18/11/2024

Chúa Nhật XXII TN C 2022: Bài học khiêm nhường của Chúa Giêsu

Các bài Thánh Kinh trong mấy tuần lễ liên tiếp này muốn giới thiệu với chúng ta vài đức tính cơ bản của người môn đệ Chúa Giêsu. Đức tính đầu tiên và cũng là nền tảng để xây dựng nên các đức tính khác là khiêm tốn hay khiêm nhường. Nhưng đây lại là một đức tính có vẻ xa lạ với thời đại hôm nay nên chúng ta muốn tìm hiểu để có thể sống đúng theo lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Anh em hạy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” ( Mt 11,29).

Chúa Nhật XXII TN C 2022

Bài học khiêm nhường của Chúa Giêsu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK 

Lời mở

Các bài Thánh Kinh trong mấy tuần lễ liên tiếp này muốn giới thiệu với chúng ta vài đức tính cơ bản của người môn đệ Chúa Giêsu. Đức tính đầu tiên và cũng là nền tảng để xây dựng nên các đức tính khác là khiêm tốn hay khiêm nhường. Nhưng đây lại là một đức tính có vẻ xa lạ với thời đại hôm nay nên chúng ta muốn tìm hiểu để có thể sống đúng theo lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Anh em hạy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” ( Mt 11,29).

1. Đức tính có vẻ xa lạ với nền văn hoá Việt

Theo nghĩa chữ Hán Việt, “khiêm” là hạ mình xuống; “tốn” là lui lại phía sau; “nhường” là để cho người khác được hưởng những quyền lợi mà mình đang hưởng hoặc lẽ ra mình được hưởng. Vì thế, khiêm tốn hay khiêm nhường có cùng một nghĩa như nhau. Nhưng trong từ điển tiếng Việt, người ta phân biệt: “khiêm tốn là có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự đề cao, không kiêu căng, tự phụ”, còn “khiêm nhường là khiêm tốn và nhường nhịn trong quan hệ đối xử, không khoe khoang, không tranh giành” (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt 2013, NXB Vietlex, mục từ khiêm tốn, khiêm nhường, tr. 645).

Đức tính này có vẻ xa lạ với nền văn hoá Việt Nam. Trong truyền thống cổ xưa người ta ít nói đến vì nó đòi hỏi phải biết nhìn nhận sự thật về mình, đánh giá đúng bản thân và biết nhường nhịn người khác. Nhưng trong đời sống thực tế, khi nhận ra sự thật kém cỏi của mình, người ta thường muốn giấu nó đi; còn khi thấy mình có tài năng, đức hạnh, của cải hơn người, người ta lại muốn khoe ra để khẳng định mình, để giữ vững vị thế của mình trong xã hội và không muốn nhường cho ai khác.

Cả ngàn năm nay, cha ông ta vẫn nhắc nhở con cháu những đức tính căn bản của con người là “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, của phụ nữ là “công-dung-ngôn-hạnh”. “Trai thì trung hiếu làm đầu, gái thì đức hạnh làm câu trau mình” (x. Nguyễn Đình Chiểu, Lục Vân Tiên). Khiên tốn chỉ được coi là một thái độ ứng xử khôn ngoan vì “biết mình biết người, trăm trận trăm thắng” hay là một thái độ sống tốt giúp cho mình dễ hoà nhập với cộng đồng.

Chỉ những năm gần đây, từ năm 1961, các thiếu nhi Việt Nam mới được nghe nhiều về “5 điều Bác Hồ dạy” trong đó có điều thứ năm nói về các đức tính “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Nhưng từ “khiêm tốn” này trong ngôn ngữ thường ngày lại được dùng theo nhiều nghĩa khác nhau như “ít ỏi”, “nhỏ bé” khiến người ta không còn coi đó là một đức tính cần luyện tập nữa. Ví dụ: “Chiều cao của các em học sinh nước ta còn khiêm tốn”; “Đời sống kinh tế của đồng bào trong xã còn ở mức khiêm tốn”…

Nhiều người trẻ hiện nay không có ý niệm về đức tính này, nhất là khi sống trong môi trường phải đấu tranh nghiệt ngã để sinh tồn. Họ được nghe nói nhiều đến ‘những kỹ năng để khẳng định mình” “vượt lên chính mình và vượt lên trên người khác để giữ được vị thế cao trong xã hội”. Thậm chí, họ phải biết chớp lấy mọi thời cơ để khoe tài, khoe sắc, khoe danh mới mong chiếm được vị trí xứng đáng.

