22/01/2025

Giành giật ĐBSCL với ‘cát tặc’

Giành giật ĐBSCL với ‘cát tặc’

Ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chỉ riêng năm 2011, lượng cát khai thác là 50 triệu tấn, dẫn đến hệ lụy không có giặc ngoại xâm mà đất đai vẫn bị mất dần. Theo ước tính của Bộ NN-PTNT, mỗi năm ĐBSCL bị mất 500ha, chỉ vài chục năm sau, diện tích ĐBSCL sẽ mất đi một nữa.

 

 

 

Nguồn tài nguyên quý hiếm không thể tái sinh

Một “mỏ cát” thường được hình thành vài trăm năm, thậm chí cả ngàn năm, nên nhiều nhà khoa học cho rằng đây là loại tài nguyên không tái tạo vì khi nó bị mất đi thì rất khó và rất lâu mới hình thành một khối lượng cát giá trị khai thác.

Cát sa mạc hình thành do sự ma sát, bào mòn chủ yếu do gió nên bị tròn nhẵn, mất khả năng kết dính với các loại vữa xi măng nên gần như không sử dụng cho xây dựng, nhiều quốc gia có sa mạc như ở vùng Trung Đông vẫn phải nhập cát về xây dựng.

Tính trung bình, mỗi người trên trái đất mỗi ngày sử dụng tới… 18kg cát. “Cường quốc” tiêu thụ cát phải kể đến Trung Quốc. Năm 2018, ngành xây dựng nước này đã ngốn hết 40 tỉ tấn cát, chiếm 80% thế giới. Lượng cát tiêu thụ trong 10 năm gần đây của Trung Quốc còn nhiều hơn lượng cát Mỹ tiêu thụ trong cả thế kỷ 20. Singapore lấy cát lấn biển khiến diện tích đất nước nhỏ bé này tăng 20% so với khi lập quốc năm 1965. Hai nước láng giềng Indonesia và Malaysia đều cấm cửa nhằm bảo vệ tài nguyên, đất nước Sư tử biển chỉ còn cách bất kể xa xôi và giá cắt cổ, chở cát từ nước ta và Campuchia qua.

Giành giật ĐBSCL với 'cát tặc' - ảnh 1
Nhu cầu về cát cho xây dựng ở ĐBSCL hiện rất lớn, trong khi nguồn cát bồi đắp từ sông Mê Kông ngày một ít đi   ĐÌNH TUYỂN

Cát đối với ngành xây dựng chẳng khác gì cơm gạo trong cuộc sống. Phần lớn các vùng tập trung cát có khối lượng lớn, mà nhiều người hay gọi một cách bình dân, dễ hiểu là “mỏ cát”. Đứng trước nhu cầu cát ngày một tăng, giá cả tăng vọt, loài người đã sử dụng cát sông thay thế dần cát mỏ. So với cát sa mạc và cát biển, cát sông có thời gian hình thành ngắn hơn, hạt bự hơn, bề mặt nhám hơn, nên cường độ cũng cao hơn. Nước sông không có ion clo và muối, nên không ảnh hưởng đến độ kết dính bê-tông, nên được ngành xây dựng hoàn toàn chấp nhận.

Khai thác cát sông cũng hàm chứa rất nhiều rủi ro. Năm 2019 ở Bồ Đào Nha từng xẩy ra vụ khai thác cát sông quá mức dẫn đến móng cầu bị bộc lộ, khi xe qua cầu bị sập, xe rớt xuống sông, khiến 70 người thiệt mạng.

