22/12/2024

Vắc xin nào phải tiêm bắt buộc tại Việt Nam?

Vắc xin nào phải tiêm bắt buộc tại Việt Nam?

Hiện nay trong chương trình tiêm chủng mở rộng có 10 loại vắc xin bắt buộc phải tiêm chủng cho trẻ. Thời gian sắp tới Bộ Y tế sẽ tiếp tục đưa thêm loại vắc xin khác vào như: vắc xin ngừa tiêu chảy (Rota), vắc xin phòng HPV, cúm mùa…

 

 

 

 

Vắc xin nào phải tiêm bắt buộc tại Việt Nam? - Ảnh 1.

Phụ huynh đưa trẻ đến trạm y tế để tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng – Ảnh: THU HIẾN

Bạn đọc L.T.T. (25 tuổi, ngụ Đồng Nai) có con nhỏ 1 tháng tuổi thắc mắc, trẻ mới sinh từ 1 đến 5 tuổi cần tiêm đầy đủ những loại vắc xin nào? Hiện nay những loại vắc xin nào bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng?

Trả lời thắc mắc bạn đọc về vấn đề này, bác sĩ Lê Thành Nam – phụ trách trạm y tế phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) – cho biết theo thông tư số 38/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, vắc xin bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng của nước ta hiện nay bao gồm 10 loại vắc xin:

Viêm gan B (trẻ dưới 1 tuổi), lao (trẻ dưới 1 tuổi), bạch hầu (trẻ dưới 2 tuổi), ho gà (trẻ dưới 2 tuổi), uốn ván (trẻ dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai), bại liệt (trẻ dưới 1 tuổi), bệnh do Heamophilus Inffluenzae type B (trẻ dưới 1 tuổi), sởi (trẻ dưới 2 tuổi), viêm não Nhật Bản (trẻ từ 1 đến 5 tuổi), Rubella (trẻ dưới 2 tuổi).

Bộ Y tế yêu cầu nếu chưa tiêm chủng đúng lịch thì tiêm chủng càng sớm càng tốt sau đó, nhưng phải bảo đảm phù hợp với đối tượng và hướng dẫn của chương trình tiêm chủng mở rộng. Việc tiêm chủng chiến dịch hoặc tiêm chủng bổ sung được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong từng trường hợp.

Khi đưa trẻ đến các trạm y tế nơi mình sống để tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cần mang theo sổ tiêm chủng, hoặc có thể lựa chọn vắc xin tại các cơ sở dịch vụ để tiêm chủng cho trẻ.

Trước đó, ngày 15-8, Chính phủ đồng ý lộ trình đưa vắc xin phòng bệnh do vi rút rota (tiêu chảy) từ năm 2022, vắc xin phòng bệnh do phế cầu từ năm 2025, vắc xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung từ năm 2026 và vắc xin phòng bệnh cúm mùa từ năm 2030 vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

Theo bác sĩ Nam, hiện nay các loại vắc xin như Rota ngừa tiêu chảy (cho trẻ từ 2 đến 8 tháng tuổi), ung thư cổ tử cung (cho trẻ và phụ nữ từ 9 đến 26 tuổi) để giảm nguy cơ mắc các bệnh do vi rút HPV gây ra, cúm mùa… có giá thành dịch vụ khá đắt, nhiều người không có điều kiện để tiêm, do vậy tỉ lệ bao phủ vẫn rất thấp.

Nếu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, các loại vắc xin này sẽ giúp trẻ giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm vào mùa, giảm nguy cơ lây nhiễm đặc biệt như cúm mùa khi trẻ trong độ tuổi đi học.

Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương… mời gửi email đến hộp thư [email protected] (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.

THU HIẾN
TTO