Miền Trung lũ chưa qua lại lo bão mới
Miền Trung lũ chưa qua lại lo bão mới
Vùng mưa lũ ở miền Trung, đặc biệt là nơi hứng chịu đợt mưa lịch sử như TP.Đà Nẵng, đang cấp tập dọn dẹp sau lũ và khắc phục thiệt hại. Trong khi đó, nhiều nơi khác lại sạt lở bất thường và phải chuẩn bị ứng phó đợt mưa bão mới…
Cung ứng thực phẩm và tổng vệ sinh
Hôm qua (16.10), TP.Đà Nẵng cấp tập khắc phục hậu quả sau trận mưa lũ lịch sử tối 14.10 và gây ngập lụt kéo dài sau đó. Sáng 16.10, khoảng 1.500 đoàn viên, thanh niên, sinh viên đã tham gia dọn dẹp rác, vệ sinh môi trường tại các bãi biển thuộc Q.Sơn Trà và Q.Ngũ Hành Sơn (chương trình do Thành đoàn Đà Nẵng và Sở TN-MT phối hợp phát động).
UBND H.Hòa Vang cũng vào cuộc khảo sát hiện trường vụ sạt lở khiến đất đá từ trên đồi tràn xuống vùi lấp hàng ngàn ngôi mộ ở H.Hòa Vang, nghĩa trang lớn nhất TP.Đà Nẵng. Ông Nguyễn Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn (H.Hòa Vang), cho biết đã báo cáo khẩn gửi UBND H.Hòa Vang, đồng thời cùng nhiều đơn vị họp khẩn bàn phương án khắc phục hậu quả, giúp người dân tìm kiếm mộ phần.
Sạt lở nghiêm trọng trên QL15D làm tê liệt đường lên cửa khẩu quốc tế La Lay (Quảng Trị) THANH LỘC |
Ở quy mô cấp TP, Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo các địa phương, đơn vị, lực lượng vũ trang phối hợp Ủy ban MTTQ, đoàn thể hỗ trợ dọn dẹp vệ sinh môi trường tại các tuyến đường, khu dân cư, trường học, cơ quan, đơn vị; nhất là các tuyến đường chính, tuyến đường ven biển, các khu vực bị sạt lở trên địa bàn. Khâu cung ứng lương thực, nước sạch cho người dân cũng phải đảm bảo, ưu tiên các trường hợp khẩn cấp, khu sơ tán tập trung, những hộ bị thiệt hại về nhà cửa, sản xuất… Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, các quận, huyện phải chủ động, không chờ TP cấp phát về. Những nơi đang ngập và nơi dự báo tiếp tục ngập phải được bổ sung lương thực, thực phẩm.
Đến trưa 16.10, Q.Liên Chiểu đã hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống cho 5 phường bị ảnh hưởng mưa lớn ngập lụt, mỗi phường 200 thùng mì ăn liền, 100 thùng nước uống. Q.Thanh Khê chở lương thực, thực phẩm đến các tổ dân phố hỗ trợ 650 hộ dân ở khu vực trũng thấp bị ngập nặng, mỗi hộ 1 thùng mì ăn liền và 1 vỉ trứng. Hôm qua, lãnh đạo Ủy ban MTTQ VN TP.Đà Nẵng đã đến thăm và hỗ trợ khẩn cấp cho 4 trường hợp tử vong do mưa lũ (mỗi trường hợp 10 triệu đồng). Hiện cơ quan này đang tiếp nhận các nguồn từ các nhà hảo tâm để điều phối nguồn tiền, hàng hóa hỗ trợ cho các địa phương khó khăn bị thiệt hại nặng tại các quận: Liên Chiểu, Thanh Khê, Cẩm Lệ…
Không để thủy điện xả lũ cấp tập
Tại Quảng Nam, hôm qua hàng loạt thủy điện xả lũ, trong đó có thủy điện A Vương, Đăk Mi 4…
Trong chiều 16.10, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Quảng Nam đã gửi văn bản yêu cầu các chủ hồ thủy điện tổ chức vận hành luân phiên 12 giờ nhằm hạ dần mực nước các hồ chứa thủy điện Sông Bung 4, A Vương, Đăk Mi 4 về “cao trình mực nước cao nhất trước lũ” (để đảm bảo dung tích đón lũ) trước 17 giờ 30 hôm nay (17.10). Ông Trương Xuân Tý, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết hiện nay hạ du đang ổn, trong khi đó một số thủy điện đã đầy nước thì buộc phải hạ mực nước hồ xuống để lòng hồ trống một phần, làm cơ sở để đón đợt lũ sau. Tránh tình trạng để hồ đầy nước mà đón thêm đợt lũ nữa thì khi đó không có khả năng điều tiết lũ cho hạ du nữa.
