22/01/2025

Chèo SUP vớt rác, giữ ‘màu xanh’ cho môi trường nước

Chèo SUP vớt rác, giữ ‘màu xanh’ cho môi trường nước

Sự kết hợp giữa chơi thể thao dưới nước và nhặt rác trên mặt sông của câu lạc bộ “SUP MỆT” (CLB “SUP MỆT”) là trải nghiệm rất thú vị, thu hút sự quan tâm của cộng đồng những người sống xanh vì môi trường.

 

 

Lênh đênh trên ván, vớt rác trên sông

Trong những năm gần đây, môn thể thao dưới nước trở nên phổ biến và thu hút được nhiều người tham gia, nhất là giới trẻ. Không những thế, họ còn sáng tạo, phát triển được nhiều ý tưởng nhân văn, thấm đẫm giá trị cộng đồng từ môn thể thao này.

Chèo SUP vớt rác, giữ ‘màu xanh’ cho môi trường nước - ảnh 1
Thành viên CLB “SUP MỆT” xuống sông, chèo SUP nhặt rác, bảo vệ môi trường nước cho dòng sông Rạch Chiếc  HP

CLB “SUP MỆT” là nơi hội tụ những người cùng đam mê thể thao dưới nước; cùng có ý thức bảo vệ môi trường, họ đã tiên phong tham gia hoạt động nhặt rác trên khúc sông Rạch Chiếc thuộc TP.Thủ Đức.

Anh Trương Sanh Cường, người sáng lập CLB “SUP MỆT” chia sẻ: “Xuất phát từ đam mê chơi thể thao dưới nước, cụ thể là chèo SUP, nên tôi nhận thấy rất rõ tình trạng ô nhiễm của các dòng sông. Chèo SUP chứng kiến mọi người đứng trên bờ thản nhiên vứt rác xuống sông, mất cảnh quan, khiến tôi rất khó chịu và quyết định rủ anh em thực hiện hoạt động nhặt rác”.

Hiện tại CLB “SUP MỆT” có hơn 20 thành viên, cùng với những người dân sẽ chèo SUP và thực hiện nhặt rác trên sông Rạch Chiếc vào thứ bảy hằng tuầnTất cả người tham gia đến đây sẽ được hướng dẫn và trải nghiệm chèo SUP miễn phí, an toàn.

Chèo SUP vớt rác, giữ ‘màu xanh’ cho môi trường nước - ảnh 2
Người tham gia được trang bị đầy đủ thiết bị an toàn khi xuống sông  HP

Về công tác đảm bảo an toàn, khi nhặt rác đi trên SUP, mỗi người được trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn theo quy định của bộ môn thể thao này như: áo phao, dây chân… Nếu như những người lần đầu tiếp xúc với SUP thì phải tuân theo hướng dẫn chèo và kỹ năng an toàn trước khi tham gia chèo SUP.

Mặc dù thời gian đầu khi thực hiện hoạt động này, người dân quanh khu vực sông không quan tâm, họ lấy điện thoại ra quay phim, chụp hình. Thậm chí còn bị cho là “khùng”. Nhưng các thành viên của CLB “SUP MỆT” vẫn cứ nhặt rác đều đặn hằng tuần và không quan tâm đến những điều tiếng đó. Đến hiện tại, lượng rác ở khúc sông Rạch Chiếc giảm thiểu đáng kể, CLB vừa bảo vệ được môi trường nước, vừa có sân bãi đẹp để chơi thể thao.

“Em biết đến và tham gia CLB nhờ hoạt động chèo SUP nhặt rác. Em thấy hoạt động này rất ý nghĩa, vừa tạo ra sân chơi thể thao rèn luyện sức khỏe, vừa góp công bảo vệ môi trường. Mỗi ngày đến sông gặp được mọi người, với em là một ngày vui và tràn đầy năng lượng”, bạn Phan Hằng, thành viên CLB “SUP MỆT” hào hứng nói.

Chèo SUP vớt rác, giữ ‘màu xanh’ cho môi trường nước - ảnh 3
Tâm trạng phấn khởi khi thu về nhiều “chiến lợi phẩm” sau buổi chèo SUP nhặt rác  HP

Anh Dương Quang Lợi, thành viên trong cộng đồng bảo vệ môi trường chia sẻ: “Hành động chèo SUP nhặt rác rất sáng tạo, bổ ích, quý phụ huynh có thể tham gia cùng con để vui chơi cuối tuần và giáo dục ý thức cho con trẻ. Ngoài ra hành động còn có tác động trực tiếp đến những người xả rác quanh sông”.

 

Không chỉ là thu gom rác…

Trao đổi với Thanh Niên, bạn Phan Hằng cho biết, đầu tiên CLB suy nghĩ hành động nhặt rác sẽ là hình thức giáo dục tốt nhất những người sống trên bờ hay sống gần đó dừng việc xả rác xuống sông. Còn với rác đã nhặt lên thì sẽ phân loại và thu gom, vận chuyển ra bãi rác để công ty môi trường xử lý.

Chèo SUP vớt rác, giữ ‘màu xanh’ cho môi trường nước - ảnh 4
Niềm vui của thành viên CLB “SUP MỆT” là được xuống sông cùng nhau  HP

Nhưng để tốt cho môi trường hơn, sau một thời gian hoạt động, các thành viên đã cùng lên ý tưởng phân loại, xử lý rác sau khi nhặt bằng cách tái chế, tăng vòng đời cho rác bằng các sản phẩm thiết thực. Một trong những cách tái chế phù hợp nhất đó là làm gạch sinh thái. Vì khi phân loại rác, mọi người đều nhận thấy rác thải chủ yếu là chai nhựa, túi ni lông.

Đặc biệt để đảm bảo người chơi không xả rác xuống sông, tất cả bình nước, vật dụng CLB “SUP MỆT” đều là những bình thủy tinh hoặc các chất liệu có thể sử dụng nhiều lần. Người chơi sau khi quay về bến phải trả đủ số đồ mà mình đã mượn, nếu vỡ hoặc xả xuống sông thì phải nộp lại khoản phí rất cao. Phí này là phí đền bù sản phẩm nhưng cũng là phí trả cho môi trường.

Chèo SUP vớt rác, giữ ‘màu xanh’ cho môi trường nước - ảnh 5
Phụ huynh và trẻ em cùng hưởng ứng tham gia nhặt rác  HP

Thông qua hành động nhặt rác đầy ý nghĩa, CLB “SUP MỆT” muốn lan tỏa thông điệp đến mọi người hãy bảo vệ môi trường sống của mình. Mọi người hãy đi ra với môi trường nhiều hơn, đi để cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên, từ đó mỗi người sẽ tự có ý thức bảo vệ hơn. Chúng ta phải thấy được thiên nhiên đã đem lại cho mình những giá trị gì và phải biết hành động xả rác của con người sẽ ảnh hưởng như thế nào thì lúc đó chúng ta mới coi trọng và bảo vệ thiên nhiên.

“Trong thời gian tới chúng tôi sẽ hợp tác với nhiều tổ chức để phát triển thêm nhiều hành động, có thêm nhiều phương pháp cải tiến hơn để bảo vệ môi trường nước. Bởi mới chỉ là “một cánh én nhỏ” nên chúng tôi cần sự đồng lòng, chung tay của mọi người để làm nên mùa xuân”, anh Trương Sanh Cường, người sáng lập CLB “SUP MỆT” bật mí.

THẢO VÂN

TNO