23/01/2025

Chúa Nhật XXIX TN C 2022: Cầu nguyện

Các bài Thánh Kinh hôm nay muốn dạy ta về cầu nguyện. Cầu nguyện ngoài việc để xin ơn cho mình, chúng ta còn có thể chuyển cầu cho người khác những ơn lành như trong Bài đọc I (x. Xh 17,8-13), ông Môsê đã cầu nguyện cho dân tộc mình thắng quân Amalech. Hơn nữa, chúng ta được mời gọi dùng Lời Chúa trong Sách Thánh để cầu nguyện như trong Bài đọc II (x. 2Tm 3,14-4,2), vì “tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Chúa linh hứng”. Khi đọc Các giờ Kinh Phụng vụ ta đọc các Thánh vịnh, đó chính là ta nghe Chúa nói với mình và những lời ta cầu nguyện đó chính là ta đáp lại tiếng Chúa. Như thế, cầu nguyện là cuộc gặp gỡ, trao đổi, một cuộc nói chuyện giữa ta với Thiên Chúa.

Chúa Nhật XXIX TN C 2022

Cầu nguyện

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh hôm nay muốn dạy ta về cầu nguyện. Cầu nguyện ngoài việc để xin ơn cho mình, chúng ta còn có thể chuyển cầu cho người khác những ơn lành như trong Bài đọc I (x. Xh 17,8-13), ông Môsê đã cầu nguyện cho dân tộc mình thắng quân Amalech. Hơn nữa, chúng ta được mời gọi dùng Lời Chúa trong Sách Thánh để cầu nguyện như trong Bài đọc II (x. 2Tm 3,14-4,2), vì “tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Chúa linh hứng”. Khi đọc Các giờ Kinh Phụng vụ ta đọc các Thánh vịnh, đó chính là ta nghe Chúa nói với mình và những lời ta cầu nguyện đó chính là ta đáp lại tiếng Chúa. Như thế, cầu nguyện là cuộc gặp gỡ, trao đổi, một cuộc nói chuyện giữa ta với Thiên Chúa.

C:\Users\tingu\Downloads\2021\Cau nguyen voi pa 2.jpg

1. Đời sống và cầu nguyện

Trong bài Tin Mừng hôm nay (x. Lc 18,1-8), Chúa Giêsu dạy chúng ta “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Cầu nguyện luôn không phải là lúc nào chúng ta cũng dành thời giờ để đọc những bài kinh như các đan sĩ dòng kín hầu như cả ngày làm như thế, nhưng là chúng ta kết hợp với Chúa trong công việc thường ngày của đời sống, bởi vì sống là cầu nguyện và cầu nguyện là sống.

Nếu chúng ta muốn sống trọn vẹn, tràn đầy tình yêu, quyền năng, niềm vui và hạnh phúc, ta phải kết hợp với Chúa là nguồn của tất cả những giá trị ấy. Khi nói đến cầu nguyện, nhiều người chúng ta thấy mình ít dành những giây phút gắn bó với Chúa vì chúng ta bận việc này việc nọ ở công ty, xí nghiệp, rồi phải làm các việc ở nhà đến tận khuya nên nhiều khi không đọc được 3 kinh Kính Mừng trước khi ngủ! Con cái chúng ta cũng vậy, chúng ta thúc giục chúng học hết lớp này ở trường đến học thêm lớp nọ với thầy cô, rồi làm bài tập ở nhà, mệt quá chúng mở truyền hình, iphone, ipad ra giải trí… Rời mắt khỏi màn hình là lăn ra ngủ không nhớ đến việc đọc vài kinh.