 

Cơn khát cát phá huỷ sông Mê Kông

Vì những lý do trên, cát sông ngày càng được khai thác dần đến mức cạn kiệt, tốc độ khai thác lớn hơn nhiều so với bồi tụ, giá cát trên thị trường trong và ngoài nước ngày một cao. Trên quy mô toàn cầu, các nhà kinh tế tài nguyên ước tính nhu cầu tiêu thụ cát và sỏi vào khoảng 50 tỉ tấn/năm và cát là ngành công nghiệp toàn cầu trị giá 75 tỉ USD. Ở Việt Nam gần như chưa có những nghiên cứu cụ thể về thị trường cát này. Việc tranh giành nguồn cát đã gây cảm hứng cho đạo diễn người Pháp Denis Delestrac thực hiện bộ phim tài liệu “Các cuộc chiến tranh cát (Sand Wars, hình dưới, hình tư liệu)” mô tả các tác động khi việc khai thác và buôn bán cát, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, gây ra những tác hại sinh thái và kinh tế.

Theo nguồn tin Báo Thanh Niên, chỉ có 1,4% giấy phép do Bộ TNMT cấp là qua đấu thầu, còn lại là cơ chế xin – cho. Theo Saigon Economic Times, có câu chuyện Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.Home giành quyền khai thác mỏ cát ở sông Tiền với trữ lượng chừng 2,4 triệu mét khối với số tiền 2.811 tỉ đồng, gấp 390 lần giá khởi điểm là 7,2 tỉ đồng, rõ ràng mang lại lợi ích lớn cho ngân sách. Điều cần nói thêm là công ty này nghề kinh doanh chính là “giặt là, làm sạch các sản phẩm dệt và lông thú”, chỉ có 2 lao động theo đăng ký. Làm thế nào đây? Xí phần rồi chuyển nhượng! Thế mới thấy khai thác cát là bầu sữa nuôi biết bao lợi ích nhóm. Điều đó cũng giải thích tại sao cát tặc lộng hành, bắt không xuể.

Đáng lý việc đánh giá tác động môi trường phải được làm trước, sau đó mới đấu thầu theo các cam kết bảo vệ môi trường. Đằng này lại làm ngược lại: khi đấu thầu mới trình bày phương án bảo vệ môi trường,

Theo quy định khi khai thác cát sông, phải xây dựng mô hình thủy lực liên quan đến thay đổi dòng chảy, phỏng đoán phân bố phù sa, bùn cát, dự báo các điểm và mức độ sạt lở thì không thực chất và thực tế, bỏ qua những yếu tố bất định như việc khai thác cát đang diễn ra khắp nơi, phụ họa thêm các yếu tố khác như hoạt động con người ven sông, di chuyển. Tuy nhiên, bài toán thủy lực chỉ giả định trên một trường hợp cụ thể chung quanh khu vực nghiên cứu, khó kéo dài qua những khu vực xa hơn, thời gian dài hơn, thiếu tác động cộng dồn khi có nhiều đơn vị cùng khai thác ở các nơi khác nhau trên một hệ thống sông và thiếu dữ liệu về quá trình khai thác cát ở các địa phương khác.

Từ những câu chuyện nêu trên, có vẻ như mọi nơi đều làm theo “quy trình, quy định” nhưng thực tế tình trạng suy giảm tài nguyên ngày một nghiêm trọng, số điểm và số đoạn sạt lở vẫn gia tăng, thiệt hại chung cho toàn châu thổ gần như là nặng nề và gần như không thể khắc phục hoàn toàn.

Giành giật ĐBSCL với 'cát tặc' - ảnh 2
Tình trạng khai thác cát trái phép tràn lan đã gây nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng ở ĐBCSL  BẮC BÌNH

 

Sớm xây dựng ngân hàng cát

Ủy hội sông Mê Kông (MRC) đã thất bại trong việc bảo vệ nguồn nước và hệ sinh thái tuyệt vời của dòng sông. Nếu chúng ta lệ thuộc vào MRC để ngăn các con đập “phá hoại môi trường” thì rõ ràng kết quả sẽ không đạt được điều gì cả.

