Caritas Quốc tế thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ trên thế giới
Caritas Quốc tế thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ trên thế giới
Hoàn cảnh thực tế của nữ giới ở khắp nơi trên thế giới
Theo Caritas Quốc tế, nhận thấy một thực tế khắc nghiệt và bất công mà phụ nữ phải đối diện ở khắp nơi trên thế giới, trong mọi lĩnh vực, cả trong các vị trí lãnh đạo, vì thế tổ chức bác ái của Giáo hội Công giáo đã quyết định tổ chức Hội nghị này.
Tại Hội nghị, các tham dự viên đã rất bất ngờ khi biết được các con số liên quan đến nữ giới: Trên thế giới, có 115 triệu trẻ nữ không được đến trường. Chưa tới 3% quỹ nhân đạo dành cho các tổ chức hoạt động về trao quyền cho phụ nữ. Trên thế giới chỉ có 5% phụ nữ lãnh đạo.
Đại sứ Nancy Ovelar de Gorostiaga, Đại diện thường trực của Paraguay tại UNESCO, chỉ ra rằng tất cả mọi người đều phải chịu hậu quả của sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử, ảnh hưởng đến phụ nữ, người bản địa, người di cư và tị nạn, và người khuyết tật. Bà Ovelar de Gorostiaga nhấn mạnh “phụ nữ chiếm một nửa dân số và do đó vứt bỏ tiềm năng của một nửa nhân loại là bất công và vô nhân đạo”.
Phát biểu tại Hội nghị, Đức Hồng y Pietro Parolin nhận định rằng ở phương tây, trong khi trong đời sống công cộng người ta đã thấy có sự hiện diện của phụ nữ trong các lĩnh vực, như giáo dục, văn hoá và chính trị, thì trong đời sống riêng tư, người ta cũng đang chứng kiến bạo lực, áp bức và giết phụ nữ trong các gia đình. Hiện tượng này là hậu quả của một quan niệm lệch lạc về con người, của việc giáo dục xã hội và tôn giáo lo sợ việc bình đẳng tôn trọng tự do và phẩm giá phụ nữ sẽ làm cho nam giới bị hạ thấp.
Bạo lực phụ nữ
Cô Jasvinder Sanghera, người sống sót sau cuộc hôn nhân cưỡng bức kể lại câu chuyện của chính cô. Cô bị gia đình xa lánh vì đã quyết định thoát khỏi cuộc hôn nhân. Cô khẳng định hiện nay có rất nhiều phụ nữ phải sống trong hoàn cảnh bất công này nhưng chẳng ai biết. Vì thế phải làm cách nào để mọi người trên thế giới biết một cách đầy đủ hoàn cảnh thực tế mà các phụ nữ phải chịu đựng.
Một hình thức bạo lực phụ nữ khác được nhà báo Christina Lamb thường tác nghiệp trong các cuộc xung đột, chiến tranh đề cập. Bà lưu ý rằng dường như đã có một “đại dịch” hiếp dâm và bạo lực trong các cuộc xung đột. Hiếp dâm là một tội ác mà nạn nhân cảm thấy dường như họ đã làm điều gì sai, và nhiều người trong số này cảm thấy xấu hổ trong nhiều năm, không thể nói ra điều đã xảy ra với họ, họ sợ bị phán xét. Nhà báo nhấn mạnh: “Nạn nhân và những người sống sót cần được đối xử xứng nhân phẩm và không được làm cho họ cảm thấy như thể họ đã làm điều gì đó sai trái. Thường phụ nữ bị bắt cóc và giữ làm nô lệ tình dục, như ở Syria, nhiều người trong số họ bị buộc phải lựa chọn giữa các con của họ, không được cộng đồng chấp nhận và quay trở lại gia đình. Đây là nơi mà các vị lãnh đạo đức tin có thể tiếp cận và giúp đưa ra tiếng nói cho các phụ nữ này trong lúc họ cần.”
Một diễn giả đến từ Venezuela, bà Susana Raffalli, chuyên gia dinh dưỡng tuyên bố rằng thường phụ nữ thấp hơn nam giới 8 cm, vì thế khi phải đối diện với tình trạng thiếu lương thực, phụ nữ bị suy dinh dưỡng nhiều hơn.
Giải quyết các quy tắc xã hội và văn hoá
Bà Marthe Wandou đến từ Cameroon, người luôn đấu tranh cho quyền của phụ nữ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không chỉ cho các thiếu nữ cơ hội, nhưng còn phải trao cho họ cơ hội thứ hai.
