Nạo vét cửa sông Hậu cần tính kỹ để đạt hiệu quả lâu dài
Nạo vét cửa sông Hậu cần tính kỹ để đạt hiệu quả lâu dài
Dự án nạo vét cửa sông Hậu khơi thông luồng Định An – Cần Thơ có ý nghĩa quan trọng với ĐBSCL nhưng cần nghiên cứu kỹ để đạt hiệu quả lâu dài, hạn chế sạt lở, xâm nhập mặn, giảm thiểu rủi ro môi trường.
Ngày 30.9, tại TP.Cần Thơ, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị về dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ. Đây là một trong ba tuyến luồng hàng hải vào các cảng trên sông Hậu rất quan trọng của ĐBSCL với chiều dài hơn 121km; trong đó, đoạn từ phao số “0” đến phao số “14” có diễn biến phức tạp thường xuyên thay đổi, hàng năm đều phải nạo vét duy tu và dịch chuyển phao để chạy tàu.
Nạo vét cửa sông Hậu khơi thông luồng Định An – Cần Thơ cần nghiên cứu kỹ để đạt hiệu quả lâu dài, giảm thiểu rủi ro môi trường ĐÌNH TUYỂN |
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho rằng, chính hạn chế của luồng hàng hải Định An – Cần Thơ là điểm nghẽn cho sự phát triển của hệ thống cảng biển Cần Thơ và cả ĐBSCL. Để giải quyết khó khăn trên, trước đây, Bộ GTVT đã triển khai lập dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu trọng tải lớn vào các cảng trên sông Hậu qua tuyến kênh tắt Quan Chánh Bố – sông Hậu. Giai đoạn 1 đưa vào khai thác từ năm 2017, đáp ứng cho tàu 10.000 tấn đầy tải ra vào. Nhưng đến nay, do nhiều yếu tố như vị trí đổ thải vật chất nạo vét từ việc duy tu luồng, xói lở bờ, bồi lắng… đã khiến việc nạo vét, duy tu không đạt được độ sâu như thiết kế.
Theo đơn vị tư vấn phương để tàu có tải trọng 10.000 tấn lưu thông vào sông Hậu sẽ phải nạo vét luồng có bề rộng 200m, độ sâu -6,5 ĐÌNH TUYỂN |
Để giải quyết “nút thắt” hàng hải trên, tháng 1.2022 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 45 về thông qua một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho TP.Cần Thơ; trong đó có công tác nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ theo phương thức xã hội hóa. Việc nạo vét này phải đáp ứng các điều kiện, bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên và có cơ chế tài chính hỗ trợ cho doanh nghiệp. Trên cơ sở này, Bộ GTVT đã giao đơn vị tư vấn lập nghiên cứu, đánh giá bổ sung phương án nạo vét cho tàu có trọng tải 10.000 tấn trên tuyến luồng hàng hải.
Hiện trạng luồng Định An – sông Hậu đoạn từ phao số 0 đến phao 25 ĐÌNH TUYỂN |
Theo tính toán của đơn vị tư vấn, với phương án nạo vét luồng cho tàu có tải trọng 5.000 tấn đi vào sông Hậu thì phải nạo vét với bề rộng luồng 200m, độ sâu -4,0m. Còn phương án nạo vét cho tàu có tải trọng 10.000 tấn lưu thông, thì phải nạo vét bề rộng 200m, độ sâu -6,5. Trong đó phương án nạo vét cho tàu 10.000 tấn lưu thông, có thể tận thu vật liệu nạo vét nếu kết hợp giải pháp nạo vét bể chứa bồi phù sa, bố trí thêm các tuyến đê ngầm giảm sóng, góp phần ổn định luồng, kéo dài thời gian duy trì độ sâu luồng tàu.
Tuy nhiên, tại hội nghị, nhiều chuyên gia hàng hải cho rằng đây là một dự án lớn, cần phải được khảo sát, nghiên cứu một cách toàn diện, kỹ lưỡng để đạt được hiệu quả dài lâu, đặc biệt là hạn chế được tình trạng sạt lở, xâm nhập mặn, giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng đến sinh thái môi trường.
Để sớm xúc tiến dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đã giao cho Cục Hàng hải Việt Nam cùng các Cục, Vụ chuyên môn của Bộ phối hợp với TP.Cần Thơ khẩn trương hoàn chỉnh báo cáo để lấy ý kiến các địa phương trong tháng 10.2022. Đồng thời đề nghị các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh… hỗ trợ, phối hợp TP.Cần Thơ và Bộ GTVT hoàn chỉnh nghiên cứu sâu cho dự án nạo vét cửa sông Hậu.
ĐÌNH TUYỂN
TNO