Hiện nay đầu nguồn sông Lan Thương – Mê Kông đã xây dựng 12 đập thủy điện phù sa ngày một ít, nước sông Mê Kông đổ về trước đây đục ngầu, nay trở nên trong vắt. Trung Quốc đã mất cả trăm năm chỉnh trị Hoàng Hà, mong sao nước sông Hoàng trở nên trong vắt “Hà thanh hảo yên” mà không được. Đứng trước dòng Mê Kông trong vắt, ta lại buồn, vì đồng nghĩa nguồn trầm tích trở nên cạn kiệt, không thể bù đắp lượng cát bị mất đi. Trăm dâu đổ đầu tằm, nếu cứ cái đà này, không cần 100 năm, ĐBSCL sẽ trầm luân dưới đáy biển như lục địa Atlantis của Plato.

Theo GS Marc Goichot, phụ trách Quỹ bảo vệ thiên nhiên Thế giới (WWF), lượng phù sa sông Mê Kông bình thường là 160 triệu tấn, từ khi đắp 12 con đập đầu nguồn, lượng phù sa đổ về đã giảm 80%, khai thác cát vô tội vạ càng khiến hậu quả nặng nề thêm. Đập Aswan của Ai Cập ảnh hưởng tồi tệ đến châu thổ sông Nil phải 50 năm sau mới thấy rõ, còn ảnh hưởng của các đập nước thượng nguồn đối với ĐBSCL là nhãn tiền.

Không chỉ Trung Quốc và Lào xây đập thủy điện, Campuchia cũng tức nhau tiếng gáy, họ xây đập Sambo, chỉ cách ĐBSCL 250 km. Dự kiến, đập này sẽ khiến mức nước dâng cao, làm ngập suốt hơn 150 km ghềnh thác phía trên, công suất lắp máy lên tới 2.600MW.

Lượng trầm tích ở sông Mê Kông không chỉ bị ảnh hưởng bởi các con đập ở thượng nguồn mà còn bởi nạn khai thác cát bừa bãi. Giải pháp cấp bách mà chúng ta phải làm ngay là lập tức ngăn chặn việc khai thác cát bừa bãi từ sông Mê Kông mặc dù phục vụ các hoạt động xây dựng.

Goichot cho rằng gia cố bờ kè không phải là giải pháp căn cơ, có thể gia cố tạm thời, nhưng sẽ gây phản ứng ngược, giá họa cho hạ lưu, tăng thêm sạt lở.

Việt Nam đã có đầy đủ văn bản quy phạm hóa việc khai thác cát, nhưng trên Internet vẫn thấy công khai rao bán.

Chẳng lẽ chúng ta chùn bước không xây nhà? Đương nhiên không! Chúng ta phải quản lý trầm tích một cách khôn ngoan.

Các đập thường giữ lại trầm tích thô và trong nhiều trường hợp các tác động này không thể đảo ngược được. Các tác động của việc khai thác cát đang được cảm nhận nhanh chóng hơn, nhưng có thể đảo ngược nếu cán cân trầm tích được quản lý một cách hợp lý” – Marc Ghoichot, chuyên gia năng lượng thủy điện sông Mê Kông của WWF, khẳng định.

Để xác lập cán cân trầm tích hợp lý đòi hỏi trước hết phải khắc phục tình trạng rất thiếu tài liệu về bùn, cát chuyển tải về và lắng đọng dưới lòng sông Mê Kông, cần sớm có dự án tiến hành điều tra cơ bản và bố trí các trạm đo tổng hợp thủy văn dòng chảy, bùn cát dọc sông để cập nhật tương đối chính xác các thông số về tải lượng trầm tích, đặc biệt là bùn cát làm cơ sở phục vụ cho việc hoạch định khối lượng khai thác cát phù hợp với yêu cầu cân đối cán cân trầm tích, đáp ứng yêu cầu ngăn chặn tai họa sạt lở, trượt đất đang ngày càng trầm trọng hơn.

Trên cơ sở số liệu thu thập được, cần sớm xây dựng ngân hàng cát nhằm cân bằng đầu ra, giống như ngân hàng máu vậy (trích ý kiến ông Phạm Văn Bắc, vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng), giúp ổn định lòng sông.

 

Đắp đập, dẫn nước về Đồng Tháp Mười được không?

