Học hỏi Phúc âm Chúa Nhật: Chúa Nhật XXIV Thường Niên – Năm C
Bạn thấy mình giống con thứ hay con cả? Theo bạn, người con thứ trở về nhà cha có khó không? Người con cả chấp nhận vào nhà để dự tiệc với người em và chung vui với cha có khó không? Trở về với Cha có đòi ta trở về với anh em không?
LỜI CHÚA (Lc 15,1-32):
1 Khi ấy, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. 2 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” 3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này :
4 “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất ? 5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. 6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói : ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.’ 7 Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.
8 “Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được ? 9 Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói : ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.’ 10 Cũng thế, tôi nói cho các ông hay : giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”
11 Rồi Đức Giê-su nói tiếp : “Một người kia có hai con trai. 12 Người con thứ nói với cha rằng : ‘Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.’ Và người cha đã chia của cải cho hai con. 13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
14 “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, 15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng ; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. 16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. 17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ : ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói ! 18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người : ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, 19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ 20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.
“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. 21 Bấy giờ người con nói rằng : ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa …’ 22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng : ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, 23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! 24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’ Và họ bắt đầu ăn mừng.
25 “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, 26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. 27 Người ấy trả lời : ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.’ 28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. 29 Cậu trả lời cha: ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. 30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng !’
31 “Nhưng người cha nói với anh ta: ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. 32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.’”
HỌC HỎI:
1. Tìm những điểm chung có trong ba dụ ngôn chiên lạc, đồng bạc bị mất và người cha nhân hậu. Tại sao Đức Giêsu kể ba dụ ngôn này?
2. Kể lại con đường từ hư hỏng đến hoán cải của người con thứ.
3. Người con thứ có hoán cải thực lòng không? Lòng hoán cải của anh có từ từ trở nên trọn vẹn không?
4. Tìm những hành động và lời nói cho thấy người cha tôn trọng, yêu thương và tha thứ cho người con thứ.
5. Tìm những hành động và lời nói cho thấy người cha tôn trọng, yêu thương và tha thứ cho người con cả.
6. Tìm những nét giống nhau giữa con thứ và con cả.
7. Đọc Lc 15,1-32. Bạn thấy ai là hình ảnh của người Pharisêu và các kinh sư trong đoạn Kinh Thánh trên?
8. Khi đọc dụ ngôn người cha nhân hậu, bạn có gặp thấy những nét quan trọng của Bí tích Hòa Giải (Giải Tội) không?
CÂU HỎI SUY NIỆM:
Bạn thấy mình giống con thứ hay con cả? Theo bạn, người con thứ trở về nhà cha có khó không? Người con cả chấp nhận vào nhà để dự tiệc với người em và chung vui với cha có khó không? Trở về với Cha có đòi ta trở về với anh em không?
PHẦN TRẢ LỜI:
1. Một vài điểm chung giữa ba dụ ngôn: con chiên lạc (Lc 15,4-7), đồng bạc bị mất (Lc 15,8-10) và người cha nhân hậu (Lc 17,11-32). Hai dụ ngôn đầu tiên có điểm chung giữa người đàn ông mất chiên và người phụ nữ mất tiền. Đó là cả hai đều đã mất (một con chiên hay một quan tiền), đã đi tìm, đã tìm thấy, và mời bạn bè hành xóm đến chung vui với mình. Hai dụ ngôn này còn khá giống nhau ở câu cuối của mỗi dụ ngôn: “…ai nấy cũng vui mừng vì một người tội lỗi hối cải” (cc.7 và 10). Đây là niềm vui của những người “ở trên trời” (c.7), hay của “triều thần Thiên Chúa” (c.10). Dụ ngôn thứ ba, tuy không dùng những từ giống với hai dụ ngôn trước, nhưng cũng có thể nói người cha đã mất con, đã gặp lại con, và đã mở tiệc ăn mừng (Lc 15,11-32). Đức Giêsu kể ba dụ ngôn này để đáp lại chuyện những người Pharisêu và các kinh sư trách Ngài đã đón tiếp và ăn uống với người tội lỗi (Lc 15,1-3). Đơn giản Ngài chỉ muốn đưa họ về với Cha.
2. Người con thứ hư hỏng một cách từ từ. Anh chán sống bên cha, đòi cha chia phần gia sản cho anh (1/3 tài sản). Anh muốn đi đến một “vùng xa”, nơi anh được hưởng thụ phung phí tài sản do cha để lại. Nhưng không ngờ, “vùng xa” đó lại là “vùng đói khủng khiếp” (c.14), vùng anh phải làm một nghề hạ tiện là chăn heo (c.15), vùng nơi cái chết đói rình rập (c.17). Chính hoàn cảnh bi đát đó khiến anh hồi tâm, ăn năn và muốn trở về nhà cha mình.
