22/12/2024

Chúa Nhật XXX TN C 2022: Cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo

Các bài Thánh Kinh trong Chúa Nhật XXX Thường niên cũng nói về cầu nguyện và thánh Phaolô cũng nhắc nhở môn đệ Timôthê về sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho các dân ngoại (x. 2 Tm 4,6-8.16-18) để chúng ta hướng lời cầu nguyện về công cuộc truyền giáo của Giáo Hội cho đạt được những kết quả tốt đẹp hơn.

Chúa Nhật XXX TN C 2022

Cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Trong Chúa Nhật XXIX vừa qua, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về cầu nguyện trong đời sống thường ngày và cầu nguyện cùng Chúa Giêsu, trong Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu để Chúa Cha nhận lời chúng ta cũng như để Chúa Thánh Thần chuyển cầu cho ta. Hôm nay, các bài Thánh Kinh trong Chúa Nhật XXX Thường niên cũng nói về cầu nguyện và thánh Phaolô cũng nhắc nhở môn đệ Timôthê về sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho các dân ngoại (x. 2 Tm 4,6-8.16-18) để chúng ta hướng lời cầu nguyện về công cuộc truyền giáo của Giáo Hội cho đạt được những kết quả tốt đẹp hơn.

1. Cầu nguyện và truyền giáo

Mỗi năm Giáo Hội thường dành Chúa Nhật áp chót của tháng Mười để cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo. Trải qua hàng thế kỷ, việc truyền giáo chưa thu được kết quả khả quan vì hai việc cầu nguyện và truyền giáo không liên kết với nhau và hoà nhập vào nhau trong đời sống người tín hữu. Nhiều dòng tu và tín hữu dành nhiều giờ kinh, giờ chầu Thánh Thể và cả thánh lễ để cầu nguyện cho việc truyền giáo, nhưng trong đời sống thực tế, họ không có những hành động truyền giáo cụ thể như loan báo Tin Mừng, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, làm việc bác ái. Ngược lại, có nhiều linh mục, tu sĩ, nhất là trong các dòng truyền giáo, tích cực làm các công tác trên, nhưng lại không thật sự cầu nguyện, dù họ giữ rất chặt chẽ Các Giờ kinh Phụng vụ theo đúng luật của Giáo Hội, nên các việc họ làm chỉ là những hình thức bên ngoài không có hiệu quả thật sự.

Kết quả là tỉ lệ dân số Công giáo so với dân số toàn cầu hầu như vẫn giữ nguyên 18%. Nhiều bạn trẻ bây giờ chẳng biết cầu nguyện là gì và họ cũng chẳng cần đọc kinh nào cả vì thấy chúng vô ích. Mỗi lần mở tivi xem tường thuật các trận bóng đá quốc tế, chúng ta thấy mấy chục ngàn người ngồi chật kín trong các sân vận động, cùng nhau hò hét vài tiếng đồng hồ, trong niềm vui và hạnh phúc. Trong khi chỉ còn vài chục ông bà già lão tham dự thánh lễ trong một nhà thờ rộng thênh thang. Đó có phải là một phần do lỗi của tất cả chúng ta đã xem thường việc cầu nguyện và truyền giáo khiến cho đời sống đạo không còn nguồn của niềm vui, hạnh phúc và ân sủng.

Ở Việt Nam chúng ta, tuy một số nhà thờ vẫn còn đông tín hữu tham dự thánh lễ, nhưng số người theo đạo rất ít và tỉ lệ dân số Công giáo mỗi năm một giảm. Hiện nay chỉ còn khoảng 6-7% dân số Công giáo theo thống kê nhà nước so với thời kỳ thế kỷ XVIII-XIX tỉ lệ lên tới khoảng 12% dân số.

Câu hỏi đặt ra cho chúng ta hôm này là làm thế nào để cầu nguyện và truyền giáo hoà nhập thành một cho đời sống đạo của chúng ta phát triển tốt đẹp hơn. Chúng ta tìm được lời giải đáp này trong lời kinh của Chúa Giêsu. Chính Người dạy chúng ta bài kinh Lạy Cha như là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng và đã hành động theo những lời cầu trong đó để tất cả đời sống của Người trở thành một lời Tin Mừng vĩ đại loan báo tình yêu cứu độ của Chúa Cha. Vì thế, chúng ta muốn dành ít phút này để học lại bài kinh Chúa dạy.