Ta ở hạ lưu, chịu mọi thiệt thòi, sao không “gậy ông đập lưng ông”? Sông Mê Kông với lưu lượng nước đứng thứ 10 thế giới, hàng năm đạt khoảng 475 tỉ m³. Nếu đắp đập dẫn lưu sang sông Tiền thì ít nhất 1/3 lượng nước đó sẽ chảy vào Đồng Tháp Mười, hình thành một hồ trữ nước 6.970 km², bằng 40% diện tích hồ Tonle Sap mùa mưa (16.000 km² ). Nếu đập nước được hoàn thành, sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho ĐBSCL như sau:

1.Chủ động xả và trữ nước. Các đập thủy điện thượng nguồn dù trữ nước phát điện nhiều đến đâu rồi cũng phải xả, nhưng không theo yêu cầu của ta, nên xảy ra hiện tượng tréo ngoe. Năm nay ĐBSCL mùa mưa thiếu nước, mùa khô lại tăng 20%, đảo lộn chu kỳ nhịp sống hình thành cả ngàn năm nay.

2.Chủ động lắng đọng phù sa, đảo ngược việc trầm lắng trầm tích, trả cát cho ĐBSCL một cách có kế hoạch, sớm xây dựng ngân hàng cát.

3.Tạo thành cái túi khổng lồ thu nạp các loài thủy sản, khi chúng trưởng thành sẽ thả về hạ lưu, bảo vệ nguồn lợi thiên nhiên. Sông Mê Kông có 781 loài cá đã được định danh, xếp đầu bảng trong danh sách các lưu vực sông quan trọng trên thế giới về nguồn thủy sản từ các vùng nước nội địa, chiếm 12,5% sản lượng cá nước ngọt thế giới. Riêng ĐBSCL có 485 loài, cung cấp 2 triệu tấn cá hàng năm và đáp ứng 60% nhu cầu chất đạm cho nhân dân ven bờ. Trong đó có những loài đặc hữu như cá trích đốm, cá hô, cá đuối nước ngọt, cá bông lau, cá heo Irrawaddy… Xây đập sẽ khắc phục hoàn toàn tình trạng tài nguyên suy kiệt hiện nay.

4.Đắp đập hình thành vùng ramsar ven bờ, môi trường sinh thái được cải thiện, tôm cá sinh sôi và nhiều cỏ năng, sếu đầu đỏ sẽ quay về, tràm chim Tam Nông sẽ lại nhộn nhịp đón khách.

Nạn thiếu cát ĐBSCL sẽ được trị tận gốc. Hãy tự cứu mình, trước khi trời cứu!

Hiện nay, nhu cầu sử dụng cát trong xây dựng tăng cao, trong khi nguồn cung cát tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt. Vì vậy việc sản xuất cát nhân tạo là một “cứu cánh” cho ngành xây dựng. Cát nhân tạo còn gọi là :cát nghiền”, có nhiều đặc điểm nổi trội hơn cát tự nhiên như: Có thể điều chỉnh module độ lớn và tỷ lệ thành phần hạt theo từng yêu cầu cấp phối cho các loại bê tông khác nhau.

Cát nghiền nhân tạo có tỷ lệ thành phần hạt ổn định, độ góc cạnh lớn hơn cát tự nhiên, lượng hạt dẹt ít hơn đá mạt và có thể kiểm soát được lượng tạp chất gây hại đối với bê tông như: Bùn, sét…Bên cạnh đó, sử dụng cát nhân tạo giúp tiết kiệm chi phí, giảm giá thành và thân thiện, bảo vệ môi trườngTuy thiên nhiên đã hào phóng ban tặng chúng ta vô số tài nguyên, nhưng cát cũng như than đá, dầu mỏ, nước ngọt, không phải là vô tận, hy vọng cát nhân tạo sẽ thay thế dần cát sông, giúp chúng ta chung tay gìn giữ mái nhà chung.

TRÚC TÙNG
TNO