23/12/2024

Bão địa từ Mặt trời khổng lồ bất ngờ đập vào Trái đất từ ​​nguồn bí ẩn

Bão địa từ Mặt trời khổng lồ bất ngờ đập vào Trái đất từ ​​nguồn bí ẩn

Trái đất đã đột ngột bị một cơn bão địa từ Mặt trời khổng lồ làm ảnh hưởng vào lúc 5h sáng 27-9 (giờ Việt Nam) cho đến cuối ngày 27-9 và nguyên nhân vẫn chưa rõ ràng.

 

Bão địa từ Mặt trời khổng lồ bất ngờ đập vào Trái đất từ ​​nguồn bí ẩn - Ảnh 1.

Hình ảnh pháo sáng Mặt trời – Ảnh: SHUTTERSTOCK

Vào khoảng 5h sáng 27-9 (giờ Việt Nam), Trung tâm Dự báo thời tiết của Cục Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA – SWPC) đã phát hành một cảnh báo: từ trường Trái đất đang bị ảnh hưởng bởi một số hoạt động của Mặt trời.

Trong vòng vài giờ, cảnh báo của SWPC đã được cập nhật để cảnh báo bão địa từ, với chỉ số K địa từ ở mức độ 5, sau đó tăng lên đến K7 vào cuối ngày 27-9 (giờ Việt Nam), theo báo Newsweek.

Chỉ số K là một thước đo vật lý về sức mạnh của các cơn bão địa từ. Đây là kết quả vật chất của địa từ ​​Mặt trời phá vỡ từ trường của Trái đất, gây ra các vấn đề về lưới điện, gián đoạn tín hiệu vô tuyến… Chỉ số K nhỏ hơn 4 thường không có gì đáng nói, trong khi chỉ số K bằng 9 sẽ là một hiện tượng Mặt trời cực hiếm.

SWPC cho biết cảnh báo bão K7 có hiệu lực đến cuối ngày 27-9 (giờ Việt Nam).

Theo trang SpaceWeather, hiện nay vẫn chưa rõ pháo sáng Mặt trời (CME) này đến từ đâu. Có thể nó là một trong hai CME rời khỏi Mặt trời vào ngày 23-9. Tuy nhiên, cả hai CME này đều được dự đoán sẽ không chạm vào Trái đất.

Thực sự đây không phải là một vụ bão địa từ Mặt trời đánh trực tiếp vào Trái đất.

Tiến sĩ Erika Palmerio, một nhà khoa học tại Công ty nghiên cứu năng lượng Mặt trời Prediction Science Inc., đã viết trên Twitter: “Có thứ gì đó đang hình thành trong gió Mặt trời gần Trái đất. Hiện tại không rõ liệu có yếu tố đánh lén lút hay không. CME ẩn mình để lén lút đánh Trái đất!”.

Cuối ngày 27-9 (giờ Việt Nam), tiến sĩ Palmerio cho biết cơn bão địa từ dường như đã dịu đi.

Pháo sáng Mặt trời (CME) là sự đẩy mạnh plasma và từ trường ra khỏi bầu khí quyển của Mặt trời. Những trường hợp mạnh thường xảy ra khi các đường sức từ trường xoắn của Mặt trời đột ngột dịch chuyển và sắp xếp lại, gây ra sự giải phóng năng lượng đột ngột.

Một nguyên nhân tiềm năng khác của hoạt động gần đây có thể là do một luồng năng lượng Mặt trời tốc độ cao. Đây là một luồng gió Mặt trời nhanh thoát ra từ một khu vực mở của từ trường Mặt trời được gọi là lỗ đăng quang.

Cả hai hiện tượng trên đều có thể gây ra hiệu ứng bão địa từ trên Trái đất.

GIA MINH
TTO