Đường Hoàng Sa lên bán đảo Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) được giải phóng sau sạt lở NGUYỄN TÚ |
Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết địa phương vừa tập trung khắc phục hậu quả do các đợt mưa lũ vừa qua, vừa chủ động ứng phó với bão Nesat (bão số 6 khi vào Biển Đông). UBND tỉnh đã đề nghị các địa phương chủ động kiểm tra, rà soát, chủ động di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, ven sông, khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét…
Tại Thừa Thiên-Huế, hôm qua ngớt mưa, nhưng các khu vực vùng trũng thì nước rút rất chậm. Tại cuộc họp về công tác ứng phó mưa lũ sáng 16.10, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương đánh giá tình hình vẫn còn phức tạp, các địa phương cần chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, tính đến phương án ứng phó ngập lũ dài ngày. Đồng thời, yêu cầu các hồ chứa vận hành trong 3 ngày tới; lưu ý phải đủ điều kiện cho các hồ điều tiết lũ, tham gia cắt lũ cho các đợt mưa tiếp theo.
Quảng Trị: Sạt lở gây ách tắc cửa khẩu quốc tế La Lay
Sáng qua (16.10), đoàn công tác liên ngành của tỉnh Quảng Trị đã đến hiện trường kiểm tra vụ sạt lở, sụt lún nghiêm trọng trên tuyến QL15D đoạn qua xã A Ngo (H.Đakrông). Từ chiều 15.10, lực lượng chức năng bắt đầu phát hiện nhiều vết nứt dọc tuyến, ban đầu mỗi vết cách nhau khoảng 100 m, vết rộng nhất 1 – 2 m, sâu chừng 3 m. Tuy nhiên, đến đêm 15.10 và sáng 16.10, các vết sạt lở, sụt lún trên có diễn biến phức tạp thêm.
Trong đó, nghiêm trọng nhất là đoạn sụt lún cách cửa khẩu quốc tế La Lay chừng 4 km. Đoạn này sụt dài hơn 200 m, miệng sụt lớn 5 – 7 m, một phần quả đồi gần đó cũng sụt sâu khoảng 5 – 7 m, ước tính khối lượng đất đá lở khoảng 40.000 m3. Đến cuối giờ chiều 16.10, thượng tá Nguyễn Xuân Linh, Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay (Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Trị), cho biết những vết nứt chưa có những diễn biến bất thường và nặng hơn, tuy nhiên đơn vị vẫn đảm bảo lực lượng túc trực tại chốt gác để ngăn không cho người dân qua lại.
Sự cố sạt lở QL15D khiến việc lưu thông đến cửa khẩu quốc tế La Lay bị ách tắc hoàn toàn. Hôm qua, hơn 100 phương tiện đang mắc kẹt quanh khu vực. Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đang triển khai phương án phối hợp Cục Đường bộ VN sớm khắc phục hậu quả để sớm thông tuyến cửa khẩu La Lay. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Hải quan tỉnh Quảng Trị cũng đang xem xét, tham mưu UBND tỉnh Quảng Trị báo cáo cấp trên về việc đóng hay mở cửa khẩu quốc tế La Lay.
Dự báo hướng đi của bão số 6 NGUỒN: TRUNG TÂM DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN QUỐC GIA |
Mổ xẻ nhiều vấn đề sau lũ lịch sử
Lý giải nguyên nhân ngập lụt lịch sử sau trận mưa lớn vừa qua tại TP.Đà Nẵng, ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết do lưu lượng mưa lên đến 400 – 700 mm; trong khi đó hệ thống thoát nước của TP chỉ đáp ứng khoảng từ 100 – 200 mm.
