22/01/2025

Giật mình vì phát hiện ‘hành tinh sát thủ’ ở khoảng cách gần với trái đất

Giật mình vì phát hiện ‘hành tinh sát thủ’ ở khoảng cách gần với trái đất

Các nhà thiên văn học đã phát hiện 3 tiểu hành tinh gần trái đất đang lẩn khuất bên trong quầng sáng của mặt trời, một trong số này là thiên thể có thể đe doạ địa cầu với kích thước lớn nhất trong vòng 8 năm.

 

 

 

 

Giật mình vì phát hiện ‘hành tinh sát thủ’ ở khoảng cách gần với trái đất - ảnh 1
Mô phỏng một tiểu hành tinh gần trái đất    NSF’S NOIRLAB/DOE/FNAL/DECAM/CTIO/NOIRLAB

Những tiểu hành tinh trên thuộc nhóm được tìm thấy trong phạm vi giữa quỹ đạo trái đất và sao Kim, nhưng vô cùng khó phát hiện do ánh sáng từ mặt trời che chắn sự hiện diện của chúng trước các kính viễn vọng của trái đất.

Để tránh quầng sáng từ mặt trời, các nhà thiên văn học phải nắm bắt cơ hội quan sát chúng vào thời điểm chạng vạng. Đội ngũ chuyên gia quốc tế theo dõi nhóm tiểu hành tinh trên nhờ vào kính viễn vọng Víctor M. Blanco đường kính 4 m, thuộc Đài quan sát Liên Mỹ Cerro Tololo ở Chile.

Theo báo cáo đăng trên chuyên san The Astronomical Journal, một trong các tiểu hành tinh là 2022 AP7, bề ngang 1,5 km và đang di chuyển trên quỹ đạo có thể va chạm quỹ đạo của địa cầu trong tương lai.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học cho hay rất khó để xác định thời điểm hai quỹ đạo sẽ giao nhau.

Tác giả Scott S. Sheppard, nhà thiên văn học của Viện Khoa học Carnegie (Washington D.C, Mỹ), cho biết đến nay giới khoa học đã phát hiện 2 tiểu hành có bề ngang 1 km, đủ điều kiện để đưa vào danh sách “hành tinh sát thủ”.

Ông Sheppard cho hay tiểu hành tinh cận trái đất có bề ngang 1 km hoặc hơn đủ sức gây nên sự kiện tuyệt chủng hàng loạt trên bề mặt địa cầu trong trường hợp đâm vào trái đất.

Ước tính có khoảng 1.000 “hành tinh sát thủ” và các chuyên gia đã tìm được khoảng 95% số này.

Hai tiểu hành tinh còn lại, lần lượt là 2021 LJ4 và 2021 PH27, đang trên quỹ đạo an toàn hơn so với trái đất. Tuy nhiên, giới thiên văn đang chú ý 2021 PH27 vì đây là tiểu hành tinh gần mặt trời nhất đến thời điểm hiện tại.

 

HẠO NHIÊN

TNO