Sau nhiều năm ‘đói lũ’, miền Tây lần đầu đón mùa nước nổi quay lại
Sau nhiều năm ‘đói lũ’, miền Tây lần đầu đón mùa nước nổi quay lại
Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long vượt báo động (BĐ) I vào ngày 12.10, đây cũng là thời điểm đỉnh lũ của năm nay ở miền Tây.
Nhận định của MDM (Dự án giám sát hoạt động các đập thủy điện sông Mê Kông), cho biết: Bản đồ nhịp lũ hạ lưu sông Mê Kông cho thấy lần đầu tiên sau bốn năm, Biển Hồ mở rộng rất tốt. Diện tích ngập hiện tại ở Campuchia và Việt Nam là khoảng 21.000 km2, cao hơn so với cùng thời điểm này của nhiều năm trước.
Những cánh đồng nước lên ngập trong màu phù sa đỏ quạnh là nét đẹp của vùng lũ đầu nguồn An Giang HUỲNH PHÚC HẬU |
Theo MDM, mùa lũ sông Mê Kông có ý nghĩa lớn về tự nhiên và môi trường cũng như sinh kế vì sẽ góp phần tăng sản lượng thủy sản tự nhiên và sản lượng nông nghiệp tốt hơn trong những tháng tới.
Về chi tiết mùa nước nổi ở ĐBSCL, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (SIWRP) cho biết: Ngày 12.10, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu ở mức 3,64m; vượt BĐ I là 0,14m và cao hơn trung bình nhiều năm 0,04m. Trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 3,34m cao hơn BĐ I là 0,34m và cao hơn trung bình nhiều năm 0,07m. Đây được xác định là đỉnh lũ đầu nguồn sông Cửu Long trong năm 2022.
SIWRP cũng lưu ý: Đỉnh lũ chính vụ thấp nên về cơ bản các khu vực ô bao sản xuất vụ thu đông đều không bị ảnh hưởng bởi lũ. Tuy nhiên, dự báo từ nay đến cuối năm triều cường ở mức cao nên sẽ có nguy cơ xảy ra ngập úng trên những vùng thấp trũng thuộc vùng giữa và vùng ven biển, đặc biệt trong trường hợp triều cường kết hợp mưa lớn.
Theo MDM, vào thời điểm này năm ngoái các đập thủy điện trên khắp khu vực Mê Kông đã tích nước đầy khoảng 85%; nay chỉ mới khoảng 75% nên các đập đang tranh thủ tích nước. Như đập Tiểu Loan của Trung Quốc đã tích hơn 1 tỉ m3 nước trong 2 tuần qua. Các đập ở thượng nguồn tích nước muộn là do khu vực này lượng mưa thiếu hụt. Mùa mưa đang dần kết thúc, mực nước trên sông Mê Kông, đặc biệt khu vực hạ nguồn, đang có xu thế giảm dần.
CHÍ NHÂN
TNO