22/01/2025

Nghiên cứu mới: Tuabin gió có thể dùng điều tiết khí thải

Nghiên cứu mới: Tuabin gió có thể dùng điều tiết khí thải

Nghiên cứu mới đây cho thấy các tuabin gió có thể mang lại lợi ích kép trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

 

 

 

Nghiên cứu mới: Tuabin gió có thể dùng điều tiết khí thải - Ảnh 1.

Tuabin gió được kỳ vọng sẽ giúp điều hướng khí thải về nơi xử lý – Ảnh: VOLKER HARTMANN

Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí khoa học Science News cho thấy ngoài khả năng khai thác gió để tạo ra năng lượng sạch, các tuabin có thể được dùng thu gom khí thải để xử lý.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu sử dụng các phương pháp động lực học để các tuabin gió có thể tập trung lượng khí CO2 từ một nguồn phát thải – chẳng hạn từ các nhà máy – về một số vị trí cố định.

Kỹ sư cơ khí Luciano Castillo – từ Đại học Purdue (Indiana, Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu – cho biết các tuabin gió lớn tạo ra năng lượng quay sẽ gây ra sự nhiễu loạn và kéo không khí xuống các cánh quạt phía sau.

Kỹ sư Clarice Nelson – cũng từ Đại học Purdue – giải thích thêm: vấn đề của nhiều nhà máy, chẳng hạn tại Mỹ, là hệ thống xả thường thải CO2 ra môi trường ở vị trí cao, do vậy đa phần các thiết bị từ mặt đất khó lòng tác động.

Tuy nhiên, những thử nghiệm của nhóm cho thấy tuabin gió có thể tham gia vào việc điều chỉnh nồng độ các chất khí trong một không gian nhất định, từ đó chuyển hướng các chất thải như CO2 đến các hệ thống thu giữ carbon.

Đặc biệt ở địa phương có nguồn gió tốt – thổi đều và theo những hướng cố định trong năm – việc điều tiết khí CO2 phát thải từ các nhà máy càng trở nên thuận lợi.

Vì vậy, Castillo và Nelson cho rằng các tuabin gió sẽ dễ dàng được ứng dụng, nhất là khi công nghệ này không cần tốn thêm hệ thống làm mát hay tiêu hao thêm các nguồn nguyên liệu khác như nước sạch.

Nghiên cứu mới: Tuabin gió có thể dùng điều tiết khí thải - Ảnh 2.

Tuabin gió có thể mang lại lợi ích kép – Ảnh: NEW SCIENTIST

Theo kỹ sư Nicholas Hamilton tại Phòng thí nghiệm năng lượng tái tạo quốc gia (Mỹ), trên thực tế sẽ có nhiều yếu tố tác động đến quá trình vận chuyển CO2 của các tuabin gió, bao gồm những tương tác của chúng với mặt đất, nguồn nước và hệ động thực vật xung quanh.

Tuy nhiên, ông Hamilton cũng cho rằng những bước tiếp theo của nghiên cứu rất đáng chờ đợi. Nếu được mở rộng thành công, hệ thống chắc chắn mang lại nhiều tác động tích cực cho môi trường.

Dự kiến mô hình của nhóm nghiên cứu sẽ được trình bày và đánh giá trong cuộc họp của Hiệp hội Vật lý Mỹ vào cuối tháng 11 tới đây.

HOÀNG THI
TTO