22/12/2024

Vì sao chúng ta ‘lùn đi’ khi về già?

Vì sao chúng ta ‘lùn đi’ khi về già?

Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc chúng ta già đi. Bắt đầu từ năm 40 tuổi trở đi, chúng ta thường giảm khoảng 1,2cm chiều cao sau mỗi 10 năm tuổi và tốc độ giảm chiều cao sẽ nhanh khi ta bước vào độ tuổi 70.

 

 

Vì sao chúng ta lùn đi khi về già? - Ảnh 1.

Mỗi chúng ta sẽ đạt đỉnh về sự phát triển chiều cao và cân nặng khi ở độ tuổi trưởng thành. Sau đó, khi cao tuổi hơn sẽ trở nên nhẹ cân hơn, lùn hơn cho dù vẫn hấp thụ đủ dinh dưỡng – Ảnh: CMD

Cơ thể một người sẽ phát triển từ thấp đến cao và đạt đỉnh vào giai đoạn 30 tuổi. Bắt đầu từ năm 40 tuổi trở đi, chúng ta thường giảm khoảng 1,2cm chiều cao sau mỗi 10 năm và tốc độ giảm chiều cao sẽ nhanh khi ta bước vào độ tuổi 70.

Theo khoa học, nguyên nhân dẫn đến điều này là do những thay đổi trong xương, cơ, khớp và cả tư thế.

Một nghiên cứu khoa học năm 2006 trên tạp chí JAMA Internal Medicine cho biết giảm chiều cao có liên quan đến những thay đổi lão hóa ở xương, cơ và khớp. Cụ thể là tại các đĩa đệm cột sống – những đệm giống như gel nằm giữa các đốt sống của cột sống – hoạt động như bộ giảm xóc để giữ cho lưng của chúng ta linh hoạt.

Nhưng khi năm tháng trôi qua, các đĩa đệm mất dần chất lỏng (khi chúng ta sinh ra, chúng chứa khoảng 80% nước) và không chống chọi được với sự hao mòn tự nhiên. Chúng dần bị nén lại và phẳng ra. Không gian giữa các khớp bị thu hẹp dẫn đến thân và cột sống ngắn lại.

Hầu hết con người ở độ tuổi 60 đều gặp các vấn đề về đĩa đệm ở một mức độ nào đó.

Ở phụ nữ, mãn kinh còn có thể gây mất tác dụng bảo vệ của estrogen đối với xương, làm tăng tốc độ loãng xương, mật độ khoáng của xương và khối lượng xương giảm, chất lượng hoặc cấu trúc của xương cũng thay đổi.

Cùng với những thay đổi trong xương, chúng ta cũng sẽ mất khối lượng cơ theo tuổi tác. Bắt đầu từ tuổi 30, mất cơ liên quan đến tuổi được gọi là chứng giảm cơ (mất khối lượng và sức mạnh của cơ xương) có thể khiến bạn mất tới 3% đến 5% khối lượng cơ mỗi thập kỷ. Đặc biệt, cơ thân có nhiệm vụ giữ cho chúng ta đứng thẳng bị suy yếu có thể gây ra tư thế khom lưng, khiến bạn trông thấp hơn.

Bàn chân về già trở nên bằng hơn cũng khiến ta trông thấp hơn.

 

Làm thế nào để ngăn ngừa giảm chiều cao khi về già?

Giảm chiều cao là điều bình thường nên chúng ta không cần phải quá lo lắng về vấn đề này. Tuy nhiên, nếu tốc độ giảm chiều cao diễn ra quá nhanh và thường xuyên bị đau lưng thì nên đến các cơ sở y tế kiểm tra, vì có thể đã mắc các vấn đề về xương, chẳng hạn như bị loãng xương.

Chúng ta cũng có thể giảm nguy cơ mất chiều cao khi về già, đồng thời bảo vệ sức khỏe của xương ngay từ bây giờ bằng cách: tập thể dục thường xuyên, nâng tạ nhẹ nhàng (tạo áp lực cho xương và giúp xương chắc khỏe hơn), thực hiện một chế độ ăn uống giàu canxi và vitamin D để hỗ trợ sức khỏe của xương, tránh hút thuốc, tránh sử dụng quá nhiều rượu và caffeine.

MINH HẢI (Theo HellaHealth)
TTO