07/12/2024

Lùi giờ vào học dù chỉ một chút, học sinh cũng ‘dễ thở’ hơn

Lùi giờ vào học dù chỉ một chút, học sinh cũng ‘dễ thở’ hơn

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đến chiều 31-10 có rất nhiều trường tiểu học ở TP.HCM ấn định giờ vào học tiết 1 buổi sáng sau 7h30.

 

 

 

Lùi giờ vào học dù chỉ một chút, học sinh cũng dễ thở hơn - Ảnh 1.

Trường TH Nguyễn Thượng Hiền, quận Gò Vấp, TP.HCM đã cho lùi giờ vào học 30 phút được nhiều phụ huynh và các em học sinh phấn khởi – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Trong đó, nhiều trường đã thực hiện từ trước khi Sở GD-ĐT TP.HCM có quyết định lùi giờ học đối với học sinh các cấp.

 

Vào học trễ hơn

Ở Trường tiểu học Trần Quốc Toản (huyện Bình Chánh), ông Nguyễn Văn Nguyện – hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản – thông tin dù giờ vào học mới là 7h30 nhưng mới 6h đã có khoảng 100/2.360 học sinh được cha mẹ đưa đến trường vì họ phải đi làm xa.

“Chúng tôi đã bố trí một phòng chờ sát bên phòng bảo vệ để phục vụ những học sinh đi học sớm. Các em sẽ vào phòng này xem phim hoạt hình. Đến 6h30 sẽ có hai giáo viên trực ngoài cổng và hai giáo viên trực trong sân trường và cạnh các cầu thang, chưa cho học sinh lên lớp học. 

Nhiệm vụ của giáo viên trực ngoài cổng là không để cho học sinh lang thang bên ngoài cổng trường mà phải vào trong sân, tránh trường hợp bị bắt cóc, bị kẻ xấu dụ dỗ… Nhiệm vụ của giáo viên trong sân là bảo đảm không để học sinh lên lớp khi chưa có giáo viên trong phòng, lỡ có chuyện không hay xảy ra sẽ khó xử lý kịp thời. 

Đến 7h15 khi các giáo viên chủ nhiệm có mặt trong phòng học, chúng tôi mới cho học sinh lên lớp”, ông Nguyện nói.

Trong khi đó, trưởng phòng GD-ĐT một quận vùng ven TP.HCM, bày tỏ: “Việc lùi giờ học sẽ rất thuận lợi đối với các trường thực hiện dạy hai buổi/ngày. Ngay cả trường dạy một buổi/ngày nhưng ở bậc tiểu học cũng không có khó khăn gì bởi giáo viên tiểu học thì lớp nào dạy lớp đó, việc phân công giáo viên bộ môn cũng dễ dàng chứ không quá phức tạp. 

Chỉ khó khăn là với những trường đang tồn tại song song cả hai hình thức vừa có lớp học một buổi/ngày, vừa có lớp học hai buổi/ngày. Với những trường này, để thực hiện lùi giờ học sẽ phải tính toán rất kỹ để thỏa mãn được cả hai đối tượng học sinh kể trên”.

 

“Gia đình tôi bớt cãi nhau’

Ông Nguyễn Tấn Mạnh – phụ huynh lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Thị Định, quận 12 – cho biết: “Trường tiểu học của con gái tôi đã lùi giờ học từ ngày 24-10. Đã hơn một tuần trôi qua, không khí buổi sáng ở gia đình tôi khá nhẹ nhàng và vui vẻ vì con không phải đi học sớm. 

Trước đây, sáng nào vợ tôi cũng phải làm đủ cách để kéo con ra khỏi giường vào buổi sáng sớm. Lúc đầu cô ấy còn ngọt ngào, dịu dàng. Nhưng sau một hồi gọi, nói mà con vẫn cứ ngủ là cô ấy nổi nóng, la mắng, kể lể các kiểu. Có bữa không kìm chế được cô ấy tét mấy cái vào mông khiến con bé khóc thét lên. 

Buổi sáng ở nhà tôi thường xuyên ồn ào, ầm ĩ thế mà có bữa con bé còn không kịp ăn sáng, chỉ uống vội hộp sữa rồi đi học”.

Ông Mạnh thừa nhận: “Nhà trường chỉ lùi giờ vào học có 15 phút nhưng đối với gia đình tôi đó là 15 phút quý giá. Trước đây 7h15 học sinh phải có mặt ở trường thì nay 7h30 học sinh mới phải có mặt ở trường để 7h45 vào học tiết 1. 

Từ ngày trường thay đổi giờ học, vợ tôi không còn cáu gắt vào mỗi sáng nữa. Con gái cũng ăn sáng đàng hoàng rồi mới đến trường, có bữa bé còn có thời gian ăn trái cây nữa”.

Tương tự, bà Trần Thị Hậu – phụ huynh học sinh lớp 2 Trường tiểu học Lý Tự Trọng, quận 12 – kể: “Trường cho học sinh vào học sớm hay trễ thì hằng ngày, con tôi vẫn lên giường lúc 21h30 để tâm sự, nghe mẹ kể chuyện… đúng 22h là hai mẹ con không nói gì nữa để bé đi vào giấc ngủ. 

