23/12/2024

Biến gián thành trinh sát đi cứu người gặp nạn

Biến gián thành trinh sát đi cứu người gặp nạn

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản tìm ra cách kiểm soát côn trùng, cho phép con người trong tương lai không xa sử dụng côn trùng tìm kiếm nạn nhân sống sót sau động đất ở những nơi mà robot nhỏ nhất cũng không thể tiếp cận.

Biến gián thành trinh sát đi cứu người gặp nạn - Ảnh 1.

Một nhà nghiên cứu gắn pin mặt trời vào ba lô chứa thiết bị điện tử trên lưng gián Madagascar trong phòng thí nghiệm tại tỉnh Saitama, Nhật Bản – Ảnh: REUTERS

Nhà nghiên cứu Fukuda Kenjiro cùng nhóm của ông tại Viện nghiên cứu Riken đã phát triển một tấm phim pin mặt trời linh hoạt dày chỉ 4 micromet (khoảng 1/25 độ dày sợi tóc con người), và có thể vừa với lưng con gián, theo Hãng tin Reuters ngày 22-9.

Nhóm đã chứng minh được khả năng gắn ba lô nói trên lên gián và kiểm soát chuyển động của chúng bằng điều khiển từ xa. Tấm phim cho phép con gián di chuyển tự do trong khi pin mặt trời cung cấp đủ năng lượng để xử lý và gửi tín hiệu định hướng đến các cơ quan cảm giác trên chân sau của con vật.

Công trình nghiên cứu của nhóm ông Fukuda được xây dựng dựa trên các thí nghiệm kiểm soát côn trùng trước đây tại ĐH Công nghệ Nanyang ở Singapore. Một ngày nào đó, ứng dụng này sẽ giúp triển khai những con côn trùng được cơ khí hóa (cyborg) đến các khu vực nguy hiểm với độ hiệu quả cao hơn robot.

“Pin trong robot rất mau cạn nên thời gian tìm kiếm sẽ ngắn hơn. Một lợi ích chính của côn trùng cyborg là chúng có thể tự di chuyển nên tiêu hao điện ít hơn nhiều”, ông Fukuda cho biết.

Nhóm nghiên cứu đã chọn gián Madagascar để làm thí nghiệm vì chúng đủ lớn để mang thiết bị và không có cánh, bộ phận có thể gây cản trở khi di chuyển. Ngay cả khi phim và ba lô được dán lên lưng, gián vẫn có thể vượt qua các vật cản nhỏ hoặc lật trở lại khi bị lật ngửa lên trong quá trình di chuyển.

Dù vậy, nghiên cứu vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Trong một thí nghiệm gần đây, nhà nghiên cứu Yujiro Kakei, làm việc tại Riken, đã dùng máy tính đặc biệt và tín hiệu Bluetooth không dây để ra lệnh cho gián. Con vật đã rẽ trái đúng mệnh lệnh nhưng lại xoay vòng tròn khi được yêu cầu rẽ phải.

Thách thức tiếp theo là thu nhỏ các thiết bị hơn nữa để giúp gián dễ di chuyển, và cho phép nhóm nghiên cứu gắn thêm các cảm biến, thậm chí là máy ảnh. Ông Kakei cho biết ông đã chế tạo chiếc ba lô chứa các thiết bị với tổng giá trị 5.000 yen (35 USD).

Tấm phim và ba lô có thể được gỡ ra khỏi lưng gián, cho phép chúng nghỉ ngơi sau những giờ tìm kiếm nạn nhân trong các vụ động đất. Những con gián trưởng thành trong vòng 4 tháng và có thể sống tới 5 năm trong môi trường nuôi nhốt.

ANH THƯ
TTO