23/01/2025

Những ngộ nhận về Tả quân Lê Văn Duyệt: Việc chọn thái tử kế vị vua Gia Long

Những ngộ nhận về Tả quân Lê Văn Duyệt: Việc chọn thái tử kế vị vua Gia Long

Trong lịch sử triều Nguyễn dưới thời vua Gia Long, có ít nhất hai sự kiện quan trọng liên quan đến đời sống cung đình, một là việc chọn người đứng chủ tế sau khi bà Thừa Thiên Cao hoàng hậu qua đời (1814), hai là việc chọn người lên ngôi thái tử, sẽ kế vị vua Gia Long sau này (1816).

 

Để có cơ sở cho việc tô vẽ về điều được gọi là sự xích mích trầm trọng giữa vua Minh Mạng và Tả quân Lê Văn Duyệt lúc sinh tiền, nhiều cây bút đã viết nên nhiều điều không phù hợp với thực tế lịch sử, gắn kết vị Tả quân với Tiền quân Nguyễn Văn Thành trong cả hai sự kiện trên, trong khi trên thực tế, hầu như không hề có bóng dáng của ông Lê Văn Duyệt trong những sự kiện này.

 

Lễ tang Thừa Thiên Cao hoàng hậu

Tháng 7 âm lịch (AL) năm 1806, Thừa Thiên Cao hoàng hậu vốn là con gái Quý Quốc công Tống Phước Khuông, từ vương hậu, được vua Gia Long lập làm hoàng hậu (Đại Nam thực lục, tập 1, NXB Giáo dục 2002, trang 679). Tháng 2 AL 1814, bà qua đời ở tuổi 54. Ba người con trai đầu của vua Gia Long là hoàng tử Cảnh, hoàng tử Hy và hoàng tử Tuấn đều mất sớm, người thứ tư là hoàng tử Đảm, con của Thuận Thiên Cao hoàng hậu, được Thừa Thiên Cao hoàng hậu nhận làm con nuôi từ năm 3 tuổi nên vẫn gọi bà là mẹ.

Những ngộ nhận về Tả quân Lê Văn Duyệt: Việc chọn thái tử kế vị vua Gia Long - ảnh 1
Mộ phần Thừa Thiên Cao hoàng hậu cạnh mộ phần vua Gia Long tại lăng Thiên Thọ, Q TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) TL

Trong lễ tang, khi bàn định việc cử người làm chủ tự, sử chép như sau: “…bầy tôi có người bàn lấy hoàng tôn Đán (con hoàng tử Cảnh, tức là Mỹ Đường) làm chủ tự (tức chủ tế – LN).

Vua dụ rằng: “Hoàng tử (Đảm) từng làm con của hoàng hậu, đã có giấy tờ, nên sai làm chủ tự, việc lớn của nhà nước không nên câu nệ theo lễ đích tôn thừa trọng như nhà thường”. Nguyễn Văn Thành cho thế thì văn tế khó gọi. Vua bảo rằng: “con theo mệnh cha tế mẹ là việc danh chính ngôn thuận, có gì mà không nên”. Bấy giờ, việc bàn mới định. Nguyễn Văn Thành tỏ ý không bằng lòng” (Đại Nam thực lục, tập 1, sđd, trang 877).

Ở nghi thức này trong lễ tang Thừa Thiên Cao hoàng hậu, không hề thấy sử nhắc đến Lê Văn Duyệt, chỉ nhắc đến thái độ không bằng lòng của Nguyễn Văn Thành. Tuy vậy, vua Gia Long không để tâm đến thái độ của ông Thành, trong lễ ninh lăng (lễ an táng) Thừa Thiên Cao hoàng hậu diễn ra vào tháng 3 AL 1815, nhà vua vẫn cử Nguyễn Văn Thành làm tổng hộ sứ, Nguyễn Văn Nhân làm phó (Đại Nam thực lục, tập 1, sđd, trang 898).

 

Chuyện vua Gia Long chọn ngôi thái tử

Về chuyện này, theo sách Đại Nam liệt truyện, do nhận thấy tuổi đã cao, nhân một buổi chầu vào năm 1816, vua Gia Long hỏi thẳng Nguyễn Văn Thành rằng hiện nay cháu đích tôn của ông (con hoàng tử Cảnh) là hoàng tôn Đán (Mỹ Đường – 1798-1849) còn nhỏ, vậy trong các con trai của ông, nên lập ai làm thái tử, ông Thành đã tâu rằng theo lễ là đích tôn thừa trọng (tức nên chọn hoàng tôn Đán), song nếu nhà vua muốn chọn người khác thì biết con chẳng ai bằng cha, ông không có ý kiến thêm (Đại Nam liệt truyện, tập 2, quyển 21, NXB Thuận Hóa, Huế 2006).

Những ngộ nhận về Tả quân Lê Văn Duyệt: Việc chọn thái tử kế vị vua Gia Long - ảnh 2
Chân dung hoàng tử Cảnh (1780 -1801), cha hoàng tôn Đán (Mỹ Đường) – Tranh của họa sĩ cung đình Pháp Maupérin vẽ năm 1787

Quan điểm chọn hoàng tôn Đán của ông Thành không có gì sai, vì lúc ấy vị công tử này cũng đã 18 tuổi, song khi nhà vua đã tỏ rõ ý định chọn hoàng tử Đảm, lúc ấy đã 26 tuổi, ông Thành không dám nói điều gì trái ý nhà vua.

Chuyện chỉ có thế. Không có một âm mưu hay sự chống báng nào ở đây.

Theo sách Đại Nam thực lục, vào một ngày tháng 3 AL 1816, vua Gia Long triệu tập quần thần ở điện Cần Chánh và dụ rằng sức khỏe ông đã suy yếu nên cần người giữ ngôi thái tử để lo cho việc nước sau này. Nói xong, ông triệu Thượng thư Lại bộ là Trịnh Hoài Đức đến trước giường ngự và viết câu “Lập hoàng tử Hiệu (tức Đảm) làm hoàng thái tử”. Câu chữ viết xong, nhà vua đưa cho bầy tôi xem và nói: “Ai đồng ý thì ký tên vào”. “Quần thần đều nói: Ý thánh định trước, thực là phúc không cùng của xã tắc, bọn thần xin noi theo mệnh lệnh” (Đại Nam thực lục, tập 1, sđd, trang 920).

Như vậy, theo chính sử, đến ngày chính thức chọn ngôi thái tử, ông Nguyễn Văn Thành cũng không có một ý kiến nào khác. Riêng về Tả quân Lê Văn Duyệt, trong cả hai sự kiện diễn ra vào giữa thập niên 1810, tức lễ tang của Thừa Thiên Cao hoàng hậu (1814) và bàn định việc cử người vào ngôi thái tử (1816), không hề thấy một bóng dáng nào của ông thấp thoáng trong các câu chữ của sử quan nhà Nguyễn.

Vậy mà từ nhiều năm qua, vẫn có nhiều bài viết cho rằng cả hai ông Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt đều chống lại việc đưa hoàng tử Đảm lên ngôi thái tử! Điều này gây ngộ nhận, ảnh hưởng đến việc nhận định, đánh giá về một nhân vật lịch sử quan trọng như Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Gia Định thành. (còn tiếp)

LÊ NGUYỄN

TNO