23/01/2025

Chúa Nhật XXIII TN C 2022: Hy sinh cho Cách mạng Giêsu

Các bài Thánh Kinh hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về một trong những đức tính căn bản của người môn đệ Đức Giêsu, đó là hy sinh. Hy sinh theo định nghĩa, là tự nguyện nhận về mình sự thiệt thòi, mất mát lớn lao nào đó, vì một cái gì cao đẹp, như là vì đất nước, vì nghĩa vụ, vì lý tưởng… Trong ít phút này chúng ta cùng tìm hiểu con đường cách mạng của Chúa Giêsu cao đẹp như thế nào khiến chúng ta dám hy sinh triệt để cho Người.

Chúa Nhật XXIII TN C 2022

Hy sinh cho Cách mạng Giêsu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về một trong những đức tính căn bản của người môn đệ Đức Giêsu, đó là hy sinh. Hy sinh theo định nghĩa, là tự nguyện nhận về mình sự thiệt thòi, mất mát lớn lao nào đó, vì một cái gì cao đẹp, như là vì đất nước, vì nghĩa vụ, vì lý tưởng… Trong ít phút này chúng ta cùng tìm hiểu con đường cách mạng của Chúa Giêsu cao đẹp như thế nào khiến chúng ta dám hy sinh triệt để cho Người.

1. Con đường cách mạng của Chúa Giêsu

Ngày 17/6/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng: “Các cuộc cách mạng trong lịch sử đã thay đổi các hệ thống chính trị và kinh tế, nhưng không có cuộc cách mạng nào thật sự đã thay đổi tâm hồn con người. Cách mạng thật sự, cuộc cách mạng triệt để làm thay đổi đời sống, do Đức Giêsu đem đến qua sự Phục Sinh của Người”. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói về cuộc cách mạng này rằng: “đó là cuộc chuyển biến vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại”. “Chúng ta là những nhà cách mạng của cuộc cách mạng này vì chúng ta đã tiếp nhận đường lối của cuộc biến hình siêu việt nhất trong lịch sử nhân loại. Ngày nay và trong thời đại này, các Kitô hữu là những nhà cách mạng, nếu không, họ không phải là Kitô hữu” (x. Uỷ ban Giáo lý Đức tin, Docat, 2017, tr. 277-78).

Cách mạng là cuộc biến đổi xã hội – chính trị lớn và căn bản, thực hiện bằng việc lật đổ một chế độ xã hội lỗi thời, lập nên một chế độ xã hội mới và tiến bộ với những giá trị tốt đẹp. Bài Tin Mừng hôm nay (x. Lc 14,25-33) nói rằng: “Có rất đông người cùng đi đường với Chúa Giêsu”. Quả thật, trong dòng lịch sử nhân loại, biết bao cuộc cách mạng đã bùng nổ vì con người muốn tìm được tự do, độc lập, hạnh phúc, thịnh vượng, cũng như muốntìm sự thật, tình yêu và đời sống tốt đẹp cho mình và cho người.

Nhưng nhiều nhà nhà lãnh đạo chính trị, quân sự, tôn giáo đã lừa dối con người và dân tộc bằng những lời hứa hẹn xuông, vì khi cách mạng thành công, họ trở thành những tên độc tài, tham nhũng, vơ vét cho mình, cho gia đình hay dòng họ của mình và để mặc cho dân lành đói khổ, bất hạnh, chết chóc. Tất cả bọn họ chỉ còn là những đống xương tàn trong các lăng mộ rêu phong, vì đó không phải là những cuộc cách mạng thật sự.

Chỉ có một mình Đức Giêsu mới giới thiệu cho chúng ta con đường dẫn đến sự thật giải phóng và sự sống phi thường. Người nói cho ta sự thật về Thiên Chúa cao cả và yêu thương ta như một người Cha, về con người đều là anh chị em của nhau, về vạn vật là những đứa em nhỏ của con người và về mỗi người chúng ta như là con cái Thiên Chúa. Người chia sẻ cho ta sự sống kỳ diệu của chính Thiên Chúa. Người đã chứng minh bằng những lời giảng dạy đầy quyền năng, bằng phép lạ chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, nói cho gió yên, biển lặng, bánh cá hoá nhiều, bằng cái chết tự nguyện và cuộc sống lại để sống mãi mãi trong vinh quang Thiên Chúa. Đó là ơn cứu độ và cũng là con đường cách mạng mà mỗi người chúng ta được mời gọi đi vào, hy sinh tất cả để thực hiện cho con người và nhân loại.