Có người lại thấy cầu nguyện rất mất giờ, không hiệu quả nên nhiều bạn trẻ ngày nay không muốn đọc kinh. Nhiều người lớn đi lễ Chủ Nhật và đưa con cái đi lễ đã là quý lắm rồi. Đó là vì chúng ta không biết cầu nguyện là gì, cầu nguyện mang những đặc tính nào, cầu nguyện như thế nào để lời của chúng ta vọng tới Chúa và chúng ta cần phải có thái độ nào để tiếng Chúa vọng đến ta? Rất nhiều những khó khăn thử thách chúng ta gặp khi cầu nguyện như chia trí, tâm trạng khô khan, nhưng chúng ta không biết chúng bắt nguồn từ đâu và làm cách nào để giải quyết?

Khi chúng ta cầu nguyện hay tham dự thánh lễ, tâm trí chúng ta đột ngột nhớ đến những chuyện khác và không nói chuyện với Chúa. Điều đó có thể bắt nguồn từ chính chúng ta: chúng ta muốn nghĩ đến những vấn đề đó, chẳng hạn như nhớ đến ngày mai mình đi thi và các bài học hiện lên trong trí não của mình. Đó là do lỗi của chúng ta. Chúng ta phải bỏ những bài học đó để nói chuyện với Chúa. Có khi chúng ta quyết tâm tập trung nhưng tâm trí cứ nghĩ đến chuyện này chuyện nọ. Đó có thể là do ma quỷ, vì ma quỷ là tinh thần, chúng tác động vào tinh thần của ta để đưa ra những vấn đề đó. Chúng giống như một người khách lạ xen vào câu chuyện giữa ta với Chúa để làm cho chúng ta mất đi sự thân mật ấy. Nhưng cũng có khi đang tham dự thánh lễ chúng ta lại nghĩ đến một vấn đề, điều này không do ma quỷ nhưng vì Chúa muốn nói với chúng ta, nhắc nhở ta về vấn đề nào đó. Thí dụ: Chúa nhắc chúng ta xem lại bài này để ngày mai thi vì thấy chúng ta không để ý bài đó.

Vì thế, để thắng được chia trí, chúng ta thưa ngay với Chúa về vấn đề chúng ta đang nghĩ; nếu là ma quỷ cám dỗ, chúng sẽ bỏ chúng ta; còn nếu do Chúa soi sáng, Chúa sẽ tiếp tục chỉ dẫn để câu chuyện của Ngài với chúng ta không bị gián đoạn.

Khi cầu nguyện, có những lúc ta cảm thấy mình khô khan nguội lạnh, chẳng có gì để nói với Chúa, lòng ta không có một rung động đạo đức nào. Tình trạng này có thể bắt nguồn từ việc chúng ta yếu lòng tin, chúng ta nghi ngờ Chúa không nghe lời chúng ta. Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở: “Không biết khi Con Người đến, Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”. Ma quỷ gieo sự nghi ngờ trong lòng chúng ta, và ta nghĩ rằng Chúa không nghe lời ta vì tình trạng tội lỗi của ta. Vì thế, để tìm lại được sự sốt sắng, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy ăn năn sám hối, quyết tâm sửa đổi đời sống để tìm lại được những tâm tình khi cầu nguyện.

2. Cầu nguyện với Thiên Chúa Ba Ngôi

Khi cầu nguyện, chúng ta đừng quên rằng Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Ngài là người cha rất nhân từ lắng nghe các con cái của mình. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta qua dụ ngôn Tin Mừng hôm nay: nếu ông quan toà bất chính còn xét xử cho bà goá kiên trì thì huống chi Cha trên trời “lại không minh xét cho những kẻ Ngài đã tuyển chọn ngày đêm hằng kêu cứu với Ngài sao? Thầy nói cho anh em biết, Ngài sẽ mau chóng minh xét cho họ”.