Hồi đầu năm học 2022 – 2023, trường quy định học sinh phải có mặt lúc 7h để 7h15 vào học tiết 1. Tôi sợ con đi học trễ nên 5h45 đã phải đánh thức con dậy. Cháu đang tuổi ăn tuổi ngủ nên ngày nào cũng 6h20 mới chui ra khỏi giường. Sau đó thì do còn ngái ngủ nên cứ lừ đừ. Có bữa tôi phải đút cho con ăn sáng nhưng cũng chỉ được vài muỗng là bé lắc đầu không muốn ăn nữa”.

Còn sau khi ấn định giờ học mới, bà Hậu cho hay: “Bây giờ khi giờ học đã trễ hơn, tôi không lo con đi học trễ nên không kêu “trừ hao” nữa, để cho con ngủ đến 6h30 mới gọi. Vì ngủ đủ giấc nên khi tỉnh dậy cháu rất nhanh nhẹn, tỉnh táo, tự vệ sinh cá nhân rồi ngồi vào bàn ăn sáng, có bữa còn vừa ăn vừa “tám” đủ thứ chuyện rồi cười ầm ầm”.

Lùi giờ vào học dù chỉ một chút, học sinh cũng dễ thở hơn - Ảnh 2.

Việc lùi giờ vào học sẽ giúp nhiều gia đình có con học các cấp khác nhau giảm được áp lực thời gian đưa đón trẻ – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Giờ nghỉ trưa sẽ sát sao

Về thông tin lùi giờ học, nhiều giáo viên THCS, THPT lo lắng về giờ nghỉ trưa quá sát sao. Cô H. – giáo viên môn toán ở một trường THCS trên địa bàn quận 3 – giải thích: “Trường tôi hiện ấn định giờ vào học là 7h. Nếu thực hiện theo quy định của Sở GD-ĐT thì 7h15 vào học. 

Như vậy, những lớp học một buổi/ngày sẽ kết thúc buổi sáng vào 11h30 thì sau này sẽ kết thúc lúc 11h45. Trong khi đó, những lớp học một buổi/ngày buổi chiều thì 12h45 đã vào tiết 1. 

Học sinh thì không sao nhưng giáo viên chúng tôi sẽ rất mệt nếu đã dạy tiết thứ 5 buổi sáng rồi buổi chiều lại dạy tiếp từ tiết 1. Như vậy, giáo viên chỉ có đúng nột tiếng nghỉ trưa, nếu phải chạy về nhà lo cho con cái thì chắc không kịp”.

Thừa nhận tình trạng trên, ông Phan Huy – hiệu trưởng Trường THCS Colette, quận 3 – cho hay: “Việc lùi giờ học sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều học sinh khi các em không phải dậy quá sớm. Nhưng chúng tôi cũng băn khoăn về lao động giáo viên. Trường tôi có 40 lớp thì chỉ có 14 lớp bán trú còn lại toàn lớp học một buổi/ngày. 

Hiện nhà trường đang chờ hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP về việc lùi giờ học. Để thực hiện theo quy định mới thì nhà trường phải cân nhắc, sắp xếp lại thời khóa biểu, làm sao để giáo viên đã dạy tiết 5 buổi sáng thì buổi chiều không phải đứng lớp dạy tiết 1, tạo điều kiện cho các thầy cô nghỉ ngơi, dưỡng sức”.

 

Tùy điều kiện của trường

gio vao hoc

Nguồn: Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM – Đồ họa: TẤN ĐẠT

Ông Hồ Tấn Minh – chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM – cho biết ban giám đốc sở đã quyết định lùi giờ học đối với học sinh các cấp từ mầm non đến THPT.

Theo ông Minh: “Tùy từng điều kiện cụ thể của từng trường, tình hình giao thông ở các địa phương, nhà trường sẽ xây dựng giờ vào học, giờ ra về theo hướng lệch ca, lệch giờ với các khối lớp, đảm bảo quy định về chương trình giảng dạy, đảm bảo sức khỏe cho học sinh và tránh ùn tắc giao thông.

Riêng với các trường nằm trên một cung đường, cần có sự bàn bạc với nhau để ấn định giờ vào học, giờ ra về lệch nhau, tránh tình trạng kẹt xe trước cổng trường và kẹt xe trên cung đường đó”.

Theo ông Minh, dự kiến tuần này sở sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể.

 

Co kéo thời khoá biểu

Ông Trần Ngọc Lâm – hiệu trưởng Trường THCS Văn Lang, quận 1 – nêu ý kiến: “Về phía học sinh thì không có vấn đề gì. Những lớp học một buổi/ngày sẽ ra về trễ hơn 15 phút so với trước đây cũng không sao. Nhưng đó là các lớp buổi sáng, còn các lớp buổi chiều thì 17h15 ra về là quá trễ rồi, không dời được nữa.

Muốn như vậy giờ học buổi chiều phải là 12h30. Như vậy sẽ rất khó cho giáo viên. Nhất là với những trường đang thiếu giáo viên, sẽ rất co kéo khi xếp thời khóa biểu để các thầy cô có thời gian tái tạo sức lao động”.

HOÀNG HƯƠNG
TTO