Ở Cameroon và một số quốc gia châu Phi khác, sự nổi dậy của các nhóm khủng bố gây ra bạo lực, sợ hãi, di tản và cái chết. Thêm vào đó ở châu Phi niềm tin văn hoá và truyền thống mạnh mẽ kìm hãm cuộc đấu tranh cho bình đẳng. Ở nông thôn, phụ nữ không thể làm gì nếu chồng không cho phép. Nếu họ được phép đến bệnh viện, thường thì họ không có phương tiện để đi, và nếu đã đến được thì phải chịu cảnh điều trị không đủ hoặc chậm. Vì thế giải pháp thông thường nhất là chuyển qua điều trị truyền thống.
Bất công trong giáo dục
Về giáo dục, Đức Hồng y Parolin lưu ý rằng sự chênh lệch về giáo dục thường liên quan đến thu nhập, chủng tộc và các hoàn cảnh dễ bị tổn thương khác vẫn tiếp tục làm cho phụ nữ và trẻ nữ bị gạt ra bên lề xã hội.
Ngài nhấn mạnh rằng nếu không có quyền giáo dục, bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc thúc đẩy phụ nữ có nguy cơ trở thành một thực hành trống rỗng trong hùng biện. Xem xét phụ nữ từ quan điểm giáo dục có nghĩa là nhấn mạnh tầm quan trọng cơ bản của quá trình phát triển con người, tinh thần, trí tuệ và nghề nghiệp, để phụ nữ có thể hoà mình vào xã hội ngang bằng với nam giới.
Hơn nữa, chính trong quá trình này các quốc gia phải can đảm đầu tư, đảo ngược tương quan bất cân xứng giữa chi tiêu công cho giáo dục và quỹ dành cho vũ khí. Điều này càng khẩn cấp hơn trong thời điểm giáo dục phải chịu một cuộc khủng hoảng sâu sắc với một tương lai bất ổn do hậu quả của đại dịch Covid-19 và một thực tế địa chính trị cực kỳ nguy hiểm, nơi có quá nhiều trẻ em và phụ nữ tiếp tục phải trả giá.
Mục tiêu
Sau khi nhận rõ hoàn cảnh thực tế hiện nay của nữ giới, Hội nghị đưa ra ba mục tiêu chính: khám phá những thách đố đối với phụ nữ ở mọi tầng lớp trong xã hội; tập trung vào các trở ngại ngăn cản phụ nữ tiếp cận các vị trí lãnh đạo và ra quyết định; và đề xuất các chiến lược cụ thể về cách góp phần loại bỏ những rào cản này.
Cụ thể, các diễn giả đề cập đến những cách thức để phá vỡ các rào cản không trao quyền cho nữ giới, cũng như cách trang bị cho phụ nữ các công cụ cần thiết để họ tự tin lãnh đạo, qua giáo dục và củng cố năng lực từ cấp địa phương đến toàn cầu.
Caritas Quốc tế dấn thân thăng tiến phụ nữ ở mọi cấp độ
Hiện diện tại Hội nghị, ông Aloysius John, Tổng Thư ký của Caritas Quốc tế nhận xét rằng mọi phụ nữ đều phải đối diện với sự ngược đãi và đau khổ, nhưng tất cả luôn tìm thấy sức mạnh để tồn tại. Ông chứng minh điều này bằng câu chuyện của Mariam Ibrahim, một phụ nữ Sudan đã cải đạo sang Kitô giáo và bị kết án tử hình vào năm 2014 nhưng sau đó đã được tự do nhờ áp lực từ cộng đồng quốc tế. Hiện nay Mariam là một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ.
Câu chuyện của Mariam là duy nhất nhưng hàng triệu triệu phụ nữ phải đối mặt với sự ngược đãi và đau khổ ở các mức độ khác nhau trên khắp thế giới. Những đau khổ này thể hiện tình trạng bất ổn của xã hội hiện đại của chúng ta, nơi các “hành lang quyền lực” xác định các hành vi lạm dụng phụ nữ.
Hội nghị được tổ chức tại trụ sở UNESCO có tham vọng nhấn mạnh cách nam giới và nữ giới sống với nhau trong sự bổ sung và hoà hợp. Tuy nhiên, các yếu tố như thực hành văn hóa và tôn giáo, bạo lực và nghèo đói cùng cực ngăn cản việc tạo ra một không gian hoà nhập, trong đó phụ nữ, giống như nam giới, có thể sống có phẩm giá, thực hiện các quyền của họ và giữ các vị trí cao nhất.
