24/11/2024

ĐTC Phanxicô: Ước muốn là la bàn để phân định hướng đi của chúng ta

ĐTC Phanxicô: Ước muốn là la bàn để phân định hướng đi của chúng ta

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 12/10/2022, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về sự phân định, với yếu tố thứ ba không thể thiếu trong việc phân định; đó là ước muốn, niềm khao khát sâu xa về hạnh phúc và sự viên mãn hiện diện trong trái tim con người. Ngài cũng mời gọi các tín hữu xin Chúa giúp chúng ta biết ước muốn của Người dành cho cuộc đời chúng ta.

Đức Thánh Cha nói rằng theo truyền thống tu đức, ước muốn được xem là bằng chứng của nỗi khao khát bẩm sinh của chúng ta về Thiên Chúa, điều mà chỉ một mình Người có thể ban tặng. Ước muốn là một la bàn định hướng cuộc sống của chúng ta đến mục đích cuối cùng. Khi tìm kiếm Chúa và tin cậy vào những lời hứa của Người, chúng ta tìm thấy sức mạnh để kiên trì giữa những khó khăn, vui vẻ chấp nhận hy sinh, và cố gắng trong mọi sự để sống theo thánh ý Chúa.

Trong các Tin Mừng, Chúa Giêsu thường hỏi những ai xin phép lạ rằng họ xin Người điều gì, rằng họ có muốn được chữa lành không (ví dụ, Mc 10,51). Cuộc đối thoại của chúng ta với Chúa trong cầu nguyện giúp chúng ta nói rõ những ước muốn sâu xa nhất của chúng ta và để Nguời thực hiện những phép lạ về ân sủng và chữa lành trong cuộc sống của chúng ta. Ước muốn lớn nhất của Chúa Giêsu là làm cho chúng ta được chia sẻ sự sống thần linh của Người và giúp chúng ta có thể tìm thấy nơi Người hạnh phúc vĩnh cửu và sự viên mãn của chúng ta.

Đức Thánh Cha cũng mời gọi các tín hữu xin Chúa giúp chúng ta biết ước muốn của Người dành cho cuộc đời chúng ta.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong các bài giáo lý này về sự phân định, chúng ta đang xem xét các yếu tố của sự phân định. Sau việc cầu nguyện và hiểu biết chính mình, hôm nay tôi muốn nói về một “thành phần” khác không thể thiếu, đó là ước muốn. Thực tế, sự phân định là một hình thức tìm kiếm, và việc tìm kiếm luôn xuất phát từ những thứ chúng ta còn thiếu nhưng chúng ta lại biết chúng cách nào đó.

Ước muốn – dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta

Đây là loại hiểu biết nào? Các bậc thầy tu đức gọi nó bằng thuật ngữ “ước muốn”, là nỗi hoài mong về sự viên mãn không bao giờ có thể được lấp đầy trọn vẹn, và là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta. Ước muốn không phải là mong muốn nhất thời. Từ ngữ tiếng Ý, desiderio, bắt nguồn từ một thuật ngữ Latinh rất hay: de-sidus, nghĩa đen là “thiếu ngôi sao”; ước muốn là việc thiếu ngôi sao, thiếu điểm tham chiếu định hướng hành trình cuộc sống; nó khơi dậy sự đau khổ, thiếu thốn, đồng thời là sự cố gắng để vươn tới những điều tốt đẹp còn thiếu. Vì vậy, ước muốn là la bàn để hiểu tôi đang ở đâu và tôi sẽ đi đâu. Đúng hơn nó là chiếc la bàn để hiểu xem tôi dừng lại hay đang đi. Một người không bao giờ ước muốn có nghĩa đó là một người đứng yên, có lẽ bị bệnh, gần như đã chết. Nhưng làm thế nào để có thể nhận ra nó?