2. Học lại bài kinh Chúa dạy

Trước hết qua những lời kinh này, Con Một Thiên Chúa ban cho chúng ta những lời mà Chúa Cha đã ban cho Người (x. Ga 17,7-8). Người chính là vị thầy dạy ta cầu nguyện (x. Lc 11,1; x. GLHTCG, số 2759). Hơn nữa, vì Người là Ngôi Lời nhập thể, nên trong tâm hồn nhân loại của mình, Người biết rõ các nhu cầu của anh chị em loài người của mình và bày tỏ chúng ra qua 7 lời cầu xin trong kinh Lạy Cha. Do đó, Người chính là mẫu mực cho ta cầu nguyện (x. GLHTCG, số 2765).

Tuy nhiên, Chúa Giêsu không muốn dạy cho chúng ta một công thức, để chúng ta lặp đi lặp lại một cách máy móc, như kiểu chúng ta vẫn làm khi đọc bài kinh nào đó. Người ban cho ta những lời cầu nguyện của người con hiếu thảo nói với cha của mình (x. Ga 4,6) và còn ban tặng cho ta Chúa Thánh Thần “để những lời ta đọc trở thành thần khí và sự sống” (Ga 6,63) khi thổi hơi trên ta sau khi Người sống lại từ cõi chết (x. Ga 20,22). Vì thế, lời cầu nguyện của chúng ta được lồng vào trong sứ vụ huyền diệu của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần (x. GLHTCG, số 2766).

Sau khi chúng ta đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa là người Cha của chúng ta để thờ lạy, yêu mến, thần khí nghĩa tử khơi lên trong lòng ta 7 lời cầu xin, nhưng cũng là 7 lời chúc tụng. Ba lời đầu tiên hướng chúng ta lên Thiên Chúa, cầu xin những điều thuộc về Ngài: Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện. Bốn lời cầu tiếp theo liên quan đến chúng ta trong cuộc sống trần thế, vì chúng ta cần được nuôi dưỡng, được chữa lành khỏi tội lỗi, còn phải chiến đấu chống lại những cám dỗ và sự dữ xấu xa. Bảy lời này cũng chính là mẫu hoạt động truyền giáo của chúng ta trong đời sống.

Từ “chúng con” trong lời kinh của Chúa rất nhiều khi được ta hiểu một cách hẹp hòi, ích kỷ vì chỉ bao gồm chính ta hay một số người nào đó trong gia đình, hoặc trong cộng đồng riêng biệt của ta. Thật ra, từ này phải hiểu rộng hơn vì nó bao gồm cả thế giới và lịch sử để chúng ta biết dâng tất cả đời sống và vũ trụ này cho tình yêu vô biên của Cha. Người Cha Tạo Hoá đã dựng nên ta, và sau khi chúng ta sa ngã cắt đứt mối quan hệ với Thiên Chúa, Cha muốn chúng ta cộng tác với Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô và Thánh Thần tình yêu để hoàn thành kế hoạch cứu độ của Ngài cho chúng ta và cho toàn thế giới. Vì thế lời kinh Lạy Cha là lời kinh truyền giáo và dạy chúng ta phải hành động như thế nào để loan báo Tin Mừng cứu độ.

28 | janvier | 2015 | *Messages-Prophéties-Par les Saints et les Prophètes  ......Myriamir(1)

Lời kinh “Lạy Cha” hướng chúng ta hành động như Chúa Giêsu trong đời sống thường ngày. Sau những giây phút kết hợp mật thiết với Cha mình vào buổi sáng sớm hay tối khuya như múc lấy nguồn sức mạnh và tình yêu, Chúa Giêsu hướng mọi hoạt động trong ngày để làm cho Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Người rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho mọi người mọi vật: đó là “nước của sự thật và sự sống, của thánh thiện và ân sủng, của công lý, tình yêu và bình an”. Những giá trị này được công bố trong các lời rao giảng của Chúa Giêsu để thể hiện 3 lời đầu tiên của kinh Lạy Cha.

Tiếp theo, Người cũng thể hiện bốn lời cầu cho con người chúng ta bằng việc hoá bánh cá cho người nghèo đói, tha thứ tội lỗi, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ và cho kẻ chết sống lại. Người rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng cứu độ bằng chính đời sống, bằng cái chết và sự sống lại của Người.

Mỗi người chúng ta qua những việc làm hằng ngày ở gia đình như nấu cơm, dọn bữa hay việc làm ở công ty, xí nghiệp hoặc ở trường lớp và bất cứ nơi đâu, chúng ta đều có thể hành động như Chúa Giêsu để rao giảng Tin Mừng khi chúng ta kết hợp với Chúa Giêsu và hành động vì tình yêu do Chúa Thánh Thần thúc đẩy.

Lời kết

Như thế là chúng ta hoà nhập được cầu nguyện và truyền giáo để đời sống chúng ta thành Tin Mừng sống động cho mọi người. Amen.

HKK