27/12/2024

Nhiều người trở lại Công giáo sau chuyến viếng thăm của ĐTC tới Kazakhstan

Nhiều người trở lại Công giáo sau chuyến viếng thăm của ĐTC tới Kazakhstan

Đức cha José Luis Mumbiela Sierra, Giám mục Giáo phận Chúa Ba Ngôi ở Almaty và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Trung Á, cho biết: “Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Kazakhstan vượt quá sự mong đợi của chúng tôi, một bước quyết định cho cuộc đối thoại liên tôn, nhiều người đã được củng cố đức tin.”

Trong cuộc phỏng vấn với Vatican News, trả lời câu hỏi đầu tiên liên quan đến đối thoại, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Trung Á nói: “Một giai đoạn quan trọng được đánh dấu cho cuộc đối thoại liên tôn, phù hợp với điều mà chúng ta có thể nói đó là ‘tinh thần Assisi’, và các thoả thuận Abu-Dhabi. Và tất nhiên, đối với đời sống của Giáo hội ở Kazakhstan đó là một dòng thác ân sủng và phúc lành.”

Đối với Giáo hội Công giáo địa phương, Đức cha Sierra khẳng định rằng hoa trái của cuộc viếng thăm đã được nhận thấy trước khi Đức Thánh Cha đến. Điều này được thể hiện trong sự chuẩn bị nhiệt tình. Rồi khi Đức Thánh Cha xuất hiện, đã có nhiều người tiến thêm một bước trong đức tin và trong các bí tích. Ngài nói: “Sau Thánh lễ ngày 14/9, chúng tôi đã nhận được tin tức về các cuộc trở lại và những người đã quyết định trở thành người Công giáo. Nhưng chúng tôi tin chắc rằng vẫn còn sớm để thu hoạch mùa gặt phong phú mà ‘người gieo giống là Thiên Chúa’ đã quảng đại gieo trên mảnh đất của chúng tôi.”

Về việc tham dự Đại hội các lãnh đạo thế giới và truyền thống của Đức Thánh Cha, Đức cha Sierra cho biết, các bài phát biểu của Đức Thánh Cha đã được những người không phải là Kitô hữu đón nhận nhiệt tình và vui mừng. Theo họ, ngài đã đưa ra một bài học tuyệt vời về đối thoại và cởi mở. Họ phát hiện ra rằng những người Công giáo không đến để “chinh phục bằng cách phá huỷ”, nhưng có khả năng nâng cao giá trị và đón nhận những đóng góp của văn hoá địa phương để đem lại điều tích cực cho mọi người.

Liên quan đến tuyên bố cuối cùng tại Đại hội, Đức cha cho rằng đó là sự khích lệ cho châu Á và toàn thể nhân loại. Bởi vì, đối thoại liên tôn là một thực tế thường xuyên ở châu Á, nơi Kitô giáo là nhóm thiểu số, và nhiều xung đột có thể tránh được nếu các lãnh đạo tôn giáo thúc đẩy hoà bình theo các khái niệm được tuyên bố trong Đại hội vừa qua.

Ngọc Yến

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2022-09/tro-lai-cong-giao-tham-dtc-ka.html