Cô giáo 60 tuổi ngày ngày chạy xe đi gieo chữ ở Làng May Mắn
Cô giáo 60 tuổi ngày ngày chạy xe đi gieo chữ ở Làng May Mắn
Người khuyết tật, trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo… được ở, học tập miễn phí ở Làng May Mắn. Không những học chữ, học sinh ở làng còn được rèn kỹ năng ứng xử, kỹ năng sống.
Bỏ ngoài tai lời khuyên nhủ của con cái, cô Ngô Thị Thu Tâm (60 tuổi) vẫn không quản ngại mưa gió, ngày ngày tự đi xe máy từ huyện Bình Chánh (TP.HCM) đến Làng May Mắn (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM) để gieo chữ cho học sinh.
Cô Tâm trước đây là giáo viên một trường tiểu học công lập tại quận 1, TP.HCM. Sau khi về hưu, cô được giới thiệu đến Làng May Mắn.
Cá nhân hóa dạy học
Làng May Mắn có tổng cộng 5 lớp học, mỗi lớp tương ứng từ lớp 1 đến lớp 5. Hầu hết các em học sinh tại đây đều có hoàn cảnh rất khó khăn, dường như không đủ điều kiện đến học tập tại các trường công lập.
Thấu hiểu điều này, cô Tâm luôn cố gắng giúp các em xác định ước mơ và nghề nghiệp mong muốn trong tương lai. Vì trình độ, độ tuổi của các em trong lớp không đồng đều, cô thường cá nhân hóa cách dạy cho từng em và tổ chức học thông qua các trò chơi như: dạy ghép vần thông qua tranh ảnh, liên tưởng tới những đồ vật thân thuộc sau khi học từ vựng và giải thích công dụng của từng món…
Thầy Nguyễn Văn Lương, trưởng phòng giáo dục của Trung tâm Bảo trợ xã hội Nhà May Mắn, cho biết: “Cô Tâm là một cô giáo có kỹ năng chuyên môn cao và rất thấu hiểu tâm lý học sinh ở độ tuổi này, đặc biệt là với các em có hoàn cảnh đặc biệt tại làng.
Nhiều khi tôi cũng rất lo lắng khi cô đã có tuổi nhưng ngày nào cũng phải đi một quãng đường xa để đến trường. Thế nhưng, với tâm huyết của mình, cô đã không nề hà gì những việc này”.
Tiên học lễ, hậu học văn
Ngoài học chữ, Làng May Mắn nói chung và cô Tâm rất chú trọng vào việc dạy cách cư xử cho học sinh sao cho chuẩn mực. Các em đều khoanh tay cúi đầu chào khi gặp người lớn, luôn biết nói lời cảm ơn, xin lỗi với bạn bè và những người xung quanh. Hoặc khi có khách ghé thăm ra vào lớp, các em sẽ tự giác đứng dậy đồng thanh chào mà không cần hiệu lệnh của giáo viên.
Trên thực tế, để giữ được nề nếp chung như vậy cần cả một quá trình nỗ lực của thầy cô ở làng. Đối với cô Tâm, lúc cô nhận lớp 1 đầu tiên, cô liên tục rơi vào những tình huống “dở khóc dở cười”, thậm chí từng lóe lên ý định muốn thoái lui vì tình trạng của lớp không hề giống… một lớp học.
Nhưng bằng tình yêu nghề, cô chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc. “Tôi có biết nhiều định kiến về nghề giáo. Nhưng với tôi, ai chê trách là việc của họ, còn tôi rất trân quý nghề. Đầu tiên, nghề đã nuôi sống tôi và gia đình trong những thời điểm cơ cực nhất. Và nhờ nghề giáo, tôi chưa bao giờ sợ già.
Nhiều khi tôi có rất nhiều phiền muộn trong cuộc sống cá nhân, nhưng khi bước vào lớp, tôi như quên hết và đắm mình vào bài học cùng các bạn nhỏ. Chỉ cần chúng ta hành động những điều không hổ thẹn với lòng, chúng ta sẽ thấy được vẻ đẹp tận cùng trong nghề nghiệp của mình”.
Trong những bài giảng của mình, cô còn lồng ghép vào các kiến thức xã hội và kỹ năng sống cho các em học sinh. Ví dụ, cô Tâm khéo léo chỉ ra đâu là các hành động có tính xâm hại và các em tuyệt đối không được để nó xảy ra, cách bảo vệ thân thể, cũng như dạy các em cách tôn trọng mọi người.
Năm 2022, Làng May Mắn tiếp nhận 145 học sinh chia thành 5 lớp tương ứng với 5 khối ở bậc tiểu học. Chương trình giảng dạy tương đương với chương trình học hiện hành. Học sinh được tiếp cận giáo dục miễn phí, nhận học bổng khuyến học, cũng như được cung cấp sách vở, đồ dùng học tập.
Làng May Mắn cho người kém may mắn
Làng May Mắn là khu phức hợp trường học cùng nhà ở được thành lập vào năm 2011, dành cho những người kém may mắn, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo… Đây là một trong bốn dự án của Nhà May Mắn thuộc Tổ chức Maison Chance do bà Tim Aline Rebeaud, một nhà hoạt động xã hội Thụy Sĩ, sáng lập.
Trong một lần du lịch Việt Nam vào năm 1993, bà vô tình chứng kiến một cậu bé phải chống chọi với căn bệnh nặng trong điều kiện sống không được đảm bảo. Xúc động trước tình cảnh này, bà đã đem cậu về chăm sóc và thành lập Nhà May Mắn để cưu mang những mảnh đời bất hạnh giống cậu bé.
Gần 30 năm hoạt động, hàng nghìn người đã trưởng thành và làm chủ cuộc sống của mình từ mái ấm Nhà May Mắn.