22/01/2025

Loài cá voi vừa được ghi nhận năm trước, năm sau sắp tuyệt chủng

Loài cá voi vừa được ghi nhận năm trước, năm sau sắp tuyệt chủng

Loài cá voi tấm sừng Rice được ghi nhận vào năm 2021 hiện đang đối mặt nguy cơ tuyệt chủng. Hoạt động khai khoáng ngoài khơi được cho là đã ảnh hưởng đến chúng.

 

 

 

Loài cá voi vừa được ghi nhận năm trước, năm sau sắp tuyệt chủng - Ảnh 1.

Một con cá voi Rice bị mắc cạn – Ảnh: NOAA

Trước đó, nhiều nhà khoa học đã một vài lần bắt gặp cá voi tấm sừng Rice ngoài tự nhiên nhưng nhầm lẫn đó là một phân loài của cá voi Bryde. Chiều dài trung bình của loài cá này vào khoảng 16m, trọng lượng 30 tấn.

Từ năm 2021 đến nay, Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) thống kê có khoảng 50 con cá voi Rice ngoài tự nhiên, chủ yếu sống ngoài khơi vịnh Mexico.

Chúng vốn có tuổi thọ lên tới 60 năm nhưng gần đây suy giảm gần 1/4.

Các nhà khoa học cho rằng hoạt động khoan dầu ngoài khơi là một trong những nguyên nhân chính khiến loài cá voi này suy giảm đáng báo động.

Ước tính khoảng 20% ​số cá voi Rice đã thiệt mạng vì những hệ quả dai dẳng của vụ tràn dầu Deepwater Horizon. Dù đã xảy ra hồi năm 2010, sự cố này đã để lại hơn 0,6 triệu m3 dầu tràn ra đại dương.

Loài cá voi vừa được ghi nhận năm trước, năm sau sắp tuyệt chủng - Ảnh 2.

Vụ tràn dầu Deepwater Horizon – Ảnh: GETTY IMAGES

Ngoài ra, ô nhiễm tiếng ồn từ hoạt động khai thác dầu khiến nhiều sinh vật biển, đặc biệt những loài có kích thước lớn như cá voi, liên tục phải sống trong áp lực, có thể dẫn đến suy kiệt.

Bên cạnh đó, theo các nhà khoa học, khai khoáng hiện cũng đang góp phần hủy hoại hệ sinh thái biển.

Các nhà động vật học và nhà sinh thái học kêu gọi cần có những nỗ lực cân bằng hoạt động khai thác dầu và bảo tồn môi trường biển. Họ hy vọng khi có những biện pháp mạnh, cá voi Rice sẽ thoát khỏi bờ vực tuyệt chủng vì tỉ lệ sinh sản loài cá này hiện vẫn ổn định, nếu môi trường sống cải thiện, số lượng cá voi sẽ phục hồi.

Loài cá voi vừa được ghi nhận năm trước, năm sau sắp tuyệt chủng - Ảnh 3.

Cá voi chịu nhiều ảnh hưởng vì ô nhiễm tiếng ồn ở đại dương – Ảnh: NOAA

Trước đây, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra hoạt động khai thác dầu ngoài khơi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các loài cá voi, trong đó có nguyên nhân ô nhiễm tiếng ồn.

Lucille Chapuis – nhà sinh thái học giác quan tại Đại học Exeter (Anh) – cho biết những loài như cá voi dùng âm thanh để vừa giao tiếp, vừa tìm đường… Trong khi đó trong vòng 50 năm qua, tiếng ồn đã tăng lên gấp 30 lần quanh những vùng biển có hoạt động của con người.

“Ô nhiễm tiếng ồn ở đại dương được xem như sát thủ vô hình có thể tấn công vào mọi động vật biển bởi hầu hết các hoạt động hằng ngày của chúng từ giao tiếp, sinh sản đến tìm kiếm thức ăn đều phải dùng âm thanh”, Aurore Morin – nhà vận động bảo tồn biển của Quỹ cứu trợ động vật quốc tế (IFAW) – nói.

Loài cá voi vừa được ghi nhận năm trước, năm sau sắp tuyệt chủng - Ảnh 4.

Ô nhiễm tiếng ồn dưới đại dương – Ảnh: DFO

Liên minh tiếng ồn đại dương quốc tế (IONC) từng đưa ra khảo sát hiện có trên 30 loài động vật biển điển hình thường biểu hiện những phản ứng tiêu cực trước tiếng ồn.

Trong đó, cá voi và cá heo chịu ảnh hưởng lớn nhất. Nhiều con mất thính giác, thậm chí là tử vong do xuất huyết não hoặc vì mất khả năng tự vệ. Số khác mắc cạn khi di chuyển hoặc gián đoạn quá trình giao phối.

Điển hình, trước năm 1950, báo cáo từ các nhà khoa học Mỹ chỉ ghi nhận khoảng 7 vụ cá voi mắc cạn vì xác định sai hướng. Tuy nhiên, kể từ khi sóng siêu âm được áp dụng cho nhiều hoạt động như hải quân, số vụ mắc cạn vì lý do tương tự đã tăng lên 120.

“Các quốc gia cần có những chính sách quản lý cho các công ty và tổ chức khi hoạt động trên biển”, Morin nói.

HOÀNG THI
TTO