Một vết đen Mặt trời hướng về Thái Bình Dương phát ra pháo sáng 10 triệu độ C
Một vết đen Mặt trời hướng về Thái Bình Dương phát ra pháo sáng 10 triệu độ C
Các nhà khoa học đã quan sát thấy một vết đen Mặt trời AR3098 lớn gấp 4 lần Trái đất, sau đó bắn pháo sáng ước tính lên tới 10 triệu độ C xuống khu vực Thái Bình Dương vào đầu tuần này.
Báo Newsweek đưa tin các nhà khoa học cũng đang cảnh giác cao độ, khi một vết đen Mặt trời AR3088 khác sẽ lại hướng về Trái đất trong thời gian tới.
Pháo sáng Mặt trời xảy ra khi một vùng trên bề mặt Mặt trời bị nhiễm từ hóa cao, ngăn cản quá trình đối lưu bình thường. Điều này làm giảm nhiệt độ bề mặt vùng này và tạo ra vết đen Mặt trời.
Để đánh giá những gì đang xảy ra trên Mặt trời, các nhà khoa học nghiên cứu các vết đen. Họ đã phát hiện Mặt trời đang trải qua chu kỳ mới (kéo dài 11 năm) khi các cực từ của nó bị lật.
Hiện tại, Mặt trời đang ở trong chu kỳ thứ 25 và dự kiến sẽ đạt cực đại vào khoảng tháng 7-2025.
Vết đen mặt trời AR3098
Một vết đen Mặt trời như vậy đã xuất hiện cách đây khoảng một tuần và được các nhà khoa học đặt tên là AR3098, giống với cách đặt tên các vết đen khác.
Trong khoảng thời gian này, vết đen Mặt trời lớn dần lên cho đến khi kích thước của nó gấp 4 lần Trái đất.
Vào ngày 12-9, AR3098, trong khi đối mặt với Trái đất, Mặt trời đã phát ra một luồng pháo sáng lớn.
Nhà thiên văn học C. Alex Young đã viết trên Twitter: “AR3098 vừa bắn pháo sáng M1.7 vào cuối ngày 12-9 UTC. Một sự kiện hấp dẫn. Nóng nóng! Pháo sáng nóng tới 10 triệu độ C. Sự cố mất điện vô tuyến trên Thái Bình Dương”.
Ngọn lửa pháo sáng này có cường độ vừa phải, gây mất sóng vô tuyến trên khu vực Thái Bình Dương. Điều này được Trung tâm Dự báo thời tiết không gian của Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia (NOAA) xác nhận vào cuối ngày 12-9.
Tác động của pháo sáng
Như nhà thiên văn học đã lưu ý, vết đen Mặt trời đã tạo ra một luồng pháo sáng lớp M, được coi là luồng pháo sáng có năng lượng vừa phải. Trong khi đó trang web chuyên về hoạt động năng lượng Mặt trời, Spaceweatherlive.com, dự đoán có 5% khả năng vết đen Mặt trời phát ra pháo sáng cấp X (cấp cao nhất).
Đầu năm 2022, một pháo sáng Mặt trời cấp X đã bắn về phía Trái đất trong cuối tuần lễ Phục sinh.
Ngoài gây mất điện vô tuyến, các pháo sáng Mặt trời cũng tương tác với các lớp trên của bầu khí quyển Trái đất và dẫn đến cực quang rực rỡ.
Cường độ của pháo sáng càng cao, cực quang càng sáng và độ mở rộng của chúng càng lớn.
Cảnh giác với vết đen Mặt trời AR3088
Các nhà khoa học đang chuẩn bị cho hoạt động của vết đen Mặt trời AR3088, có thể nhìn thấy từ Trái đất. Vết đen này đã quay đi nơi khác khi Mặt trời quay.
Tuần trước, vết đen AR 3088 đã phát ra một luồng pháo sáng cực mạnh về phía sao Kim.
Tuy nhiên, khi Mặt trời hoàn thành quá trình quay, vết đen này lại sẽ đối diện trực tiếp với Trái đất. Hiện chưa rõ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.