tâm huyết của Đức Thánh Cha về linh mục
Cơ hội để Đức Thánh Cha tái trình bày lập trường trên đây của ngài là buổi tiếp kiến sáng thứ Năm 10/11 vừa qua dành cho 100 linh mục giám đốc và giáo sư thuộc các đại chủng viện ở Châu Mỹ Latinh tham dự khóa bồi dưỡng ở Roma.
Sau lời chào mừng và giới thiệu của Đức Hồng y Lazaro Du Hưng Thực (You Heung Sik), Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, Đức Thánh Cha cám ơn Đức Hồng y, vị Tổng Thư ký và Phó Tổng Thư ký của Bộ và ngài nói: “Bây giờ lẽ ra tôi đọc cho anh em một bài diễn văn dài 12 trang, thật là một kỷ lục… Nhưng để tránh nguy cơ này, tôi để lại văn bản cho vị thư ký, và cho đăng trên báo Quan sát viên Roma sẽ ra chiều hôm nay. Diễn văn này là điều tôi nghĩ về việc đào tạo linh mục, nhưng đó là một điều căn nhắc, cần đọc trong yên tĩnh. Bây giờ, tôi xin nói nơi đây ba bốn điều tôi có trong tâm hồn, tôi chia sẻ với anh em, cho đời sống linh mục của anh em, nhất là đời sống của những nhà đào tạo tại chủng viện.”
Thật ra, đã nhiều lần trong các cuộc gặp gỡ với các linh mục, chủng sinh và các tu sĩ, trong các buổi tiếp kiến ở Vatican hoặc trong các chuyến tông du, Đức Thánh Cha gửi lại bài huấn dụ dọn sẵn để mọi người đọc sau, và ngài ứng khẩu nói lên những điều tâm huyết.
Tránh cứng nhắc, cần phân định
Điều đầu tiên được Đức Thánh Cha nhắn nhủ là hãy tránh thái độ cứng nhắc. Ngài nói: “Một trong những cám dỗ nghiêm trọng nhất ngày nay xảy ra cho Giáo Hội, anh em biết rõ hơn tôi, đó là khi người ta theo những khuôn khổ huấn luyện cứng nhắc, rất cứng nhắc… Đã nảy sinh những dòng tu thật là một thảm hoạ, mà tôi phải dần dần đóng cửa, giải tán… Xét cho cùng, đằng sau sự cứng nhắc đó có sự ung thối. Vì thế điều quan trọng là phải phân định kỹ lưỡng trong việc huấn luyện những người trẻ. Và việc phân định ở đây, tôi nghĩ đó là chìa khoá. Nếu một nhà đào tạo không có khả năng phân định thì hãy nói với Giám mục bản quyền xin ngài bổ cho một công tác khác. Để phân định thì phải có thinh lặng, cầu nguyện, cần phải có sự đồng hành, có khả năng chịu đau khổ, không có câu trả lời sẵn. Những câu trả lời tiền chế ngày nay không hữu ích cho những người trẻ, trái lại cần phải đồng hành với họ, với một đạo lý rõ ràng, đúng vậy, đồng hành với họ trong những hoàn cảnh khác nhau.”
Cần gần gũi
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Tôi có một sở thích, đó là nói về sự gần gũi, vì tôi nghĩ cần phải đi tới nguồn mạch một đặc tính của Thiên Chúa, một đường lối của Thiên Chúa, đó là sự gần gũi. Chính Chúa nói điều đó chứ không phải tôi. Trong sách Đệ Nhị Luật, Chúa nói: “Hãy nói cho tôi: có dân nào được những thần minh rất gần như các các ngươi được Ta gần gũi?” Chúng ta cần có sự gần gũi, dù là linh mục hay chủng sinh. Linh mục cần phải gần gũi. Gần gũi ai? Gần gũi các thiếu nữ trong giáo xứ sao? Có vài người làm như thế, và sau đó họ lấy nhau. Nhưng gần gũi ai đây? Gần gũi cách nào? Có hai đặc tính của sự gần gũi của Thiên Chúa: Thiên Chúa gần gũi trong thương xót và trong sự dịu dàng. linh mục phải là người có lòng thương xót, với sự dịu dàng. Chúng ta không thể là những cha sở như chủ xí nghiệp của một giáo xứ, la lối, làm đủ mọi chuyện, chỉ sống với ba bốn điều, mà không biết đối thoại và không có khả năng vuốt ve một em bé, ôm hôn một cụ già hoặc không muốn mất thời giờ đi nói chuyện với các bệnh nhân, nhưng chỉ lo đề ra các kế hoạch cho giáo xứ. Nhưng làm như thế thì không hiệu quả. Cần gần gũi, có lòng thương xót và sự dịu dàng.