Chúa Nhật XXIII Thường Niên – Năm C

Tuy nhiên, để có thể hoàn thành được cuộc cách mạng đó, để xây dựng được “Nước Trời là nước của sự thật và sự sống, của thánh thiện và ân sủng, của công lý, tình yêu và bình an”, chúng ta phải hy sinh. Trong lịch sử, cuộc cách mạng nào cũng luôn đòi người ta phải hy sinh. Bao người lính đã hy sinh mạng sống để bảo vệ đất nước, chiến đấu cho tự do dân tộc. Bao nhà bác học đã miệt mài trong phòng thí nghiệm, dám chấp nhận cuộc sống cô đơn, để tìm ra những chất mới, phương pháp mới cho nền khoa học. Bao bác sĩ trong bệnh viện sẵn sàng đón nhận nguy hiểm bị lây nhiễm bệnh tật để có thể cứu được mạng sống con người. Đó là những người biết hy sinh vì đại nghĩa, huống hồ chúng ta đang được tham dự vào cuộc cách mạng tuyệt vời của Chúa Giêsu.

2. Chúa Giêsu đòi chúng ta hy sinh cái gì?

Trước hết, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi”.

Dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em, không phải là chúng ta cắt đứt tất cả mọi liên lạc với họ như ngày xưa người ta vẫn quan niệm, nhất là đối với người đi tu dòng kín, cha mẹ có chết nhiều khi con cũng không được về. Chúa Giêsu không bảo ta phải bỏ họ, mà là thay đổi mối quan hệ và thái độ của ta với họ trước những yêu cầu của Nước Trời. Từ mối quan hệ căn bản với Thiên Chúa là Cha chúng ta, chúng ta sẽ đối xử với mọi người như là anh chị em của nhau, dù họ khác biệt về màu da, ngôn ngữ, chủng tộc, giai cấp, tôn giáo…như Thánh Phaolô khuyên Philêmôn đối xử với Ônêximô trong bài đọc II, dù Ônêximô là một tên nô lệ ăn cắp của chủ và trốn đi (x. Phl 9b-17). Chúng ta cũng không nhìn vạn vật như những thứ vô tri vô giác, mà phải yêu thương chúng trong đời sống hằng ngày, hiến thân cho chúng trong nghiên cứu khoa học. Có thế ta mới có thể sai khiến chúng: “biển ơi, hãy yên đi!”, “gió ơi, hãy lặng đi!” và “bánh cá hãy hoá nhiều ra!”.

Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta: “Ai không vác thập giá mình mà theo tôi, thì cũng không thể làm môn đệ tôi”. Thánh giá không phải là một cây gỗ nào đó. Thánh giá được thành hình bởi một đường ngang và một đường dọc: đường dọc là những giá trị của sự thật, tình yêu, ân sủng, công bằng, tự do thuộc về Thiên Chúa. Nhưng khi đi vào đời sống thực tế, ta phải đối phó với những đường ngang chặn lại là ý muốn, là những quan niệm khác nhau về tự do, sự thật, tình yêu, giá trị của mình hay của người. Chúng làm cho ta bị dằn vặt, căng thẳng, đau khổ, mất mát và tạo nên thánh giá cho ta. Vì thế, ta phải làm thế nào để hoà hợp thánh ý và giá trị của Chúa với ý muốn và giá trị của con người để thánh giá ta phải vác thật sự mang lại ơn cứu độ.

Cuối cùng, Chúa Giêsu nói: “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có thì không thể làm môn đệ tôi được”. Ở đây Chúa Giêsu không bảo ta phải bỏ tất cả những gì mình có như nhà cửa, ruộng đất, tài sản để bước theo Chúa Giêsu, rồi phân phát cho người nghèo, sau đó ta lại đi ăn xin như họ. Người còn muốn ta giàu có để cùng Người cứu giúp những người nghèo khổ. Vì thế ta phải có nhiều tiền, nhiều tài sản, tài năng, kiến thức, nhưng ta cần hiểu rằng chúng chỉ là những sở hữu, những phương tiện giúp ta sống và tăng cường giá trị hiện hữu của ta. Giá trị hiện hữu của ta là con cái Thiên Chúa, là thân thể nhiệm mầu của Đức Giêsu. Ta càng bỏ sở hữu bao nhiêu thì giá trị hiện hữu càng tăng cường bấy nhiêu vì chúng là hành trang nặng nề làm ta chùn chân trên con đường cách mạng của Đức Giêsu. Lúc đó ta mới thấy mình là những anh hùng, hiệp nữ nhẹ bước thênh thang đi giữa cuộc đời, ta mới thấy mình chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, diệt gian trừ bạo và làm thay đổi thế giới với bàn tay trắng của mình vì đã biến đổi thành Chúa Giêsu cho thời đại hôm nay.

Lời kết

Người quy tụ chúng ta lại với nhau để trở thành những nhà cách mạng thật sự đem lại niềm vui, bình an, hạnh phúc và sự sống diệu kỳ cho con người. Anh chị em có muốn làm môn đệ của Người không?

HKK