3. Người con thứ muốn trở về nhà cha mình khi anh thấy nguy cơ chết đói (c.17). Từ đó anh quyết định trở về nhà cha, để được no đủ, nhờ làm công cho cha. Tuy nhiên, đó không phải là lý do duy nhất khiến anh trở về, bởi lẽ anh đã bắt đầu có lòng ăn năn về tội của mình (Lc 15,18-19). Lòng hoán cải của anh tuy còn chút vị kỷ, nhưng không hề giả dối. Có lẽ khi được người cha ôm hôn, anh mới cảm nhận được tình thương bao la của cha, và lúc đó anh có được lòng hoán cải
trọn vẹn.
4. Người cha tôn trọng người con thứ được biểu lộ qua việc người cha không đi tìm anh như người đi tìm con chiên hay đồng quan. Cha chỉ chờ đợi anh trở về vì cha tôn trong tự do của anh. Người cha yêu thương tha thứ cho người con thứ, điều này được biểu lộ qua việc ông “chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh mà hôn” (c.20). Sau đó ông còn cho anh áo đẹp nhất, nhẫn, dép, và nhất là mở tiệc ăn mừng với con bê béo (cc.22-23). Động từ ăn mừng được nhắc nhiều lần (Lc 15,23.24.29.32).
5. Người cha tôn trọng người con cả: khi thấy anh “nổi giận không chịu vào nhà” (c.28), chính người cha đã đi ra và đã năn nỉ anh để anh vào. Người cha đã đón nhận cách bình tĩnh cơn giận của anh, đã nghe lời trách móc đầy ghen tỵ của anh (c. 29), và đã chịu đựng những lời lẽ hỗn hào của anh (c. 30). Ông cho thấy ông chẳng giữ gì cho mình (c.31), và ôn tồn giải thích cho anh ấy hiểu tại sao phải ăn mừng (c.32). Thái độ của người cha cho thấy ông yêu người con cả, người đã ở với ông và làm việc cho ông dù không hiểu ông. Ông không muốn thiếu người con cả trong bữa tiệc vui này. Ông không muốn mất một người con nào.
6. Con thứ và con cả thật khác nhau, nhưng khi nhìn kỹ, hai khuôn mặt lại có những nét giống nhau. Người thì bỏ nhà ra đi, kẻ thì không chịu vào nhà. Cả hai đều phải chịu đói nếu cứ đứng ngoài nhà cha. Con thứ xa cha, nhưng con cả cũng chẳng gần cha. Tim anh ấy không đập cùng một nhịp với tim cha: khi cha vui vì con thứ về, thì anh lại buồn. Anh không vui được niềm vui của cha. Anh tự hào vì mình không trái lệnh cha (c.29) nhưng anh lại rất xa cha vì không hiểu nổi cách cư xử của cha (c.30). Con thứ thật bất hiếu với cha khi đòi cha chia gia tài và phung phí hết sạch, nhưng con cả cũng hỗn hào khi gọi em mình là “thằng con của cha” (c.30).
7. Có thể nói, người con cả trong dụ ngôn là hình ảnh của các ông Pharisêu và các kinh sư. Họ là những người được coi là đạo đức, sống tách biệt với các tội nhân, và thường tự hào vì mình “đã hầu hạ cha bao năm và chẳng bao giờ trái lệnh” (Lc 15,29). Người con cả khó chịu khi thấy cha mình đón tiếp đứa con thứ trở về, các ông Pharisêu cũng khó chịu khi thấy Đức Giêsu đón tiếp và ăn uống với tội nhân (Lc 15,1-2).
8. Qua chuyện người con thứ trở về với cha, ta thấy có những nét chính của bí tích Hòa giải. Anh con thứ đã hồi tâm, nghĩa là đã xét mình (c. 17). Anh đã ăn năn tội trong lòng và đã nói với cha câu này: “Con thật đắc tội với Trời và với cha…” (cc.18.21). Anh đã nghĩ đến việc đi xưng tội và đã thực hiện điều anh nghĩ: “Thôi ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với Người rằng…” (cc. 18.20). Anh đã đề nghị việc đền tội: “Xin coi con như người làm công cho cha” (c.19). Cuối cùng là ơn xá giải: người cha tha thứ cho anh, không phải bằng lời nói, nhưng bằng cách ôm lấy anh và trả lại cho anh tất cả những gì anh đã mất khi đi hoang, trả lại cho anh chức vị làm con (cc. 20-24). Dụ ngôn không nói về việc anh dốc lòng chừa, nhưng chúng ta hy vọng anh sẽ không bao giờ đi hoang nữa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.