18/11/2024

Dùng keo dán người vào xương khủng long để phản đối chính sách khí hậu của Đức

Dùng keo dán người vào xương khủng long để phản đối chính sách khí hậu của Đức

Hai nhà hoạt động môi trường đã dùng keo dán mình vào một bộ xương khủng long trong bảo tàng ở Berlin để phản đối các chính sách về khí hậu của chính phủ Đức.

 

 

 

Dùng keo dán người vào xương khủng long để phản đối chính sách khí hậu của Đức - ảnh 1
Hai nhà hoạt động dán mình vào khung kim loại dùng để đỡ bộ xương khủng long 60 triệu năm tuổi tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Berlin, Đức  CHỤP MÀN HÌNH NEW YORK POST

Theo AFP, hai nhà hoạt động môi trường ngày 30.10 đã dùng keo dán bản thân vào một bộ xương khủng long đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Berlin để phản đối các chính sách về khí hậu của chính phủ Đức.

Hai nhà hoạt động này là Caris Connell và Solvig Schinkoethe thuộc nhóm Thế hệ cuối cùng (Last Generation). Họ đã mặc áo cam và dùng keo dán mình vào chiếc khung kim loại đang đỡ một bộ xương khủng long hơn 60 triệu năm tuổi. Họ cũng cầm biểu ngữ với nội dung: “Điều gì sẽ xảy ra nếu chính phủ không kiểm soát được biến đổi khí hậu?”.

Nhà hoạt động Connell nói rằng bà sợ hãi trước nạn “cháy rừng, thiếu nước, đói kém và chiến tranh”.

“Khủng long đã chết vì chúng không thể chịu được những thay đổi lớn của khí hậu. Điều đó cũng đang đe dọa loài người”, người phụ nữ 34 tuổi này nói thêm.

Nhà hoạt động còn lại, bà mẹ 4 con Schinkoethe, cho biết bà lo sợ hậu quả của biến đổi khí hậu.

“Phản đối trong hòa bình là cách chúng tôi đã chọn để bảo vệ con cái mình khỏi sự vô tri chết người của các chính phủ”, bà Schinkoethe (42 tuổi) cho biết.

Họ đã kêu gọi chính phủ Đức thực hiện các động thái nhanh chóng để cắt giảm lượng khí thải, chẳng hạn như giới hạn tốc độ trên đường cao tốc và giúp các phương tiện giao thông công cộng có giá cả thấp hơn.

Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Berlin cho biết cảnh sát kết thúc cuộc biểu tình của hai người phụ nữ này trong chưa đầy một giờ. Bảo tàng cũng thông báo đã nộp đơn kiện tội xâm nhập bất hợp pháp và phá hoại tài sản.

Đây là hành động mới nhất của các nhà hoạt động vì khí hậu tại một viện bảo tàng. Nhiều tuần qua, các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng trên khắp châu Âu đã bị các nhà hoạt động môi trường sử dụng trong các cuộc biểu tình theo nhiều cách khác nhau.

Các thành viên nhóm Thế hệ cuối cùng hồi đầu tháng đã ném khoai tây nghiền vào tác phẩm “Les Meules” (Đống cỏ khô) trị giá 111 triệu USD của Claude Monet tại Bảo tàng Barberini ở Potsdam, Đức.

Các nhà hoạt động khí hậu cũng dùng keo dán người vào bức tranh “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai” của Johannes Vermeer tại một bảo tàng Hà Lan và ném súp vào bức tranh “Hoa hướng dương” của Vincent van Gogh tại Phòng trưng bày Quốc gia ở London.

 

ĐÔNG A

TNO