Theo Tổng Thư ký Caritas Quốc tế, các cuộc tranh luận và lời chứng đã nêu bật tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề vai trò của phụ nữ trong xã hội như một vấn đề về bất công xã hội đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị rõ ràng. Khi một nửa nhân loại bị phân biệt đối xử, thì chính toàn thể nhân loại phải gánh chịu. Chúng ta không thể tưởng tượng sự ra đời của một xã hội công bằng mà không có vai trò lãnh đạo của phụ nữ. Khuôn mặt đầy đủ của con người phải dựa trên sự hài hòa giữa nam và nữ, xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử. Điều này có nghĩa là ngay từ nhỏ các bé gái và bé trai phải được giáo dục để sống cùng nhau, trong một xã hội được đặc trưng bởi sự tôn trọng lẫn nhau và chấp nhận người khác.
Nhìn nhận và thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ đối với Caritas Quốc tế là một hành động công bằng. Việc cho phép phụ nữ trở thành lãnh đạo ở tất cả các cấp độ là cấp thiết, trong khi vẫn giữ được đặc tính nữ giới của họ. Cho phép sự tham gia của phụ nữ ở tất cả các cấp chắc chắn sẽ dẫn đến sự biến đổi xã hội của chúng ta, một sự thay đổi cần thiết trong một kịch bản quốc tế được đánh dấu sâu sắc bởi đại dịch Covid-19.
Caritas tin rằng sau hai ngày hội nghị, một con đường cụ thể đã được chỉ ra để giải quyết những nguyên nhân cản trở việc hình thành một xã hội công bằng. Đây là một con đường mà Caritas Quốc tế, gồm 162 Caritas địa phương ở 200 quốc gia trong nhiều thập kỷ đã có kinh nghiệm thúc đẩy phụ nữ lãnh đạo. Tiếp tục hành trình này, tổ chức bác ái quốc tế cam kết thúc đẩy phát triển các chính sách và hướng dẫn nhằm thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ tại Caritas địa phương, ở quốc gia và giáo phận. Tổ chức cũng có ý định tăng cường hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự và đặc biệt là với Diễn đàn của các tổ chức phi chính phủ Công giáo, giải quyết vấn đề này ở cấp độ quốc tế. Cuối cùng, Caritas muốn tiếp tục khám phá cùng với các hành động phối hợp của UNESCO nhằm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho phụ nữ.
Tuy nhiên, mục tiêu thứ hai này không thể đạt được nếu không có cam kết cụ thể của cộng đồng quốc tế. Ưu tiên dành quỹ cho việc nâng cao nhận thức về khuyến khích phụ nữ và hoà nhập vấn đề này vào tất cả các dự án phát triển. Khuyến khích phụ nữ cũng phải được coi là nền tảng của các chương trình đào tạo đại học cho nhân viên nhân đạo. Cuối cùng, một điều không thể thiếu là nỗ lực không ngừng và quyết tâm nâng cao dư luận về vấn đề này.
Mặc dù không có câu trả lời đơn giản cho câu hỏi “làm thế nào để đạt được khuôn mặt đầy đủ của con người?”, Caritas chắc chắn rằng hội nghị đã giúp đưa ra một số câu hỏi thiết yếu. Mọi người phải có can đảm để giải quyết vấn đề này với niềm tin và quyết tâm, và phải làm ngay bây giờ. Việc trao quyền lãnh đạo cho phụ nữ đòi hỏi những thay đổi mang tính hệ thống mà họ không thể chờ đợi được nữa.
Ông Aloysius John nhìn nhận rằng, Caritas Quốc tế còn phải làm việc nhiều hơn nữa để việc trao quyền cho phụ nữ được thực hiện tích cực hơn. Ông nói: “Hiện tại, tại tổ chức bác ái này, 53% nhân viên là phụ nữ, nhưng chúng tôi cần phải tiến xa hơn nữa, để phụ nữ có thể đảm nhận các vị trí quan trọng trong Cairtas Quốc tế.”
Ngọc Yến
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2022-11/caritas-quoc-te-thuc-day-trao-quyen-cho-phu-nu-tren-the-gioi.html