Ước muốn chân thành không bị dập tắt khi đối mặt với khó khăn

Một ước muốn chân thành biết cách chạm sâu vào các hợp âm của con người chúng ta, do đó nó không bị dập tắt khi đối mặt với khó khăn hoặc thất bại. Nó giống như khi chúng ta khát: nếu chúng ta không tìm thấy thứ gì để uống, chúng ta không bỏ cuộc; trái lại, việc tìm kiếm càng lúc càng chiếm trọn suy nghĩ và hành động của chúng ta, cho đến khi chúng ta sẵn sàng hy sinh bất cứ điều gì để xoa dịu nó. Những trở ngại và thất bại không làm thui chột ước muốn; trái lại, chúng càng làm cho nó sống động hơn trong chúng ta.

Ước muốn tồn tại theo thời gian

Không giống như ham muốn hay cảm xúc nhất thời, ước muốn tồn tại theo thời gian, thậm chí rất lâu và có xu hướng hiện thực hóa nó. Ví dụ, nếu một người trẻ muốn trở thành bác sĩ, họ sẽ phải bắt tay vào một quá trình học tập và làm việc, điều sẽ chiếm vài năm trong cuộc đời của họ, và do đó sẽ phải đặt ra các giới hạn, nói “không”, trước hết là với các môn học khác, nhưng cũng với sự phân tâm và mất tập trung có thể có, đặc biệt là trong những giai đoạn học tập căng thẳng nhất. Tuy nhiên, ước muốn đem lại cho cuộc sống một hướng đi và đạt được mục tiêu đó giúp họ vượt qua những khó khăn này. Ước muốn mang lại cho bạn sức mạnh, giúp bạn can đảm, luôn thúc đẩy bạn tiến bước bởi vì bạn muốn đạt được nó: “Tôi muốn điều đó.”

Trên thực tế, một giá trị trở nên đẹp và dễ đạt được hơn khi nó lôi cuốn. Như có người đã nói, “còn quan trọng hơn cả tốt là có ước muốn trở nên tốt”.

Học hiểu những gì chúng ta thực sự muốn

Điều đáng chú ý là, trước khi thực hiện một phép lạ, Chúa Giêsu thường hỏi người ta về ước muốn của họ: “Anh có muốn được chữa lành không?” Và đôi khi câu hỏi này có vẻ lạc lõng. Ví dụ, khi gặp người bại liệt tại hồ Betsaida, người đã ở đó nhiều năm và không bao giờ có thể xuống nước được đúng thời điểm, Chúa Giêsu hỏi ông: “Anh có muốn được khỏe lại không?” (Ga 5,6). Bằng cách nào? Trên thực tế, câu trả lời của người bại liệt cho thấy một loạt các kháng cự khó hiểu đối với việc được chữa lành, những điều không chỉ liên quan đến ông. Câu hỏi của Chúa Giêsu là một lời mời gọi làm sáng tỏ lòng của ông, chào đón một bước nhảy vọt có thể xảy ra: không còn coi bản thân và cuộc sống của mình “như một kẻ bại liệt”, được người khác khiêng đến. Nhưng người đàn ông nằm trên chõng dường như không tin vào điều này cho lắm. Khi đối thoại với Chúa, chúng ta học cách hiểu những gì chúng ta thực sự muốn từ cuộc sống của chúng ta.

Cẩn thận với những lời phàn nàn

Người bại liệt này là ví dụ điển hình của những người: “Vâng, vâng, tôi muốn tôi muốn tôi muốn” nhưng tôi không muốn, tôi không muốn, tôi không làm gì cả. Việc muốn làm trở thành một ảo tưởng và bạn không làm gì để thực hiện nó. Những người muốn và không muốn. Điều này thật tệ. Và người bệnh này đã 38 năm ở đó, nhưng luôn luôn có những lời phàn nàn: “Không, Ngài biết, khi nước chuyển động – đó là khoảnh khắc của phép lạ – Ngài biết đó, có người khoẻ hơn tôi đến và bước xuống hồ, và tôi đến trễ”, và ông ta rên rỉ và than vãn. Nhưng hãy cẩn thận bởi vì những lời phàn nàn là một thứ thuốc độc, một chất độc đối với tâm hồn, một chất độc đối với cuộc sống bởi vì chúng không làm cho bạn có ý muốn tiếp tục tiến bước. Hãy cẩn thận với những lời phàn nàn. Khi chúng ta phàn nàn trong gia đình, vợ chồng phàn nàn, người này phàn nàn người kia, cha con phàn nàn nhau, hay linh mục phàn nàn giám mục hay các giám mục phàn nàn nhau… Không, nếu bạn thấy mình phàn nàn, hãy cẩn thận, đó gần như là tội lỗi, bởi vì không để cho ước muốn lớn lên.

Ước muốn thực sự

Thông thường, chính ước muốn thực sự tạo nên sự khác biệt giữa một dự án thành công, nhất quán và lâu dài, với hàng ngàn ước muốn và ý định tốt, như người ta nói, “lát đường dẫn đến hoả ngục”. “Nghĩa là người ta có ý làm việc tốt nhưng chẳng bao giờ làm.” “Có, tôi muốn, tôi muốn”… nhưng bạn không làm gì cả. Thời đại mà chúng ta đang sống dường như ưu tiên quyền tự do lựa chọn tối đa, nhưng đồng thời cũng làm ước muốn bị giảm đi; bị giảm thành ham muốn nhất thời. Chúng ta bị tấn công bởi hàng ngàn đề xuất, dự án, khả năng, có nguy cơ khiến chúng ta mất tập trung và không cho phép chúng ta bình tĩnh đánh giá những gì chúng ta thực sự muốn.

Nhiều khi, rất nhiều lần, chúng ta thấy những người, ví dụ chúng ta nghĩ đến những người trẻ, với chiếc điện thoại di động trong tay và tìm kiếm, họ xem… “Nhưng bạn có dừng lại để suy nghĩ không?” – “Không”. Luôn hướng ngoại, hướng tới điều khác. Ước muốn không thể phát triển như thế này, bạn sống trong khoảnh khắc đó, được thoả mãn trong khoảnh khắc đó và ước muốn không phát triển.

Đau khổ bởi vì không biết mình muốn gì từ cuộc sống của mình

Nhiều người đau khổ bởi vì họ không biết họ muốn gì từ cuộc sống của mình; có lẽ họ chưa bao giờ chạm tới được mong muốn sâu xa nhất của họ. Do đó, có nguy cơ là cuộc sống của họ là những lần thử làm và những cách thế mưu mẹo khác nhau, không bao giờ đi đến đâu và lãng phí những cơ hội quý giá. Và do đó, dù trên lý thuyết họ ước muốn có một số thay đổi, nhưng khi có cơ hội thì lại không bao giờ thực hiện, thiếu ước muốn mạnh mẽ để thực hiện một việc.

Để Chúa thực hiện phép lạ cho chúng ta

Nếu hôm nay Chúa hỏi chúng ta câu hỏi mà Người đã hỏi người mù ở Giêricô: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (Mc 10,51), chúng ta sẽ trả lời như thế nào? Có lẽ cuối cùng chúng ta có thể yêu cầu Người giúp chúng ta biết ước muốn sâu xa nhất của Người, điều mà chính Thiên Chúa đã đặt trong lòng chúng ta: “Lạy Chúa, xin cho con biết những ước muốn của con, xin cho con là một người phụ nữ, một người đàn ông có nhiều ước muốn lớn lao”. Có lẽ Chúa sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để biến nó thành hiện thực. Đó là một ân sủng lớn lao, là nền tảng của tất cả những ân sủng khác: để cho Chúa, như trong Tin Mừng, thực hiện phép lạ cho chúng ta: “Lạy Chúa, xin cho chúng con ước muốn và xin làm cho nó lớn lên.”

Bởi vì Chúa cũng có một ước muốn lớn lao đối với chúng ta: làm cho chúng ta chia sẻ cuộc sống viên mãn của Người.

Hồng Thuỷ

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-10/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-phan-dinh-uoc-muon-la-ban.html