22/01/2025

Giọt nước mắt của đồng bằng

Giọt nước mắt của đồng bằng

Nhìn những giọt nước mắt đồng bằng đã từng rơi xuống, một người trẻ như tôi không khỏi trăn trở cho đất mẹ quê hương.

 

 

Những tiền lệ bị phá vỡ

Mùa khô bắt đầu từ tháng 2 năm 2020 ghi nhận lượng mưa thấp kỷ lục do El Nino diễn ra trên toàn khu vực sông Mê Kông từ đầu năm 2019. Cùng với đó là tình trạng các đập thủy điện thượng nguồn trữ nước để chạy các tuabin, làm chậm đường đi của dòng Mekong. Ngập các mặt báo bấy giờ là hình ảnh những con rạch trơ đáy, đồng ruộng nứt nẻ, những đám lục bình chết khô cong dưới lòng kênh…

Giọt nước mắt của đồng bằng - ảnh 1
Tình trạng hạn, mặn ở ĐBSCL đã diễn biến nghiêm trọng trong năm 2020  NGỌC DƯƠNG

Nếu đợt ngập mặn năm 2016 được xem là kỷ lục 100 năm mới lặp lại một lần thì mùa khô 2020 đã chính thức phá vỡ kỷ lục ấy. Mấy chục năm gắn bó với nghề lúa, những người nông dân Đồng Tháp Mười (đặc biệt là Tiền Giang và Long An – 2 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hạn mặn) không kịp trở tay. Đứng trước ruộng lúa đang độ làm đòng dần khô héo từng ngày, những người nông dân chỉ biết bất lực than trời. Mọi năm, khoảng ăn Tết xong nước mới bắt đầu chuyển mặn từ từ. Đằng này mới cuối tháng 11 nước đã tràn tới, mặn đến 4 – 5%, tốc độ nước chuyển mặn nhanh và sớm như thế chưa từng được các bậc cao niên trông thấy trước đây.

Được gọi là “vùng đất ngập nước của ĐBSCL” nhưng Đồng Tháp Mười bấy giờ lại phải chắt chiu từng giọt nước ngọt. Nghe có vẻ oái oăm, nhưng chính là thực tế. Khi mà người dân vùng Đồng Tháp Mười đứng trước nguy cơ khan hiếm nước ngọt sinh hoạt (đã bỏ qua nhu cầu tưới tiêu, chăn nuôi, sản xuất), họ còn phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ về sức khỏe. Từng giọt nước được đổi lấy bằng tiền, nguồn nước dự trữ dần cạn kiệt, đám trẻ con bấy giờ bảo nhau “chỉ ước được tắm một bữa cho đã đời!”.

Thật khó có thể thống kê đầy đủ con số tổng thiệt hại về vật chất và đong đếm chính xác mức độ tổn thất về tinh thần mà bà con đã trải qua. Cùng với đại dịch Covid-19, hạn mặn đã trở thành khủng hoảng kép trong năm 2020 tại Đồng Tháp Mười.

 

Thiên nhiên đang thật sự nổi giận?

Biến đổi khí hậu toàn cầu và các hiện tượng thời tiết cực đoan là nguyên nhân chính dẫn đến hạn mặn khốc liệt năm 2020. Biến đổi khí hậu được hiểu theo cách đơn giản là sự thay đổi của hệ thống khí hậu bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định tính bằng thập kỷ hay hàng triệu năm. Điều này góp phần dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan như: bão, lũ lụt, sạt lở, hạn hán, giông sét, lốc…

Sự suy thoái đa dạng sinh học ở Đồng Tháp Mười là bằng chứng rõ nét cho sự can thiệp thô bạo của con người vào tự nhiên. Vì sự tiếp cận các tư liệu học thuật còn hạn chế, tôi vẫn chưa thể nêu ra các khảo sát khoa học cụ thể về sự sụt giảm này. Thế nhưng, với quan sát và vốn trải nghiệm cá nhân cũng như từ những người dân quanh khu vực tôi sinh sống (Đồng Tháp), nguồn sản vật tự nhiên mà thiên nhiên ban tặng đã không còn hào phóng như 5, 7 năm trước đây.

