23/12/2024

5 – 6% dân số có rối loạn trầm cảm, lo âu

5 – 6% dân số có rối loạn trầm cảm, lo âu

Theo Bộ Y tế, ai cũng có thể mắc rối loạn tâm thần, ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời.

 

 

 

Tại VN, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, tương đương gần 15 triệu người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, đa số người dân cho rằng rối loạn tâm thần là tâm thần phân liệt.

Thực tế tỷ lệ tâm thần phân liệt là 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao, tới 5 – 6% dân số; còn lại là các rối loạn tâm thần khác như: rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác…

Ở trẻ em, khoảng 12% có các vấn đề sức khỏe tâm thần, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

5 - 6% dân số có rối loạn trầm cảm, lo âu - ảnh 1
Đừng ngại đề nghị sự trợ giúp, sẻ chia từ người thân, bạn bè khi bản thân có vấn đề SHUTTERSTOCK

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 – 2025 với mục tiêu tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác… Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang xây dựng đề án “Tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần” để trình Chính phủ phê duyệt làm cơ sở triển khai công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trong giai đoạn sắp tới.

 

Khoảng 50% các rối loạn tâm thần bắt đầu từ năm 14 tuổi

Thông tin từ chuyên gia của Phòng Kiểm soát dịch bệnh và y tế khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN, năm 2019, WHO ước tính cứ 8 người thì có 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần. Ở các nước có thu nhập thấp, hơn 75% rối loạn tâm thần không được điều trị. Hằng năm, gần 3 triệu người chết do lạm dụng chất kích thích. Cứ sau 40 giây lại có một người chết do tự sát. Khoảng 50% các rối loạn tâm thần bắt đầu từ năm 14 tuổi.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần trên toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng ngắn hạn, dài hạn và phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người. Năm 2020, số người sống chung với rối loạn lo âu và trầm cảm đã tăng lên đáng kể do đại dịch Covid-19 với ước tính khoảng hơn 25% trong năm đầu tiên của đại dịch, và làm dấy lên lo ngại về tình trạng gia tăng các ca tự tử.

Trong khi các dịch vụ phòng ngừa và điều trị hiệu quả sẵn có, nhưng nhiều người bị rối loạn tâm thần không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc hiệu quả, làm gia tăng khoảng trống điều trị cho các vấn đề về tâm thần. Chỉ có khoảng 29% số người bị rối loạn tâm thần và chỉ hơn 30% số người bị trầm cảm được chăm sóc sức khỏe tâm thần chính thức.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chia sẻ: Mỗi người dân cần tăng cường nhận thức về sức khỏe tâm thần để tự chăm sóc cho mình, cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Tuyệt đối không kỳ thị, không phân biệt với người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, bởi mỗi chúng ta đều có thể có những rối loạn tâm thần nhất định, có như vậy thì việc điều trị mới đạt được những hiệu quả khả quan. Bên cạnh đó, mọi người cần thực hiện lối sống lành mạnh, có chế độ làm việc, học tập, vận động và nghỉ ngơi phù hợp, tự theo dõi sức khỏe, lắng nghe bản thân và có những sẻ chia với mọi người xung quanh.

 

10 hành động để nâng cao sức khỏe tâm thần

* Nhận ra và chia sẻ về cảm xúc của bản thân;

* Tăng cường hoạt động thể chất;

* Ăn uống lành mạnh;

* Nghỉ ngơi đầy đủ;

* Sử dụng đồ uống hợp lý;

* Giữ liên lạc với người xung quanh;

* Làm những công việc mà mình có khả năng;

* Chấp nhận bản thân dù bạn là ai;

* Đề nghị sự trợ giúp khi cần;

* Quan tâm đến những người khác.

(Nguồn: Bộ Y tế)

LIÊN CHÂU

TNO