22/01/2025

Khoảng 354.000 người Việt Nam đang ‘sống chung’ với ung thư

Khoảng 354.000 người Việt Nam đang ‘sống chung’ với ung thư

Tại Việt Nam, đang có khoảng 354.000 người “sống chung” với ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới và 106 người tử vong do ung thư.

 

 

 

Ngày 4.11, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội phối hợp Hội Ung thư Việt Nam hội thảo “Phòng chống ung thư Hà Nội năm 2022”, với sự tham gia của gần 1.000 chuyên gia về ung thư, giải phẫu bệnh… trong và ngoài nước.

Khoảng 354.000 người Việt Nam đang 'sống chung' với ung thư - ảnh 1
Nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư được áp dụng, xu hướng e ngại, sợ sệt với bệnh ung thư đang giảm dần  THÙY LINH

Phát biểu tại hội thảo GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ Trưởng Bộ Y tế cho biết tại Việt Nam, năm 2020 có hơn 180.000 ca mới mắc và 122.000 người tử vong do ung thư. Gánh nặng bệnh tật do ung thư gây ra tại Việt Nam ước tính đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1990 và các ca mắc mới ngày càng trẻ hóa.

Thông tin cho thấy, khi cuộc sống càng phát triển, các bệnh không lây nhiễm (đặc biệt ung thư) ngày càng gia tăng. Nguyên nhân gây tử vong nhóm bệnh không truyền nhiễm (ung thư, tim mạch…) chiếm 74% nguyên nhân gây tử vong ở người.

Hiện có 185/204 quốc gia có báo cáo thống kê về tình hình bệnh ung thư. Tại Việt Nam, ước tính hiện có 354.000 người sống chung với ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới và 106 người tử vong do ung thư.

“Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 91/185 về tỷ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người. Thứ hạng này tương ứng của năm 2018 là 99/185 và 56/185. Như vậy, có thể thấy tình trạng mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều đang tăng”, GS Thuấn cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Thuấn ung thư không phải vấn đề gây nên sợ hãi, lo lắng. Chúng ta có thể phát hiện sớm, kịp thời và chữa khỏi nhờ các công nghệ mới trong chẩn đoán, điều trị. Xu hướng e ngại, sợ sệt với bệnh ung thư đang giảm dần. Nhiều người bệnh đã lao động, học tập và chung sống dần với căn bệnh ung thư. “Có những bệnh nhân ung thư 10 năm vẫn sống khỏe. Điều này cho thấy trình độ khoa học công nghệ của chúng ta đã từng bước tiếp cận với chẩn đoán, điều trị ung thư trên thế giới”, GS Thuấn đánh giá.

 

TS-BS Bùi Vinh Quang, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội:

Những con số về chẩn đoán sớm, điều trị thành công đã minh chứng cho thành công của chúng ta trong tiếp cận, hội nhập khoa học kỹ thuật thế giới về điều trị ung thư.

Bệnh viện Ung bướu Hà Nội là bệnh viện tuyến cuối Bộ Y tế. Vì vậy, trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển chuyên ngành ung thư. Đồng thời luôn đồng hành cùng các địa phương, các bệnh viện phát triển, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành ung bướu đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tại Hà Nội và các tỉnh thành.

Khoảng 354.000 người Việt Nam đang 'sống chung' với ung thư - ảnh 2
 TS Bùi Vinh Quang, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội phát biểu tại hội thảo THANH HẢI

 

 

 

LIÊN CHÂU

TNO