22/12/2024

ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Các yếu tố của biện phân, biết mình qua việc xét mình

Việc cầu nguyện và biết mình cho phép chúng ta phát triển trong tự do. Đây là để phát triển trong tự do! Chúng là những yếu tố căn bản của hiện sinh Kitô hữu, những yếu tố quý giá để tìm kiếm vị trí của ta trong cuộc sống.

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG

Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô
Thứ Tư, 5 tháng 10 năm 2022

____________________________

Loạt Bài Giáo lý Về Sự Biện phân
Bài 4. Các yếu tố của biện phân: Biết mình qua việc xét mình

 

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Chúng ta hãy tiếp tục khám phá chủ đề biện phân. Lần trước, chúng ta xem xét việc cầu nguyện, hiểu như sự thân thuộc và tin cậy với Thiên Chúa, coi nó như yếu tố không thể thiếu. Cầu nguyện, không giống như con vẹt. Không: cầu nguyện như sự thân thuộc và tin tưởng với Chúa; lời cầu nguyện của con cái Chúa Cha; cầu nguyện với một trái tim rộng mở. Chúng ta đã thấy điều này trong Bài Giáo lý vừa rồi. Hôm nay, một cách gần như bổ sung, tôi muốn nhấn mạnh điều này: sự biện phân tốt cũng đòi hỏi phải biết mình. Phải biết mình. Và điều này không phải dễ dàng đâu nhé! Thật vậy, nó liên quan đến các khả năng của con người chúng ta: trí nhớ, trí hiểu, ý chí, xúc cảm. Thông thường, chúng ta không biết cách biện phân vì chúng ta không hiểu rõ bản thân mình cho đầy đủ, và vì vậy chúng ta không biết mình thực sự muốn gì. Anh chị em đã nhiều lần nghe: “Nhưng người đó, tại sao anh ta không sắp xếp cuộc sống của mình? Anh ta chưa bao giờ biết mình muốn gì…”. Có những người… Và rồi, vâng, cuộc sống của anh ấy vẫn như vậy, bởi vì ngay cả anh ấy cũng không biết mình muốn gì. Không đến nỗi quá đáng như thế, nhưng chúng ta đôi khi cũng không biết rõ ràng chúng ta muốn gì, chúng ta không hiểu rõ bản thân mình.

Nằm bên dưới các nghi ngờ thiêng liêng và những khủng hoảng ơn gọi, thường có cuộc đối thoại không đầy đủ giữa đời sống tôn giáo và chiều kích nhân bản, nhận thức và tình cảm của chúng ta. Một nhà văn về linh đạo đã nhận xét rằng có biết bao nhiêu khó khăn về chủ đề biện phân cho ta thấy nhiều vấn đề thuộc loại khác, cần được nhìn nhận và khám phá. Tác giả này viết: “Tôi tin chắc rằng trở ngại lớn nhất đối với việc biện phân đích thực (và sự trưởng thành thực sự trong cầu nguyện) không phải là bản chất vô hình của Thiên Chúa, mà là sự kiện này: chúng ta không biết mình đầy đủ, và thậm chí không muốn biết bản thân như chúng ta thực sự là. Hầu như tất cả chúng ta đều trốn sau một chiếc mặt nạ, không những trước mặt người khác, mà còn là lúc soi gương ”(Th. Green, Weeds Among the Wheat, 1992). Tất cả chúng ta đều bị cám dỗ muốn đeo mặt nạ, cả trước mặt chính mình.

Việc quên đi sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta đi đôi với sự thiếu hiểu biết về bản thân – phớt lờ Thiên Chúa và phớt lờ bản thân – không biết các đặc điểm của nhân cách và những ước muốn sâu xa nhất của chúng ta.

Biết bản thân không khó, nhưng cần nhiều công sức: nó ngụ ý sự kiên nhẫn tự vấn lương tâm. Nó đòi hỏi khả năng dừng lại, “tắt máy lái tự động”, để ý thức được cách hành động của chúng ta, các tâm tư có trong chúng ta, các suy nghĩ lặp đi lặp lại qui định chúng ta, và một cách thường vô thức. Nó cũng đòi hỏi chúng ta phải phân biệt giữa cảm xúc và các khả năng thiêng liêng. “Tôi cảm thấy” không y hệt như “Tôi tin chắc”; “Tôi cảm thấy như” không y hệt như “Tôi muốn”. Do đó, chúng ta nhận ra rằng cái nhìn của chúng ta về bản thân và thực tại đôi khi hơi bị bóp méo. Để nhận ra đây là một ân sủng! Thật vậy, rất thường xảy ra việc các xác tín sai lầm về thực tại, dựa trên kinh nghiệm quá khứ, ảnh hưởng mạnh mẽ đến chúng ta, hạn chế quyền tự do của chúng ta trong việc phấn đấu cho những gì thực sự quan trọng trong cuộc sống của chúng ta.

