Đôi nét về Giáo hội tại Bahrain trước chuyến thăm của ĐTC
Đôi nét về Giáo hội tại Bahrain trước chuyến thăm của ĐTC
Tương tự tại các quốc gia Hồi giáo khác trên Bán đảo Ả Rập, các cộng đoàn Kitô ở Bahrain hiện diện tương đối gần đây và chủ yếu đến từ nước ngoài, các nhân viên ngoại giao, lao động ngoại quốc, những người đến đảo quốc Vùng Vịnh này từ đầu những năm 1930.
Ban đầu, người Công giáo chủ yếu đến từ các nước Trung Đông láng giềng, nhưng sau khi bùng nổ dầu mỏ tại khu vực này, hàng nghìn người nhập cư Kitô giáo từ châu Á cũng bắt đầu đến.
Cộng đoàn Công giáo ở Bahrain
Ngày nay, phần lớn Kitô hữu ở Bahrain (chiếm khoảng 15% dân số, 70% là người Hồi giáo) là những công dân nước ngoài cư trú ở đó vì mục đích việc làm. Họ chủ yếu đến từ Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Lebanon, Ai Cập, Palestine và Jordan, nhưng cũng có những người đến từ Sri Lanka, Ấn Độ, Philippines và các nước phương Tây.
Tuy nhiên, Bahrain là một trong số ít các quốc gia vùng Vịnh có Kitô hữu địa phương, khoảng 1.000 người, chủ yếu là người Công giáo có nguồn gốc từ các nước Ả Rập láng giềng, đến Bahrain từ năm 1930 đến năm 1950, và đã có quốc tịch Bahrain.
Truyền thống lâu đời về lòng khoan dung tôn giáo
Mặc dù Hồi giáo là tôn giáo chính thức và hệ thống luật pháp của Bahrain dựa trên Luật Sharia (luật Hồi giáo), các cộng đoàn Kitô giáo và các tôn giáo khác vẫn được phép tự do thờ phượng.
Hai nhà thờ Công giáo ở Bahrain
Nhà thờ Công giáo đầu tiên được xây dựng thời hiện đại ở vùng Vịnh nằm ở Bahrain: Nhà thờ Thánh Tâm được xây dựng vào năm 1939 tại thủ đô Manama, trên một khu đất được Tiểu vương ưu ái tặng cho Giáo hội Công giáo.
Trong những năm gần đây, một nhà thờ thứ hai đã được xây dựng tại thành phố Awali trên mảnh đất rộng 9.000 mét vuông được Vua Hamad bin Isa al-Khalifa tặng cho Giáo hội vào năm 2013.
Nhà thờ Đức Mẹ Ả Rập hiện là nhà thờ Công giáo lớn nhất trong khu vực, có sức chứa 2.300 người. Nhà thờ theo phong cách hiện đại đã được khởi công vào năm 2014, và được thánh hiến vào ngày 10/12/2021 bởi Đức Hồng y Luis Antonio Tagle, Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng, với sự hiện diện của Vua Hamad.
Tiến bộ đáng kể trong quan hệ ngoại giao Tòa thánh-Bahrain
Sự cởi mở đối trong việc đối thoại liên tôn ngày càng được chứng minh bằng tương quan ngoại giao tích cực với Tòa thánh. Vương quốc Bahrain và Toà Thánh đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1999.
Các mối quan hệ đã tiến triển đáng kể trong những năm gần đây và cụ thể là kể từ năm 2014 khi Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Vua Hamad, người đã tặng Đức Thánh Cha một mô hình Nhà thờ Đức Mẹ Ả Rập và chính thức mời ngài đến thăm Vương quốc. Theo thông cáo của Văn phòng Báo chí Tòa thánh về cuộc gặp gỡ đó, Đức Thánh Cha và Nhà vua đã thảo luận về “hòa bình và ổn định ở Trung Đông” và đóng góp tích cực của cộng đoàn Kitô giáo cho đất nước.
Đại diện Tông tòa Bắc Ả Rập
Người Công giáo cư trú tại Bahrain hiện nay thuộc quyền của Đại diện Tông Tòa Bắc Ả Rập (trước đây là một phần của Hạt Đại diện Tông toà Ả Rập từ năm 1889 đến năm 1953, sau này là Phủ doãn Tông tòa và sau đó là Hạt Đại diện Tông toà Kuwait), được thành lập vào năm 2011, với trụ sở chính được đặt tại thành phố Madinat, ở Kuwait.
Hiện nay, có khoảng 65 linh mục đang làm việc tại Hạt Đại diện Tông toà Bắc Ả Rập, đa số là các tu sĩ Dòng Phanxicô Capuchinô và được hỗ trợ bởi các tu sĩ nam nữ thuộc các hội dòng khác.
Công việc của Giáo hội địa phương bao gồm các hoạt động mục vụ và một số sáng kiến từ thiện do các nhóm và hiệp hội giáo xứ thực hiện. Ngoài một trường học, Giáo hội Công giáo không điều hành các cơ sở giáo dục hoặc y tế.
Văn Yên, SJ
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2022-10/doi-net-ve-giao-hoi-tai-bahrain-truoc-chuyen-tham-cua-dtc.html