Người Cha nhân từ đó đã ban cho chúng ta chính Con Một của Ngài, nên Ngài không tiếc bất cứ điều gì chúng ta xin. Nhưng Ngài không ban cho chúng ta theo lòng mong ước của chúng ta, vì trong cái nhìn vĩnh cửu và khôn ngoan của Ngài, Ngài thấy rằng ơn nào ban cho ta vào thời điểm đó là thích hợp nhất, có thể điều chúng ta xin sẽ nguy hại nếu Ngài ban cho chúng ta. Nên Ngài ban cho ta những gì tốt đẹp nhất cho ơn cứu độ của ta chứ không phải theo lòng mong mỏi của ta. Khi chúng ta tin tưởng như vậy thì những gì chúng ta mong ước cần thiết cho đời sống, Ngài chắc chắn sẽ ban cho.

Nhưng, để Ngài có thể ban cho chúng ta, chúng ta phải “cầu xin trong Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu, cùng Chúa Giêsu”. Trong Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu là Đầu của chúng ta, còn chúng ta là những chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Người, nên khi cầu nguyện chúng ta không tách rời Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đang cầu nguyện trong ta và chúng ta cùng cầu nguyện trong Chúa Giêsu với tư cách là con cái Thiên Chúa, nên Cha chúng ta sẵn sàng lắng nghe chúng ta. Chúa Giêsu cầu nguyện cho chúng ta vì Người hiểu được hoàn cảnh của chúng ta, biết những nỗi khổ, những thiếu thốn của ta nên Người không tiếc để chuyển cầu cho chúng ta với Cha của Người.

Khi cầu nguyện, chúng ta cầu nguyện trong tư cách là Giáo Hội, vì toàn thân thể của Đức Giêsu là Giáo Hội nên chúng ta không cầu nguyện đơn độc mà kết hợp với mọi người trên toàn thế giới thuộc Giáo Hội chiến đấu ở trần gian. Chúng ta được các vị thánh là những thành phần của Giáo Hội chiến thắng ở trên trời chuyển cầu cho chúng ta. Chúng ta lại chuyển thông những lời cầu nguyện của chúng ta cho những linh hồn đau khổ trong tình trạng luyện ngục để chia sẻ và cứu độ họ.

Hơn nữa, chúng ta còn cầu nguyện cùng Chúa Giêsu, vì Người không phải chỉ là con người như chúng ta, mà Người còn là Thiên Chúa của ta. Khi chúng ta cầu nguyện trong Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu thì chúng ta cũng cầu nguyện cùng Chúa Giêsu trong tư cách Người là Thiên Chúa để Người sẵn sàng ban cho chúng ta tất cả những ân huệ cao quý cần thiết cho chúng ta.

Điểm thứ ba mà chúng ta cần phải để ý, đó là Chúa Thánh Thần chính là thầy dạy chúng ta cầu nguyện. Trước mỗi giây phút cầu nguyện chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần chính là tình yêu nối kết Ngôi Cha và Ngôi Con lại với nhau và nối kết chúng ta với Thiên Chúa. Ngài là Thần Khí, Ngài hiểu rõ lòng Chúa Cha nên Ngài chuyển cầu cho chúng ta bằng những tiếng than van khôn tả để Chúa Cha và Chúa Giêsu nghe được tiếng của chúng ta, cũng như để chuyển cầu những hồng phúc lớn lao của Thiên Chúa cho ta. Vì thế, mỗi lần cầu nguyện là chúng ta cầu nguyện cùng với Ba Ngôi Thiên Chúa.

Lời kết

Đó là vài điều mà Giáo Hội mời gọi khi chúng ta cầu nguyện. Giáo Hội dành phần thứ tư, từ số 2558-2863 của cuốn Giáo lý Hội Thánh Công giáo để dạy chúng ta về cầu nguyện. Nhưng rất nhiều người chúng ta, thậm chí ngay cả linh mục, tu sĩ chúng tôi cũng chưa đọc hết những số về cầu nguyện như vậy. Hy vọng có một dịp nào khác chúng ta sẽ cùng nhau học hiểu về cầu nguyện này để cho lời cầu nguyện của chúng ta đáng được Chúa chấp thuận và để chúng ta trở thành người chuyển cầu cho thế giới, nhất là cho nền hoà bình thế giới hôm nay.

HKK