Chúa Nhật 02.10.2022
“Hãy Siêng Năng Lần Hạt!”
Thế giới hôm nay đang bị xâu xé vì bạo lực, chiến tranh, suy thoái kinh tế và suy đồi đạo đức. Chúng ta hãy đọc Kinh Mân Côi, xin Chúa và Đức Mẹ ban cho thế giới được an bình.
Chúa Nhật Tuần XXVII – Mùa Thường Niên
Kb 1,2-3; 2,2-4 • Tv 94,1-2.6-7a.7b-9 (Đ. c.7b.8a) • 2 Tm 1,6-8.13-14 • Lc 17,5-10
Lời Chúa
Chúa Nhật Tuần XXVII – Mùa Thường Niên
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Luca
5 Khi ấy, các Tông Đồ thưa với Chúa Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” 6 Chúa đáp: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em.
7 “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: ‘Mau vào ăn cơm đi’, 8 chứ không bảo: ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!’? 9 Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? 10 Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)
Kính trọng thể lễ Đức Mẹ Mân Côi
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Luca
26 Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
30 Sứ thần liền nói : “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần : “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng ?”
35 Sứ thần đáp : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà ; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37 vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)
Suy niệm
“Hãy Siêng Năng Lần Hạt!”
Truyền thống Công giáo gắn liền tràng hạt Mân Côi với thánh Đaminh (1170 – 1221). Vào thế kỷ thứ XIII, trước sự nhiễu loạn do giáo phái Carthars, là giáo phái chủ trương nhiều điều ngược với giáo huấn truyền thống, thánh Đaminh đã cầu nguyện với Đức Mẹ. Đức Trinh Nữ đã hiện ra với ngài vào năm 1208, với lời hứa: nếu các tín hữu siêng năng lần hạt, Giáo Hội sẽ trở lại an bình. Thánh nhân đã tuân theo lệnh truyền của Đức Mẹ, nhiệt thành cổ võ phong trào lần hạt Mân Côi. Và, Giáo Hội đã trở lại an bình. Kinh Mân Côi bao gồm 150 kinh Kính Mừng, tương ứng với 150 thánh vịnh mà các linh mục và tu sĩ vẫn đọc hằng ngày. Vì vậy, Kinh Mân Côi cũng được gọi là “Thánh ca về Đức Maria”. Sau này, thánh Gioan Phaolô II đã bổ sung năm Mầu nhiệm Sáng, làm thành chuỗi 200 hạt.
Mặc dù lời chào “Kính mừng Maria” được lặp đi lặp lại nhiều lần, Kinh Mân Côi trước hết là những suy niệm Phúc Âm. Đức Phaolô VI trong Tông huấn Marialis Cultus đã gọi Kinh Mân Côi là “cuốn Phúc Âm rút gọn”. Kinh Mân Côi giúp ta chiêm ngắm Chúa Giêsu trong các biến cố vui buồn của đời Người trên dương thế. Khi đọc Kinh Mân Côi, chúng ta lần từng bước trên hành trình theo Đức Giêsu. Mỗi kinh Kính Mừng, miệng đọc, trí suy tay lần hạt, chúng ta tiến dần tới sự hoàn thiện, tức là nên giống Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ chúng ta.
“Hãy siêng năng lần hạt!”. Đó là lời mời gọi của Đức Trinh Nữ, khi hiện ra tại La Vang (1798), tại Lộ Đức (1858) và tại Fatima (1917). Tràng hạt Mân Côi đơn sơ là thế, mà lại có sức mạnh vô song. Hình ảnh các thánh tử đạo Việt Nam trên đường ra pháp trường, mặc dù bị gông cùm xiềng xích, tay vẫn cầm tràng hạt, vẻ mặt thanh thản, miệng không ngớt “Kính mừng Maria” cho ta thấy sức mạnh của Kinh Mân Côi thật kỳ diệu.
“Hãy siêng năng lần hạt!”. Đó là lời mời gọi của Giáo Hội. Thánh Gioan Phaolô II, ngay trong tuần lễ sau khi đắc cử Giáo hoàng, đã nói với tất cả tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô khi đọc Kinh Truyền Tin rằng: “Chuỗi Mân Côi là lời cầu nguyện mà tôi yêu thích nhất. Đó là lời kinh tuyệt vời. Tuyệt vời trong sự đơn giản và sâu sắc.”
“Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử. Amen.” Thế giới hôm nay đang bị xâu xé vì bạo lực, chiến tranh, suy thoái kinh tế và suy đồi đạo đức. Chúng ta hãy đọc Kinh Mân Côi, xin Chúa và Đức Mẹ ban cho thế giới được an bình.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam