Một người có thể bôi hơn… 500 hoá chất khác nhau lên da mỗi ngày
Một người có thể bôi hơn… 500 hoá chất khác nhau lên da mỗi ngày
Theo một nghiên cứu về da liễu mới đây của Đại học Y khoa Stanford (Mỹ), hầu hết các sản phẩm chăm sóc da đang được phân phối bởi 3 nhà bán lẻ hàng đầu nước Mỹ có chứa các chất gây dị ứng.
Các bác sĩ da liễu tham gia nghiên cứu đã tiến hành phân tích thành phần của 1.651 sản phẩm chăm sóc da, bao gồm kem dưỡng, xà phòng, và các loại dưỡng ẩm. Kết quả cho thấy 90% các sản phẩm này có chứa ít nhất 1 trong số 100 các chất dị ứng phổ biến gây bệnh viêm da tiếp xúc.
Biểu hiện của viêm da tiếp xúc là phát ban đỏ, ngứa, tệ hơn là phản ứng phồng rộp tại chỗ tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, hoặc viêm da. Khi đã bị viêm da tiếp xúc, da sẽ trở nên nhạy cảm hơn đối với cả các tác nhân vô hại khác.
Theo một số ước tính, tỉ lệ viêm da tiếp xúc trên toàn thế giới đã tăng lên gấp 3 lần kể từ năm 1996.
Bệnh viêm da tiếp xúc hoàn toàn có thể được phòng ngừa nếu người dùng xác định được các chất có thể gây kích ứng da trong danh sách thành phần đã được liệt kê trên sản phẩm. Tuy nhiên, đây không phải là điều dễ dàng.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa JAMA Dermatology, Hiệp hội Y khoa Mỹ xuất bản, được thực hiện nhằm tìm kiếm sự liên hệ giữa việc gia tăng nhanh chóng của bệnh viêm da tiếp xúc với việc thiếu quy định về quảng cáo trong ngành mỹ phẩm làm đẹp.
“Việc Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chưa ban hành các định nghĩa xác định cho tính chất ‘sạch’ hay ‘tự nhiên’, khiến người bán tự do sử dụng các thuật ngữ ngụ ý an toàn và lợi ích sức khỏe để quảng cáo”, bác sĩ da liễu Peter Young và các đồng sự tham gia nghiên cứu tại Đại học Y khoa Stanford giải thích.
Thông thường, một sản phẩm chăm sóc da hay mỹ phẩm có thể chứa 15-50 thành phần. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tùy thuộc vào thói quen chăm sóc da, một người có thể bôi hơn 500 loại hóa chất khác nhau lên da mỗi ngày.
Như vậy, càng xài nhiều sản phẩm dưỡng da, càng có khả năng cao bạn sẽ tiếp xúc với các chất gây dị ứng tiềm ẩn.
Kết quả của nghiên cứu cho thấy, các chất gây dị ứng thường có trong các loại nước hoa, có khả năng các chiết xuất từ hoa oải hương và thực vật là các tác nhân hàng đầu gây viêm da tiếp xúc.
Trung bình, thành phần của một sản phẩm được đề cập trong nghiên cứu có chứa từ 4 đến 5 các chất gây dị ứng. Tổng cộng có 73 chất gây dị ứng khác nhau đã được liệt kê 7.487 lần trên 1.651 sản phẩm được nghiên cứu.
Đây mới chỉ là kết quả thu được khi phân tính các thông tin có sẵn trên mạng Internet, nhưng cũng đã cho thấy quy mô và tầm quan trọng của vấn đề này.
“Người dùng và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cần phải được cảnh báo để họ có thể có nhận thức rõ về các chất được bôi lên da”, bài nghiên cứu kết luận.
Nghiên cứu của bác sĩ Young và các đồng sự không phải là nghiên cứu đầu tiên kiểm tra các chất gây dị ứng trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân.
Vào năm 2017, một nghiên cứu khác tại Mỹ cũng cho thấy, một số loại kem dưỡng ẩm được dán nhãn “không chứa chất gây dị ứng” và các sản phẩm “không chứa hương thơm” đôi khi vẫn có mùi hương và vẫn có chứa các chất gây kích ứng da.
Bằng cách dán nhãn “tự nhiên”, các nhãn hàng khiến người dùng nghĩ rằng sản phẩm họ đang sử dụng là an toàn. Tuy nhiên, người tiêu dùng không hề có thông tin gì về độ an toàn của các sản phẩm “tự nhiên”. Đôi khi chúng là sự đánh tráo về nguồn gốc tự nhiên của thành phần và các hợp chất giống “các chất tự nhiên” về mặt hóa học.
Cùng với đó, các khẳng định “không gây dị ứng” và “chứng nhận bởi bác sĩ” được nhiều nhãn hàng sử dụng, nhằm tạo được uy tín về mặt y tế cho sản phẩm mà không cần phải đáp ứng một tiêu chí pháp lý nào.
“Người tiêu dùng và các chuyên gia cần phải yêu cầu bằng chứng từ các hãng mỹ phẩm theo trào lưu sản phẩm từ thiên nhiên”, hai bác sĩ da liễu không tham gia nghiên cứu là Courtney Blair Rubin và Bruce Brod từ Đại học Pennsylvania cho biết.