09/01/2025

TP.HCM khó xảy ra động đất nhưng phải đề phòng

TP.HCM khó xảy ra động đất nhưng phải đề phòng

Nằm tại khu vực Nam Bộ, TP.HCM rất ít khả năng xảy ra động đất. Tuy nhiên, TP từng chịu một số dư chấn khiến các nhà cao tầng rung nhẹ. Vì vậy, cơ quan chức năng cùng chuyên gia cảnh báo người dân không được chủ quan, xem thường.

 

 

TP.HCM khó xảy ra động đất nhưng phải đề phòng - Ảnh 1.

Tại TP.HCM, khu vực biển Cần Giờ là nơi có thể xảy ra sóng thần nhưng biên độ và khả năng xảy ra là không cao – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thực tế trong các năm 2004 đến 2007 ở vùng biển Nam Bộ có chuỗi động đất gây ra một số dư chấn khiến các nhà cao tầng ở TP.HCM rung nhẹ, ảnh hưởng không ít đến tâm lý người dân.

 

Đã từng xảy ra động đất mạnh

Tại TP.HCM, rung chấn nặng nhất được cơ quan chức năng ghi nhận xảy ra vào năm 2005 do trận động đất thứ nhất xảy ra vào tháng 10-2005 ở vùng biển Nam Bộ. Trận thứ hai xảy ra sau đó không lâu và có cường độ cao hơn là 4,3 độ Richter, gây chấn động bề mặt cấp hai.

Các trận động đất này khiến người dân tại một số tòa nhà cao tầng có thể cảm nhận được các hiện tượng mất thăng bằng, đồ đạc kê trên cao rớt xuống nhưng chỉ thoáng qua và không gây thiệt hại gì đáng kể.

Hai trận động đất này có tâm chấn ngoài khơi Hàm Tân và Vũng Tàu. Độ sâu tâm chấn khoảng 2-3km. Theo Viện Vật lý địa cầu, trận động đất này thuộc hệ đứt gãy Thuận Hải – Minh Hải. Đây là hệ đứt gãy không có khả năng gây động đất mạnh, cấp tối đa là 5-5,5 độ Richter.

Không chỉ những trận động đất vùng biển Nam Bộ, động đất ở các nước láng giềng cũng từng ảnh hưởng đến TP.HCM. Cụ thể như năm 2012 đã xảy ra trận động đất có cường độ đến 8,7 độ Richter ở vùng biển Indonesia, độ sâu tâm chấn 22,9km.

Ảnh hưởng của động đất đã lan đến Việt Nam. Trận động đất này đã khiến nhiều tòa nhà cao tầng tại TP.HCM rung lắc ở các tầng cao…

 

Kế hoạch ứng phó

Trước sự việc này, cơ quan chức năng TP đã có những kế hoạch ứng phó và tuyên truyền tới người dân để ứng phó. Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết triển khai kế hoạch tuyên truyền về động đất, sóng thần năm 2022, Phòng khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu của sở này đã có công văn gửi văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng thủ dân sự – phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP để triển khai và duyệt nội dung tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đến với người dân.

Vậy người dân phải làm gì khi xảy ra động đất? Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết quy tắc chung là không chạy ra khỏi nhà khi đang có chấn động do động đất gây ra, phải bình tĩnh đợi đến khi kết thúc. Khi cảm thấy nền đất hay tòa nhà rung động, lập tức chạy đến vị trí an toàn, chui xuống gầm bàn chắc chắn, bàn học hoặc lánh vào góc phòng để tránh các vật nặng hay mảnh vỡ rơi xuống đầu.

Nếu đang ở nhà cao tầng thì không chạy vào thang máy, không gây ùn tắc ở cầu thang, khi di chuyển nên có vật che đầu, dùng đèn pin trong trường hợp mất điện nhưng tránh dùng nến dễ gây hỏa hoạn. Nếu đang ở ngoài đường thì phải chạy tránh xa các tòa cao ốc, tường cao, cây cối và đường dây điện. Nếu đang lái xe thì ngừng ở lề đường nhưng tránh xa cột điện, dây điện, gầm cầu.

Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu Nguyễn Xuân Anh đánh giá so với các khu vực khác thì TP.HCM nói riêng và Nam Bộ nói chung ít xảy ra động đất hay sóng thần.

“Tuy nhiên không vì vậy mà người dân chủ quan và cơ quan chức năng không triển khai các phương án tuyên truyền tới người dân. TP.HCM nói riêng và một số đô thị lớn tại miền Nam đều phải tuân thủ theo các quy chuẩn xây dựng.

Các công trình nhà ở, tòa nhà cao tầng phải xây dựng đúng thiết kế, yêu cầu để đề phòng trường hợp thiên tai bất ngờ xảy ra. Mỗi địa phương, thành phố đều được xây dựng bản đồ rủi ro, quy chuẩn theo đặc thù” – ông Xuân Anh nói.

LÊ PHAN
TTO