22/01/2025

Lần đầu tiên tìm thấy bản đồ thiên văn cổ nhất thế giới

Lần đầu tiên tìm thấy bản đồ thiên văn cổ nhất thế giới

Hơn 2.100 năm trước, nhà thiên văn Hipparchus (Hy Lạp) lập nên bản đồ thiên văn, được đặt tên Star Catalogue, và đây được xem là nỗ lực lâu đời nhất của nhân loại nhằm gán tọa độ số cho các thiên thể trên bầu trời.

 

 

 

 

Lần đầu tiên tìm thấy bản đồ thiên văn cổ nhất thế giới - ảnh 1
Những dòng chữ ẩn mình bên dưới bản thảo thời Trung Cổ là ghi chép về bản đồ sao của Hipparchus  JOURNAL FOR THE HISTORY OF ASTRONOMY

Tuy nhiên, bất chấp tầm quan trọng của nó, sự tồn tại của bản đồ chỉ được biết đến thông qua ghi chép của một nhà thiên văn học nổi tiếng khác là Claudius Ptolemy. Khoảng 400 năm sau thời của Hipparchus, Ptolemy đã đề cập đến bản đồ của tiền nhân khi biên soạn tài liệu.

Mới đây, các nhà nghiên cứu cho rằng đã tìm được một số mẩu tài liệu lịch sử của Hipparchus vốn mất tích lâu nay. Một số phần của bản đồ thiên văn của ông đã được phát hiện bên dưới một bản thảo vào thời Trung Cổ.

“Chúng tôi đã thu thập được chứng cứ rõ ràng nhất từ trước đến nay (về sự tồn tại của Star Catalogue), cho phép đạt tiến triển lớn trong nỗ lực xây dựng lại bản đồ sao của Hipparchus”, theo báo cáo đăng trên chuyên san History of Astronomy.

Phát hiện trên không những hé lộ thông tin mới về nỗ lực của ông Hipparchus trong việc thiết lập bản đồ thiên văn thông qua những đo đạc và tính toán chính xác mà còn góp phần xác nhận lịch sử của ngành thiên văn học.

Hipparchus, còn được biết đến với danh xưng cha đẻ của lượng giác, luôn được người đời sau ca ngợi là nhà thiên văn học vĩ đại nhất của Hy Lạp cổ đại. Một số phần bản đồ sao của ông xuất hiện trong Codex Climaci Rescriptus, quyển sách viết bằng ngôn ngữ Syriac được soạn thảo trong thế kỷ 10 hoặc 11.

Có vẻ như người xưa đã tẩy xóa những trang giấy da vẽ bản đồ thiên văn để tái sử dụng cho mục đích ghi chép khác.

 

 HẠO NHIÊN

TNO