08/01/2025

Liên Hiệp Quốc chỉ ra ‘kẻ thù chung của thế giới’

Liên Hiệp Quốc chỉ ra ‘kẻ thù chung của thế giới’

Liệu có công bằng khi các nước nghèo nhất thế giới – vốn ít gây tác động nhất với vấn đề biến đổi khí hậu – lại đang phải gánh chịu hậu quả nhiều nhất từ hiện tượng này?

Liên Hiệp Quốc chỉ ra kẻ thù chung của thế giới - Ảnh 1.

Những người dân phải di dời sau mưa lũ kinh hoàng ở TP Sehwan (Pakistan) vào hôm 20-9 – Ảnh: REUTERS

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận chung của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) khóa 77 vào hôm 20-9, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng các công ty năng lượng giàu có nên dành ra một phần lợi nhuận để hỗ trợ các nạn nhân của biến đổi khí hậu và bù đắp cho giá nhiên liệu cũng như giá thực phẩm đang gia tăng.

 

Đánh thuế nhiên liệu hoá thạch

Theo tổng thư ký LHQ, hiện nay ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch – nguồn phát thải chủ yếu khí nhà kính – đang kiếm hàng trăm tỉ USD, trong khi túi tiền của các hộ gia đình ngày càng teo tóp còn Trái đất thì mỗi lúc một nóng hơn.

Hồi tháng 7, các công ty dầu mỏ đã công bố mức lợi nhuận cao chưa từng có với hàng tỉ USD thu về mỗi tháng. Chẳng hạn, Công ty Exxon Mobil (Mỹ) công bố lợi nhuận ba tháng là 17,85 tỉ USD, Công ty Chevron (Mỹ) đạt 11,62 tỉ USD, trong khi Shell (Anh) thu về 11,5 tỉ USD.

Ông Guterres cho rằng các công ty nhiên liệu hóa thạch chính là “kẻ thù chung” của thế giới – một thế giới mà theo ông Guterres là “đang lâm nguy và bị tê liệt”. Ông nhấn mạnh: “Người gây ô nhiễm phải trả phí”.

“Hôm nay, tôi kêu gọi tất cả các nền kinh tế phát triển đánh thuế lợi tức phụ thu (windfall tax) đối với các công ty nhiên liệu hóa thạch. Các quỹ đó nên được dùng theo hai cách: thứ nhất dành cho các nước đang chịu thiệt hại và mất mát do cuộc khủng hoảng khí hậu, thứ hai dành cho những người đang vật lộn với giá thực phẩm và năng lượng gia tăng” – ông Guterres nói.

Với đề xuất của ông Guterres, nguồn thu từ thuế sẽ được chuyển đến các nước như trên để đầu tư vào các hệ thống cảnh báo sớm, đối phó thảm họa và các sáng kiến xây dựng khả năng thích ứng.

Trước đó, ý tưởng về việc áp thuế lợi tức phụ thu đã nhận được sự quan tâm ở châu Âu. EU đang muốn thu khoảng 140 tỉ USD từ việc đánh loại thuế này.

 

Kêu gọi trách nhiệm cộng đồng

Hiện tại, một số khu vực dễ bị ảnh hưởng trên thế giới, như các đảo ở vùng trũng thấp, đang thúc đẩy việc thành lập một cơ sở tài trợ để bồi thường cho những “thiệt hại và mất mát” do biến đổi khí hậu tại các cuộc đàm phán về khí hậu của LHQ ở Ai Cập vào tháng 11 tới.

Tuy nhiên, theo Hãng tin Reuters, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước giàu – vốn chiếm phần lớn lượng phát thải khí nhà kính – đã phản đối việc lập ra một quỹ riêng để giải quyết các thiệt hại và mất mát.

Trong khi đó, các công ty năng lượng sẽ khó chấp nhận đề xuất áp thuế của tổng thư ký LHQ. Ông Frank Maisano, một nhà vận động hành lang năng lượng, cho rằng những phát biểu của ông Guterres là “sai lầm và phản tác dụng”.

Theo ông này, nhiều công ty nhiên liệu hóa thạch đang “đi đầu trong cuộc cách mạng năng lượng sạch. Trong hầu hết các trường hợp, họ đang thúc đẩy sự cải tiến cần thiết để tạo ra quá trình chuyển đổi năng lượng”.

Giờ đây, người ta hy vọng các nước giàu và các công ty nhiên liệu hóa thạch sẽ hành động có trách nhiệm. Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow (Scotland) năm ngoái, nhà lãnh đạo Scotland Nicola Sturgeon đã công bố khoản đầu tư 1 triệu bảng Anh để bù đắp cho các thiệt hại và mất mát. Đây là một cách để khuyến khích các nước phát triển làm theo.

Trong diễn biến tích cực, hôm 20-9 Đan Mạch cam kết hỗ trợ hơn 13 triệu USD cho các nước đang phát triển bị thiệt hại do khủng hoảng khí hậu. Với cam kết này, Đan Mạch trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đề nghị bồi thường các “thiệt hại và mất mát” cho những khu vực dễ bị ảnh hưởng vì khí hậu thay đổi.

Cam kết nói trên được Bộ trưởng Phát triển Đan Mạch Flemming Møller Mortensen đưa ra bên lề cuộc họp của Đại hội đồng LHQ. Ông nói: “Thật không công bằng khi những nước nghèo nhất thế giới phải gánh chịu hậu quả nhiều nhất do biến đổi khí hậu. Họ vốn là những nước góp phần ít nhất trong việc gây ra biến đổi khí hậu”.

 

“Cơn bão kinh hoàng”

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhận định hiện nay khoảng 94 quốc gia (trong đó nhiều nước ở châu Phi) – nơi sinh sống của 1,6 tỉ người – đang phải đối mặt với một “cơn bão kinh hoàng” vì nhiều vấn đề nảy sinh cùng lúc.

Đó là kinh tế và xã hội suy thoái do đại dịch COVID-19, giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, gánh nặng nợ nần, lạm phát gia tăng và thiếu khả năng tiếp cận tài chính.

Ông nói thêm các cuộc khủng hoảng như xung đột Nga – Ukraine, tình trạng khẩn cấp về khí hậu, vấn đề mất đa dạng sinh học và tình hình tài chính tồi tệ của các nước đang phát triển đang đe dọa tương lai của nhân loại và số phận của hành tinh.

 

BẢO ANH
TTO