Đức Thánh Cha kể: “Nhiều khi tôi đau khổ khi gặp những người đến khóc với tôi, vì họ đi xưng tội và xưng mọi sự, nhưng không được cha giải tội xá giải. Giả sử họ xưng tội vì đã phạm một, hai, mười ngàn tội đi nữa, thì hãy cảm tạ Chúa và tha thứ cho họ. Đừng hành hạ họ, Đừng nói tôi không thể ban phép giải tội cho anh, tôi không thể vì tôi phải đi xin phép đức giám mục… Linh mục nào hành động như vậy thì là một kẻ tội phạm. Anh em hãy là những mục tử gần gũi, với lòng thương xót và dịu dàng.”
Hãy siêng năng cầu nguyện
Và Đức Thánh Cha đặc biệt nhắn nhủ các linh mục hãy siêng năng cầu nguyện. Ngài nói: “Một linh mục không cầu nguyện thì rốt cuộc sẽ rơi vào bãi rác. Có lẽ linh mục ấy sẽ kiên trì đến tuổi già nhưng là ở trong thùng rác, nghĩa là trong sự tầm thường. Tôi không muốn nói đó là tội trọng, nhưng là sự tầm thường, còn tệ hơn cả tội trọng, vì tội trọng làm cho bạn kinh hãi và đi xưng tội ngay. Sự tầm thường là một lối sống không cao, và người ta lợi dụng tất cả những gì có thể và kéo dài cho đến cùng. Linh mục nào không cầu nguyện thì rơi vào tình trạng đó. Anh em hãy cầu nguyện nghiêm túc, hãy xin vị đồng hành thiêng liêng với anh em, dạy anh em cầu nguyện. Hãy tin tưởng nơi cách thức anh em cầu nguyện với người đồng hành thiêng liêng của anh em. Xin anh em đừng đầu hàng trước điều đó.”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Hễ một linh mục càng bận rộn, càng dấn thân thì càng phải dành thời giờ cho việc cầu nguyện, tóm lại là cần gần gũi với Chúa trong kinh nguyện.”
Gần gũi Giám mục bản quyền
Ngoài ra, các linh mục còn cần gần gũi giám mục của mình. Đức Thánh Cha nói: “Không có Giáo Hội nếu không có giám mục. Có thể anh em nói: nhưng Giám mục này là một người xấu, bất xứng. Nhưng cả anh em cũng là người bất xứng! Giám mục là người cha của anh em. Nếu anh em không có can đảm nói thẳng với giám mục, thì đừng nói với người khác, hãy im lặng. Hoặc anh em đi nói với giám mục, hoặc anh em xin Chúa giải quyết vấn đề, nhưng hãy gần gũi giám mục, hãy tìm kiếm giám mục, và giám mục phải gần gũi các linh mục. Đúng vậy. Cần gần gũi giám mục của mình trong tư cách là con cái, chứ không phải như kẻ nịnh bợ, tìm kiếm một lợi lộc nào đó. Điều này bao hàm việc cần kính trọng giám mục.”
Đức Thánh Cha cảnh giác: “Một điều anh em không bao giờ được phép làm, đó là hành động như hai người con của ông Nôê, cười nhạo cha say sưa. Hãy làm như người con thứ ba, đó là lấy chăn đắp che thân cho cha. Quả thực là nhiều khi có những giám mục bất xứng – xin Chúa đừng để như vậy – nhưng bạn làm gì trong tư cách là con? Trong vườn nho của Chúa có đủ mọi loại. Hãy che thân cho cha, hãy can đảm nói với ngài, nhưng đừng coi sự xấu của giám mục ấy để cười nhạo trong câu chuyện với những người khác và để biện mình điều gì đó cho mình. Giám mục là người cha.”
Đừng nói hành nói xấu
Cũng trong việc tránh tật nói hành nói xấu, Đức Thánh Cha cảnh giác các linh mục hãy gần gũi các anh em linh mục khác, và đừng nói xấu nhau, vì chúng ta là anh em với nhau. Nếu anh em không có can đảm nói thẳng với đương sự, thì đừng đi kể với những người khác như những bà già ngôi lê đôi mách. Có quá nhiều tật xấu này trong Giáo Hội, ở mọi nơi.
Và sau cùng Đức Thánh Cha nhắc nhủ các linh mục đừng quên những người cộng tác của mình, đừng quên gốc gác của mình, nơi mình xuất xứ, đừng quên mùi của dân Chúa.
G. Trần Đức Anh, OP
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2022-11/nhung-tu-tuong-tam-huyet-cua-dtc-phanxico-ve-linh-muc.html