24/01/2025

Chúa Nhật 16.10.2022
Đời Sống Cầu Nguyện

Tâm nguyện và Chiêm nguyện: Người Công giáo ta thường chỉ quen cầu nguyện bằng đọc kinh. Hãy tập cầu nguyện trong thinh lặng, ít bằng lời (khẩu nguyện) để nhiều hơn bằng tâm hồn (tâm nguyện) và trí khôn (chiêm nguyện).

Chúa Nhật Tuần XXIX – Mùa Thường Niên

Xh 17,8-13 • Tv 120,1-2.3-4.5-6.7-8 (Đ. x. c.2) • 2 Tm 3,14 – 4,2 • Lc 18,1-8

 

Tin Mừng và Lời Chúa ngày 13 tháng mười một 2021 - Vatican News

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Luca

1 Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. 2 Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. 3 Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: ‘Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.’ 4 Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: ‘Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, 5 nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc’.”

6 Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! 7 Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? 8 Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Đời Sống Cầu Nguyện

Cầu nguyện là điều không thể thiếu, nó là gạch nối giữa Thiên Chúa và con người. Nhưng phải cầu nguyện như thế nào? Ta ghi nhớ vài điểm sau:

Cầu nguyện với đức tin. Hiển nhiên người không tin thì chẳng cầu nguyện, và cũng chả có tín hữu nào mà không cầu nguyện ít là vài phút và vài lần mỗi ngày. Có nhiều cách cầu nguyện như khẩu nguyện, tâm nguyện, chiêm nguyện, cách nào cũng đói đức tin. Chúa Giêsu dường như dự đoán: “Khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

Cầu nguyện kiên trì, như bà góa nài nỉ quan tòa minh oan cho mình. Dù ông ta xem thường lời van xin của bà, nhưng vì bà cứ lải nhải và “quấy rầy”, nên sau cùng ông đành nhường bộ! Chúa của ta, trái lại, thích bị quấy rầy, vậy ta đừng ngần ngại trình bày với Chúa mọi nhu cầu. Chúa hứa “Xin thì sẽ được” (Mt 7,7), và Ngài không “khoan giãn”, nhưng “kíp giải oan cho những kẻ Ngài tuyển chọn, hằng kêu cứu với Ngài đêm ngày”. Chúa đầu hàng người kiên trì! Thật vậy, bà Canaan cứ nài nẵng khiến Chúa phải nhượng bộ (x. Mt 15, 21-28). Anh mù Bartimê nhờ kêu gào không chịu im mà Chúa phải chữa anh (x. Mc 10, 46-52). Sự kiên trì cũng thấy qua việc Môisen giang tay cầu nguyện suốt ngày, nhờ đó mà Israel thắng Amalec (Bđ I).

Kinh Lạy Cha: Người mình quen cầu nguyện bằng đọc các kinh soạn sẵn. Những kinh nguyện đó, dù hay đến mấy, vẫn là lời kinh của con người, không thể sánh được với một kinh mà chính Chúa đặt ra, đó là kinh Lạy Cha (x. Lc 11, 1-4). Kinh này trở thành kinh căn bản và quen thuộc nhất của đạo ta, đọc hoài không chán. Các giáo hội ly khai đều đọc chung kinh này. Mỗi ngày, Giáo Hội nguyện kinh Lạy Cha ít là ba lần, trong thánh lễ và kinh phụng vụ sáng chiều. Nhiều gia đình còn đọc kinh này trước bữa ăn. 

Tâm nguyện và Chiêm nguyện: Người Công giáo ta thường chỉ quen cầu nguyện bằng đọc kinh. Hãy tập cầu nguyện trong thinh lặng, ít bằng lời (khẩu nguyện) để nhiều hơn bằng tâm hồn (tâm nguyện) và trí khôn (chiêm nguyện). Cầu nguyện như thế tránh được thói miệng thì đọc ra rả mà lòng thì phiêu diêu nơi đâu, không bị Chúa trách: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Is 29,13; Mc 7,6).

Hãy xem những vợ chồng già, cả ngày họ ít nói với nhau, nhưng sự hòa hợp giữa họ thì sâu sắc lắm. Hạnh phúc của họ lúc ấy là được ở bên nhau, nhìn thấy nhau, hai nên một rồi, lời nói trở nên thừa thãi!

+Gm. Anphong Nguyễn Hữu Long

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam