22/12/2024

70% quần thể động vật hoang dã bị xoá sổ trong 50 năm

70% quần thể động vật hoang dã bị xoá sổ trong 50 năm

Theo báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên và Hiệp hội Động vật học London, các hoạt động của con người đã khiến gần 70% quần thể động vật biến mất hoàn toàn từ năm 1970 đến nay.

 

 

Tờ The Guardian ngày 13.10 dẫn báo cáo The Living Planet 2022 (tạm dịch: Sự sống trên hành tinh) của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Hiệp hội Động vật học London (ZSL), cho biết các quần thể động vật hoang dã trên trái đất đã giảm trung bình 69% chỉ trong vòng 50 năm.

Đây là kết quả của việc con người tiếp tục phá rừng, tiêu thụ vượt quá năng lực cung cấp của hành tinh và gây ô nhiễm ở quy mô lớn.

 

Nhân loại đang tự đẩy mình vào cuộc đại tuyệt chủng thứ 6?

Báo cáo đã kết hợp phân tích 32.000 quần thể của 5.230 loài động vật để đo lường những thay đổi về sự đa dạng của động vật hoang dã trên khắp các lục địa. Nhiều nhà khoa học tin rằng nhân loại đang tự đẩy mình vào cuộc đại tuyệt chủng lần thứ sáu – sự sụt giảm mạnh nhất về số lượng sinh vật sống trên trái đất kể từ thời kỳ khủng long.

70% quần thể động vật hoang dã bị xóa sổ trong 50 năm - ảnh 1
Một con lừa bị cột bên cạnh khu vực đang bị cháy trong khuôn viên khu bảo tồn rừng nhiệt đới AmazonGETTY

Theo báo cáo, từ đại dương đến rừng mưa nhiệt đới, số lượng các loài chim, cá, động vật lưỡng cư và bò sát đang “rơi tự do”. Từ năm 1970 đến năm 2018, đa dạng sinh học trên thế giới đã giảm trung bình hơn 2/3. Ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe, bao gồm cả rừng mưa Amazon, đã trải qua ​​sự suy giảm mạnh nhất về quy mô quần thể động vật hoang dã, với mức giảm 94% trong 48 năm.

Bà Tanya Steel, Giám đốc điều hành WWF-Anh nói: “Báo cáo này cho chúng ta biết rằng sự sụt giảm tồi tệ nhất được ghi nhận ở khu vực Mỹ Latinh, nơi có rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, Amazon. Tỷ lệ phá rừng ở đó đang gia tăng, tước đi hệ sinh thái độc đáo không chỉ của cây cối mà còn của động vật hoang dã phụ thuộc vào chúng”.

Châu Phi ghi nhận mức giảm cao thứ hai với 66%, tiếp theo là châu Á và Thái Bình Dương với 55% và Bắc Mỹ là 20%. Châu Âu và Trung Á giảm 18%. Theo báo cáo, tổng thiệt hại tương tự như việc dân số châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Đại Dương và Trung Quốc biến mất.

89 tác giả của báo cáo kêu gọi các lãnh đạo thế giới ra một tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học COP15 sẽ diễn ra ở Canada vào tháng 12 năm nay. Các nhà lãnh đạo cũng được kỳ vọng sẽ thống nhất cắt giảm lượng khí thải carbon để hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống dưới 1,5 độ C trong thập niên này để ngăn chặn thiên tai.

Đâu là nguyên nhân?

Theo báo cáo, thay đổi mục đích sử dụng đất vẫn là nguyên nhân quan trọng nhất gây mất đa dạng sinh học trên khắp hành tinh.

Ông Mike Barrett, giám đốc điều hành khoa học và bảo tồn tại WWF-Anh, cho biết: “Ở cấp độ toàn cầu, chủ yếu sự suy giảm mà chúng ta đang thấy là do sự mất mát và phân mảnh của môi trường sống. Ngành nông nghiệp đã mở rộng và từ đó chuyển đổi các môi trường sống nguyên vẹn thành nơi để sản xuất thực phẩm”.

Các nhà nghiên cứu đã cho thấy những khó khăn ngày càng tăng mà động vật đang gặp phải khi di chuyển trên mặt đất khi đâu đâu cũng là cơ sở hạ tầng và đất canh tác. Chỉ có 37% các con sông dài hơn 1.000 km vẫn chảy tự do dọc theo toàn bộ chiều dài của chúng, trong khi chỉ 10% các khu bảo tồn trên thế giới được kết nối với nhau, theo báo cáo.

Các tác giả cho biết sự sụt giảm trong tương lai không phải là không thể tránh khỏi. Theo họ, những khu vực cần được bảo vệ hàng đầu bao gồm dãy Himalaya, Đông Nam Á, bờ biển phía đông của Úc, dãy núi Albertine Rift và Đông Arc ở miền đông châu Phi, và lưu vực sông Amazon.

Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đang phát triển một tiêu chuẩn để đo lường tiềm năng bảo tồn của một loài động vật nhằm giúp các nhà nghiên cứu vạch ra hướng phục hồi cho một số trong số một triệu loài bị đe dọa tuyệt chủng trên trái đất.

Theo nghiên cứu được IUCN công bố năm 2021, chim bồ câu hồng, chuột túi Lesueur và tê giác Sumatra được đánh giá là những loài có tiềm năng bảo tồn tốt.

Ông Robin Freeman, người đứng đầu bộ phận đánh giá tại ZSL, cho biết: “Rõ ràng nhân loại đang tự mình làm xói mòn nền tảng của sự sống, và cần phải có hành động khẩn cấp để ngăn tình trạng này”

 

KHÁNH NHƯ

TNO