Sống trong thời đại kỹ thuật thông tin, chúng ta biết mật khẩu quan trọng như thế nào để vào được các chương trình lưu trữ thông tin bản thân và giá trị nhất. Nhưng đời sống thiêng liêng cũng vậy, có những “mật khẩu” của nó: có những chữ đánh động trái tim bởi vì chúng đề cập đến những gì chúng ta nhạy cảm nhất. Kẻ cám dỗ, tức là ma quỷ, biết rất rõ những mật khẩu này, và điều quan trọng là chúng ta cũng biết chúng, để không rơi vào nơi chúng ta không muốn. Cám dỗ không nhất thiết gợi ra những điều tồi tệ, nhưng thường là những điều bừa bãi lung tung, được trình bày với tầm quan trọng quá mức. Bằng cách này, nó thôi miên chúng ta với sự lôi cuốn mà những điều này khuấy động trong chúng ta, những thứ đẹp đẽ nhưng hư ảo, không thể mang lại những gì chúng hứa hẹn, và do đó cuối cùng để lại cho chúng ta cảm giác trống rỗng và buồn bã. Cảm giác trống rỗng và buồn bã đó là dấu hiệu cho thấy chúng ta đã đi vào một con đường không đúng, khiến chúng ta mất phương hướng. Thí dụ, chúng có thể là bằng cấp, sự nghiệp, các mối liên hệ, tất cả những thứ mà tự chúng rất đáng khen ngợi, nhưng đối với những điều đó, nếu chúng ta không được tự do, chúng ta có nguy cơ nuôi dưỡng những kỳ vọng không thực tế, chẳng hạn như để xác nhận giá trị của chúng ta. Thí dụ, khi anh chị nghĩ về một nghiên cứu mà anh chị em đang thực hiện, anh chị em chỉ nghĩ đến việc quảng bá bản thân, vì lợi ích của riêng anh chị em hay phục vụ cộng đồng? Ở đó, người ta có thể thấy được ý hướng của mỗi người chúng ta. Từ sự hiểu lầm này thường phát xuất nỗi đau khổ lớn nhất, vì không điều nào trong số này có thể bảo đảm phẩm giá của chúng ta.

Anh chị em thân mến, đó là lý do tại sao, điều quan trọng là phải tự biết mình, biết mật khẩu của trái tim mình, những gì chúng ta nhạy cảm nhất, để bảo vệ mình khỏi những kẻ bày ra những lời lẽ thuyết phục nhằm thao túng chúng ta, nhưng cũng để nhận ra điều gì thực sự quan trọng đối với chúng ta, phân biệt nó với những mốt nhất thời hiện nay hay những khẩu hiệu hào nhoáng, hời hợt. Nhiều khi, những gì được nói trong một chương trình truyền hình, trong một số quảng cáo đánh động trái tim của chúng ta và khiến chúng ta đi theo con đường đó mà không có tự do. Anh chị em hãy cẩn thận về điều đó: tôi có tự do không, hay tôi để mình bị lung lay bởi những cảm xúc của thời điểm này, hay sự khiêu khích của thời điểm này?

Một trợ cụ trong việc này là xét mình, nhưng tôi không nói về việc xét mình mà tất cả chúng ta đều làm khi đi xưng tội, không. Đây là: “Nhưng tôi đã phạm tội về điều này, điều nọ…”. Không. Một cuộc kiểm tra tổng quát về lương tâm trong ngày: điều gì đã xảy ra trong lòng tôi hôm nay? “Rất nhiều điều đã xảy ra…”. Điều nào? Tại sao? Chúng đã để lại dấu vết gì trong trái tim tôi? Thực hiện việc xét mình, nghĩa là, thói quen tốt lành bình tĩnh đọc lại những gì xảy ra trong ngày của chúng ta, học cách ghi nhận trong các đánh giá và lựa chọn của chúng ta điều gì chúng ta cho là quan trọng nhất, chúng ta đang tìm kiếm những gì và tại sao, và cuối cùng chúng ta tìm thấy những gì. Trên hết, học cách nhận ra điều gì làm thỏa mãn trái tim. Điều gì làm thỏa mãn trái tim tôi? Vì chỉ có Chúa mới có thể xác nhận giá trị của chúng ta. Người nói với chúng ta điều này mỗi ngày từ thập giá: Người đã chết vì chúng ta, để chúng ta thấy chúng ta quý giá như thế nào trong mắt Người. Không có trở ngại hay thất bại nào có thể ngăn cản vòng tay âu yếm của Người. Việc xét mình giúp ích rất nhiều, bởi vì nhờ cách này, chúng ta thấy trái tim của chúng ta không phải là một con đường trên đó mọi thứ diễn ra mà chúng ta không biết về nó. Không. Phải thấy: điều gì đã xẩy ra ngày hôm nay? Chuyện gì đã xảy ra? Điều gì đã khiến tôi phản ứng? Điều gì đã làm tôi buồn? Điều gì đã làm tôi vui mừng? Điều gì xấu, và tôi có làm hại người khác không? Nhìn thấy lộ trình được cảm xúc của chúng ta lựa chọn, những thu hút trong trái tim tôi trong ngày. Anh chị em đừng quên! Hôm trước chúng ta đã nói về việc cầu nguyện; hôm nay chúng ta nói về việc tự nhận thức chính mình.

Việc cầu nguyện và biết mình cho phép chúng ta phát triển trong tự do. Đây là để phát triển trong tự do! Chúng là những yếu tố căn bản của hiện sinh Kitô hữu, những yếu tố quý giá để tìm kiếm vị trí của ta trong cuộc sống. Cảm ơn anh chị em.

Bản dịch Việt ngữ: Vũ Văn An
Nguồn: http://www.vietcatholicnews.org/