22/01/2025

Đức cha Giám quản Tông toà Bắc Ả Rập nói về chuyến viếng thăm của ĐTC tại Bahrain

Trong một cuộc phỏng vấn, Đức cha Paul Hinder, Giám quản Tông toà Bắc Ả Rập, cho biết cộng đoàn 80 ngàn tín hữu ở Bahrain sẽ chờ đợi Đức Thánh Cha như thế nào. Theo ngài, các tín hữu hy vọng chuyến thăm Bahrain của Đức Thánh Cha sẽ củng cố họ trong đức tin.

Bảng chào đón ĐTC tại Nhà thờ Thánh Tâm ở thủ đô Manama của Bahrain

Bảng chào đón ĐTC tại Nhà thờ Thánh Tâm ở thủ đô Manama của Bahrain 

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Bahrain từ thứ Năm ngày 3/11 đến Chúa Nhật ngày 6/11. Tại nước này có hơn 80.000 người Công giáo trong tổng số 1,4 triệu dân. Tại Bahrain cũng có khoảng 1.000 Kitô hữu địa phương, chủ yếu là người Công giáo, trong đó đa số là Kitô hữu Ả Rập, di cư từ các quốc gia Trung Đông khác đến Bahrain vào giữa những năm 30 và 50 của thế kỷ trước và ngày nay là công dân của nước này.

Sau khi Đức Cha Camillo Ballin qua đời (12/4/2020), Hạt Đại diện Tông tòa Bắc Arabia, gồm các nước Arập Sauđi, Qatar, Kuwait và Bahrain, được đặt dưới sự coi sóc của Đức Cha Paul Hinder. Trước đó, vào năm 2011, Đức cha Hinder được bổ nhiệm coi sóc Hạt Đại diện tông tòa nam Ả Rập, gồm các nước Oman, Yemen và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, có trụ sở tại Abu Dhabi, thủ đô của Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Hy vọng sẽ được củng cố đức tin

Theo Đức cha Hinder, chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Bahrain là một khoảnh khắc hiếm khi xảy ra trong đời sống của một khu vực như Hạt Đại diện Tông Tòa Bắc Ả Rập. Đối với Bahrain, một trong những quốc gia khoan dung và tự do nhất ở khu vực này trên thế giới, thật là một đặc ân khi được Đức Thánh Cha đến thăm. Đất nước này có một cộng đồng nhỏ chỉ với 80.000 người Công giáo, nhưng mọi người đều cảm thấy tự hào rằng Đức Thánh Cha sẽ ở giữa họ. Đó là một sự kiện mà họ đã không thể tưởng tượng ra ngay cả trong những giấc mơ hoang đường nhất. Tin Đức Thánh Cha viếng thăm đã tạo nên sự phấn khích trong cộng đoàn tín hữu, và mọi người đều muốn tham gia vào sự kiện đặc biệt này.

Trong khi các quan chức của Hạt Đại diện làm việc với chính quyền để chuẩn bị một chương trình thích hợp cho Đức Thánh Cha, cộng đoàn Công giáo đang làm việc ở hậu trường để đảm bảo mọi thứ diễn ra tốt đẹp. Điều quan trọng nhất là cộng đoàn chân thành hy vọng sẽ được củng cố đức tin bởi sự hiện diện của Đức Thánh Cha, người đã thể hiện bằng những lời nói và việc làm rằng các Kitô hữu được kêu gọi để góp phần truyền bá hòa bình và tình hữu nghị ở bất cứ nơi nào họ sinh sống, và sự thánh thiện có thể đạt được ngay cả trong một thế giới hỗn loạn và duy vật chất.

Bahrain đặc biệt vui mừng với chuyến viếng thăm này, vì nó diễn ra ba năm rưỡi sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào năm 2019. Vịnh Ba Tư chủ yếu là người Hồi giáo, với các mức độ tự do và sự khoan dung tôn giáo khác nhau. Chuyến thăm này sẽ củng cố thêm ý tưởng rằng một Vương quốc nhỏ bé trên bản đồ thế giới có thể là người tuyên truyền lòng khoan dung tôn giáo.

“Hòa bình dưới thế cho người thiện tâm”

Được hỏi rằng khẩu hiệu của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha, “Hòa bình dưới thế cho người thiện tâm”, được thực hiện như thế nào ở Bán đảo Ả Rập, Đức cha Paul Hinder trả lời: “Khẩu hiệu nói lên quy tắc sống của Kitô giáo. Tân Ước có đầy đủ các ví dụ về một đời sống Kitô giáo đơn giản được đánh dấu bằng hòa bình và hòa hợp. Thông điệp này của Chúa Giêsu Kitô đã gây được tiếng vang trong tất cả các cộng đồng trên toàn cầu, đặc biệt là ở Bán đảo Ả Rập nơi Hồi giáo là tôn giáo chiếm đa số. Khẩu hiệu nói lên tất cả những gì mà Đức Thánh Cha ủng hộ: xích lại gần nhau, đưa tay ra với người khác, chôn vùi những khác biệt tôn giáo, từ bỏ chủ nghĩa cực đoan và sống trong hòa bình.

Tôi kỳ vọng rằng Đức Thánh Cha Phanxicô giống như những vị tiền nhiệm của ngài sẽ kết hợp chủ đề hòa bình với chủ đề công lý, bởi vì hòa bình thực sự phải được đồng hành bởi công lý để có được một cấu trúc xã hội hợp lệ. Cũng như các khu vực khác của Trung Đông, vẫn còn nhiều việc phải làm theo hướng này. Người Hồi giáo và Kitô hữu cùng với những người thiện chí khác được kêu gọi trở thành những người kiến tạo của một xã hội và một thế giới mà những lời của Thánh vịnh 85 nói đến: “Công lý và hoà bình sẽ ôm nhau.”

