18/11/2024

Bao bì phân huỷ sinh học, có thể tái chế hay ăn được… là xu hướng tiêu dùng mới

Bao bì phân huỷ sinh học, có thể tái chế hay ăn được… là xu hướng tiêu dùng mới

Mua sắm trực tuyến gia tăng đang tạo ra và mở rộng các hướng đi mới về nhu cầu đóng gói, đặc biệt là đối với bao bì bảo vệ và vận chuyển bền vững.

Bao bì phân hủy sinh học, có thể tái chế hay ăn được... là xu hướng tiêu dùng mới - Ảnh 1.

Mua sắm trực tuyến đang thay đổi ngành bao bì đáng kể – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khảo sát do Vietnam Report thực hiện tháng 9-2022 về thị trường bao bì Việt Nam công bố ngày 4-10 đã ghi nhận sự bùng nổ của thương mại điện tử và thói quen mua sắm trực tuyến đang thay đổi ngành công nghiệp bao bì.

Đại dịch COVID-19 buộc mọi người trong nhà khiến cho việc đóng gói trong mua sắm trực tuyến tạo ra thách thức nghiêm trọng liên quan đến rác thải từ bao bì. Sự thay đổi này cũng đặt ngành bao bì phải có những giải pháp thay thế.

Theo đó, các bao bì được tập trung thiết kế riêng cho phù hợp với từng sản phẩm để đạt hiệu quả trong chuỗi cung ứng và để mở hộp tại nhà thay vì để xuất hiện trên các kệ bán lẻ.

Trong vài năm tới, bao bì đóng gói sẵn sàng cho tàu biển có thể sẽ trở thành bắt buộc đối với các nhãn hàng để quản lý áp lực chi phí và tính bền vững. Những gã khổng lồ thương mại điện tử cũng như một số quốc gia đang nhanh chóng áp dụng các tiêu chuẩn để mở rộng quy mô sử dụng loại bao bì này.

Dưới tác động của hai xu hướng lớn đó, ngành công nghiệp bao bì Việt Nam bắt buộc tìm kiếm các giải pháp thông minh và bền vững để làm cho bao bì sản phẩm trở nên thân thiện hơn với người tiêu dùng, thương hiệu và môi trường.

Những xu hướng đang được đề cập như Internet bao bì, bao bì phân hủy sinh học, bao bì in kỹ thuật số, bao bì tự động hóa đóng gói, bao bì hoạt hóa, bao bì theo yêu cầu, bao bì có thể tái chế, bao bì ăn được, bao bì in 3D và bao bì công nghệ nano.

“Giải pháp chính của ngành công nghiệp bao bì hiện nay cho phép đóng gói thông minh, đồng thời, việc triển khai công nghệ in 3D và đóng gói bằng robot giúp đơn giản hóa quy trình đóng gói, giảm chi phí cho các công ty tiêu dùng”, các chuyên gia gợi ý trong khảo sát.

Không chỉ gặp thách thức trong chuyển đổi sản xuất, theo khảo sát của Vietnam Report, 100% doanh nghiệp Việt Nam cho biết đang chịu áp lực tăng giá các yếu tố đầu vào. Phần lớn các doanh nghiệp cho rằng áp lực này còn kéo dài tới cuối năm 2023 (43%). Đặc thù ngành bao bì phải nhập khẩu 80 – 90% nguyên liệu đầu vào phụ thuộc giá dầu, khí thiên nhiên, than đá trên thế giới.

Gần 86% số doanh nghiệp ngành bao bì Việt Nam cho biết suy thoái kinh tế toàn cầu là thách thức của họ. Do độ mở kinh tế của Việt Nam khá lớn, hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là châu Âu và Mỹ đang có nguy cơ rơi vào suy thoái, dẫn đến cắt giảm nhập khẩu hàng hóa.

Với các thực tế hiện nay, lợi nhuận của ngành có thể tăng trưởng thấp hơn so với doanh thu trong năm 2022.

Hiện tăng trưởng bình quân của ngành bao bì Việt Nam được dự báo trên 13%/năm, trong đó bao bì đóng gói cho ngành thực phẩm luôn đạt mức tăng trưởng bình quân 15 – 20%, riêng bao bì nhựa đã đạt mức tăng trưởng 25%. Thị trường bao bì giấy Việt Nam dự kiến sẽ đạt trên 3,1 tỉ USD vào năm 2027.

Doanh nghiệp bao bì Việt – phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang bị lấn lướt trong cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài mạnh về vốn, công nghệ, năng lực quản trị và cả mối quan hệ với các đối tác lớn.

N.BÌNH