Theo ông Phong, ngập ở đô thị chủ yếu tại 2 quận Thanh Khê và Liên Chiểu. Theo đánh giá sơ bộ, vì khu vực sân bay Đà Nẵng rộng 820 ha nên lượng nước thoát ra lớn, cũng là một nguyên nhân gây ngập lụt. Cũng theo ông Phong, TP.Đà Nẵng có 3 trạm bơm nhưng trong trận mưa vừa qua, một số trạm bơm bị mất điện. Trong khi đó, kịch bản phòng chống thiên tai TP chưa tăng cường cho việc cấp điện máy bơm. Nhận định lượng mưa cực đoan đã vượt ra khỏi yếu tố thiết kế, ông Phong cho rằng TP.Đà Nẵng cần đánh giá lại hệ thống thoát nước và thiết kế hệ thống thoát nước.
Tại cuộc họp hôm 15.10, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và phòng thủ dân sự TP phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là trong công tác dự báo, đánh giá diễn biến, các nguy cơ ảnh hưởng của mưa bão và cả phương án ứng cứu.
“Về phương án ứng cứu, chắc chắn không thể độc lập các nhóm vào các khu vực nếu không có sự hỗ trợ của lực lượng khác. Qua kiểm tra thực tế, cần phải có phương án cụ thể về vấn đề này, phải có đúc rút kinh nghiệm để xử lý về sau”, ông Quảng nói.
5 người chết, gần 20.000 nhà ngập lụt trong mưa lũ
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Tổng cục PCTT (Bộ NN-PTNT) cho biết, đến 17 giờ ngày 16.10 các tỉnh miền Trung đã có 5 người chết (Đà Nẵng 2 người, Thừa Thiên-Huế 2 người, Quảng Nam 1 người) do mưa lũ. Còn gần 20.000 nhà dân bị ngập lụt, gồm: Quảng Bình có 906 nhà bị ngập từ 0,5 – 1 m; Quảng Trị có 1.690 nhà bị ngập từ 0,3 – 1 m; Thừa Thiên-Huế có 17.213 nhà dân bị ngập từ 0,1 – 0,3 m.
Ngập lụt dai dẳng ở nhiều nơi
Ngập lụt tại xã Lộc Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình THANH LỘC |
Hôm qua, mưa lớn đã gây ngập lụt trên diện rộng tại Quảng Bình, đặc biệt là vùng rốn lũ Quảng Ninh, Lệ Thủy với 380 nhà bị ngập dưới 1 m, 13 thôn bản bị chia cắt, nhiều tuyến đường ngập sâu trên 0,5 m.
Chiều 16.10, ông Võ Ngọc Trung, Phó tổng giám đốc Công ty CP đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, cho biết 2 hầm đường bộ Hải Vân đã được thông tuyến, phương tiện đi lại bình thường sau khi huy động 19 máy đào lớn, xúc đào liên hợp, máy san, xe tải ben, xe tưới nước để dọn dẹp khoảng 60.000 m3 đất đá sạt lở sau trận lũ.
Tại tuyến đèo Hải Vân có 2 điểm sạt lở lớn, đến 15 giờ 30 chiều 16.10 mới thông xe 1 làn; tuy nhiên hiện phát sinh 1 điểm sạt ta luy âm tại Km 912+550, lực lượng chức năng phải rào chắn, giới hạn 1 làn xe khu vực này.
Khu vực sạt lở trên tuyến đường bán đảo Sơn Trà, Sở GTVT TP.Đà Nẵng đã cho đóng cừ tại cầu kênh Trần Nguyên Hãn, cầu kênh Nguyễn Xí để ngăn sạt lở thêm. Các hầm chui, hầm đi bộ đã được dọn sạch nước; riêng tuyến Yết Kiêu sạt lở dự kiến hoàn thành hôm nay (17.10).
Tại Quảng Nam, “hố tử thần” trên QL14B đoạn qua xã Đại Đồng (H.Đại Lộc) đã khắc phục xong và thông xe 1 làn. Các khu vực sạt lở gây cô lập 450 hộ dân ở xã Trà Cang (H.Nam Trà My) và gần 200 hộ dân ở xã Quế Lâm (H.Nông Sơn) cũng khắc phục, giao thông cơ bản thông tuyến trong ngày 16.10.
Ng.Phúc – Ng.Tú – M.Cường
THANH NIÊN
TNO