Tại sao ĐTC được mời đến Bahrain?

Theo Đức cha Hinder, Đức Thánh Cha được mời đến Bahrain vì “Bahrain có một lịch sử phong phú về lòng khoan dung tôn giáo”. “Vương quốc đã cho phép những người không theo đạo Hồi hoặc những người thuộc các tôn giáo khác được thực hành việc phụng tự của họ từ hơn 200 năm nay. Điều này đã được chứng minh ngay từ năm 1819 khi người cai trị Bahrain lúc bấy giờ cấp giấy phép xây dựng một ngôi đền của Ấn giáo. Hai năm sau, các nhà truyền giáo từ Hội ‘American Mission’ đến Bahrain, gặp Shaikh Isa bin Ali Al Khalifa, và xin phép xây dựng nhà thờ, trường học và bệnh viện.”

Hơn nữa, Bahrain và Vatican có mối quan hệ thân tình và bền chặt. Bahrain có 2 giáo xứ Công giáo và Nhà thờ Đức Mẹ Ả Rập xinh đẹp mới được khánh thành vào tháng 12 năm ngoái trên một khu đất rộng 900 mét vuông, được Quốc vương trao tặng, nơi có thể đón tiếp 2.300 tín hữu.

Quan hệ giữa Bahrain và Vatican đã tiến triển trong những năm gần đây. Vua Hamad vào năm 2014 đã tặng một mô hình của nhà thờ cho Đức Thánh Cha Phanxicô và mời Đức Thánh Cha đến thăm đất nước của mình. Nhà vua cũng đã đồng ý với ‘Tài liệu Tình Huynh đệ Nhân loại’, được Đức Giáo hoàng Phanxicô và Đại Giáo chủ Ahmed El Tayeb, viện trưởng đại học Hồi giáo quan trọng nhất Al Azhar, ký tại Abu Dhabi vào năm 2019, với mục đích gắn kết mọi người lại với nhau trên tinh thần tôn trọng và khoan dung.

Sự chung sống của con người ở Bahrain?

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham dự và phát biểu tại hội nghị ‘Đông và Tây vì sự chung sống của con người’, với sự tham dự của 200 nhà lãnh đạo tôn giáo, học giả, nhân vật truyền thông. Làm thế nào để đạt được sự chung sống của con người ở Bahrain?

Đức cha Giám quản Tông toà Bắc Ả rập nhận định: “Thực tế là ‘Diễn đàn Đối thoại’ sẽ được tổ chức tại Bahrain đã phản ánh vị trí của Vương quốc là một quốc gia phát triển và tự do, đồng thời là một dấu hiệu của sự khoan dung và chung sống. Diễn đàn sẽ có sự tham gia của các nhà lãnh đạo thế giới và các nhà lãnh đạo tôn giáo, bao gồm Đức Thánh Cha Phanxicô và Đại Giáo chủ Ahmed El Tayeb của Al Azhar. Nó sẽ là một sự kiện tôn vinh sự hoà hợp giữa các tôn giáo và là một dấu hiệu của sự chung sống hoà bình, một chủ đề rất được Đức Thánh Cha Phanxicô yêu quý. Được nhìn từ góc độ của ‘Tài liệu Tình Huynh đệ Nhân loại’, được ký ở Abu Dhabi ba năm trước; cuộc gặp này sẽ là một sáng kiến ​​khác để đưa Trung Đông đến gần hơn với phần còn lại của thế giới. Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, nó thể hiện một bước quan trọng khác trong việc xây dựng cầu nối giữa các tôn giáo và văn hoá.”

Đời sống của Kitô hữu ở Bahrain

Về đời sống của Kitô hữu ở Bahrain, Đức cha Hinder nói: “Mặc dù Giáo hội có phạm vi hoạt động hạn chế, nhưng các hoạt động do Giáo hội thúc đẩy có tác động rộng lớn đến cộng đồng nói chung. Ví dụ, trường Thánh Tâm nhận được sự tôn trọng lớn lao ngay cả trong số các công dân của Bahrain. Hỗ trợ cho người lao động được các nhóm giáo xứ thực hiện một cách kín đáo thông qua các chuyến thăm đến các khu lao động (khu dân cư dành cho người lao động nhập cư). Là người di cư, người lao động không có ảnh hưởng chính trị đến luật pháp của đất nước, nhưng họ có thể đóng góp một cách kín đáo và thận trọng để nhận thức rõ hơn về các vấn đề xã hội cụ thể.”

Ý nghĩa của chuyến viếng thăm của ĐTC đối với việc đối thoại với Hồi giáo

Cuối cùng, theo Đức cha, “Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha có ý nghĩa to lớn đối với khu vực chủ yếu là người Hồi giáo này. Đức Thánh Cha luôn đấu tranh cho sự đa nguyên và hòa hợp giữa các tôn giáo, và sự chào đón nồng nhiệt mà ngài nhận được trong chuyến thăm lịch sử đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào năm 2019 (lần đầu tiên một vị giáo hoàng thăm Trung Đông) là sự phản ánh của sự tôn trọng và tình yêu mà ngài yêu cầu giữa các dân tộc theo các tín ngưỡng khác nhau. Bahrain, với Nhà thờ Công giáo đầu tiên ở Vịnh Ả Rập, được xây dựng vào năm 1939, sẽ là một sự tiếp nối hoàn hảo cho chuyến thăm đó, khi Đức Giáo hoàng tiếp tục sứ mạng xây dựng những cây cầu trong một thế giới bị chia cắt bởi chiến tranh.”

Hồng Thuỷ

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2022-11/paul-hinder-giam-quan-tong-toa-bac-a-rap-dtc-phanxico-bahrain.html