Bên cạnh đó, việc ngăn không cho lũ về ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái trên cạn và hệ sinh thái thủy sinh. Không được phù sa bồi đắp, đất ở các thửa ruộng dần trở nên cằn cỗi, nghèo chất dinh dưỡng… dẫn đến việc sản xuất lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại hóa chất. Một khi môi trường bị ô nhiễm, không còn là nơi sinh sống lý tưởng của các quần thể động – thực vật, nguy cơ một số loài bị “xóa sổ” là điều chúng ta có thể dễ dàng hình dung được.

Mảnh đất hiền hòa Đồng Tháp Mười đang “nổi giận” với những cơn cuồng nộ của hạn hán, của ngập mặn và các hiện tượng thời tiết cực đoan vô cùng nghiêm trọng. Nghĩ về ngàn xưa, ông cha ta đã coi thiên nhiên là nguồn sống bất tận, điều này xuất phát từ tư tưởng truyền thống của người phương Đông “vạn vật hữu linh”. Chính vì thế, con người đã từng chung sống rất hòa hợp với một thiên nhiên đầy ưu ái, hiền hòa. Thế nhưng, đi cùng với hiện đại hóa và sự phát triển của mọi mặt đời sống, con người ngày nay dần thể hiện rõ khát khao chinh phục và sử dụng một cách tận diệt tự nhiên.

Tôi không phân tích vấn đề dưới góc độ của một chuyên gia, tôi chỉ nêu ra những trăn trở của một người trẻ yêu mến mảnh đất quê nhà. Chính vì thế, những điều bàn luận trên đây ắt sẽ có đôi chút chủ quan. Tôi mong rằng, mỗi người chúng ta hãy tự mình tiếp cận thêm nhiều thông tin để có thể tìm ra giải pháp cho bài toán chung sống hòa thuận với thiên nhiên.

 

Cần lắm sự chung tay của cộng đồng

Chúng ta không thể can thiệp vào sự vận hành và biến đổi của tự nhiên, thế nhưng chúng ta có thể thay đổi tư duy và hành động của chính mình. Vấn đề thiên nhiên, môi trường, khí quyển… đã từ lâu không còn là vấn đề trọng đại của riêng quốc gia, tổ chức nào mà là của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Chúng ta cần trang bị cho mình vốn hiểu biết nhất định về biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường.

Chúng ta cần thay đổi tư duy và nhận thức đúng đắn về cách chung sống hòa thuận với thiên nhiên. Người dân cũng cần nắm được kiến thức chuyên sâu từ các chuyên gia về việc chuyển đổi canh tác, luân phiên các loại cây trồng sử dụng nguồn nước ít hơn, ưu tiên sản xuất nông sản sạch, hữu cơ. Hơn hết, chúng ta cần đón lũ về một cách nồng hậu.

Sử dụng hợp lý và có ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm góp phần giữ vững đa dạng sinh học. Các vấn đề liên quan đến việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên: đất, nước, các loài động – thực vật… cần được lưu tâm. Dành sự quan tâm và đầu tư cho các dự án trồng rừng ngập mặn và duy trì lá chắn bền vững này.

Mỗi người góp một tiếng nói, mỗi cá nhân góp một hành động. Tôi cho rằng, thành công lớn nhất của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là khả năng kết nối tất cả mọi người. Chính vì thế, hãy chia sẻ vốn hiểu biết của bạn, lan tỏa ý thức tích cực về môi trường đến cộng đồng. Mỗi một tiếng nói được cất lên, mỗi một hành động được góp vào sẽ làm giàu thêm “không gian xanh làm bạn với thiên nhiên”.

Nghĩ về những thử thách và khó khăn đã qua, chúng ta không thể mưu cầu lại thứ đã mất đi mà chỉ có thể ngẫm xem ta còn lại những gì. Tôi tin rằng, đất mẹ quê hương vẫn luôn dang rộng vòng tay ôm lấy những đứa con quê, và bằng cách nào đó, chúng ta cần phải đáp lại sự bao dung ấy với tất cả thương yêu.

 

Dương Thị Út Giàu

TNO