Hơn nữa, đức tính này còn đòi hỏi một điều kiện mà nhiều người Việt hiện nay không đáp ứng được. Đó là niềm tin vào Trời, Đấng thấu suốt lòng người (Trời cao có mắt) và không dung thứ cho gian dối, bất công (Thiên bất dung gian). Khi nhiều người Việt hiện nay sống trong hệ tư tưởng duy vật, loại bỏ mọi thần linh mà họ cho là mê tín và nghĩ rằng mọi thứ mình có đều là do khối óc và bàn tay mình kiến tạo nên thì họ không thể đánh giá đúng mức bản thân mình. Họ luôn tự cao, tự đại, khoe khoang về những thành tích, sự nghiệp của mình để khắng định mình và để giữ vững vị thế trong xã hội chứ không nhường cho người khác. Theo họ, sống khiêm tốn, ẩn dật chỉ tỏ ra mình yếu hèn và nhu nhược!

2. Bài học khiêm nhường của Chúa Giêsu

Dường như không ai nhường ai trong bữa tiệc cuộc đời, ai cũng muốn chọn cỗ nhất, như Đức Giêsu nói trong bài Tin Mừng (x. Lc 14,7-14). Cỗ nhất là chỗ có giá trị vì được ngồi chung với những người có địa vị cao, được trọng vọng, dễ giao thiệp, dễ làm ăn, có nhiều đồ ăn thức uống cao cấp hơn cỗ dưới, nên trong xã hội người ta cố tìm cho mình qua những thẻ VIP, những tấm bằng, học vị, những chức danh “giám đốc”, “viện trưởng” dù rằng họ chỉ quản lý nhà hàng, cửa tiệm nhỏ bé được họ thổi phồng thành “trung tâm”.

Đức Giêsu mời gọi chúng ta vượt lên trên những tham vọng chiếm hữu, mặc cảm tự tôn để sống khiêm tốn. Người đề nghị khi vào dự bữa tiệc cuộc đời, ta hãy ngồi vào chỗ cuối, để ông chủ tiệc đến nói với ta rằng: “Xin mời bạn lên trên cho”. Lúc bấy giờ ta sẽ hãnh diện với khách đồng bàn. Nhưng ông chủ bữa tiệc cuộc đời ở đây là ai?

Đó là chính Thiên Chúa vì Ngài là nguồn của mọi giá trị ta đang có: sự sống, tình yêu, hạnh phúc, khôn ngoan, quyền lực và chân thiện mỹ. Ngài là Đấng Tạo hoá dựng nên muôn loài và toàn thể vũ trụ hữu hình cũng như vô hình. Vì thế, sách Huấn Ca hôm nay (x. Hc 3,17-29) khuyên ta: “Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa”. Trong mối tương quan nền tảng với Chúa, ta mới thấy mình cần khiêm tốn để được Chúa nâng lên: “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11).

Chúa yêu thương ta nên đã tạo thành ta từ hư không. Vậy trước mặt Thiên Chúa, tất cả mọi cái ta có đều bởi Ngài, được Ngài cho không. Trước một Thiên Chúa vô cùng cao quý, tốt lành, đẹp đẽ, khôn ngoan, thánh thiện, con người chỉ là thụ tạo thấp hèn, tội lỗi, nên không thể tự mãn về những gì mình đang có, coi những thứ đó là do chính công sức, tài năng mình làm nên.

Hơn nữa, trong tương quan với con người, ta cũng phải khiêm tốn nhìn nhận rằng: những thứ mà ta đang hãnh diện về mình như kiến thức, tài năng, bằng cấp, tài sản, sắc đẹp… đều không phải tự ta làm nên, mà là do sự đóng góp của rất nhiều người trong suốt dòng lịch sử nhân loại. Vì thế, ta đừng quá tự mãn về chúng và đòi quyền sở hữu khắt khe như nhiều người hiện nay.

Chúa Giêsu mời gọi ta sống khiêm nhường thật lòng như Người để khám phá ra sự thật về con người mình, từ đó chúng ta mới có quan hệ đúng mức trong việc đối xử với người khác. Đức Giêsu là Thiên Chúa vô cùng cao sang với quyền năng và kiến thức vô tận, nhưng Người đã tự nguyện trở thành một con người bị giới hạn trong không gian và thời gian như ta. Người lại còn hạ mình sâu hơn là trở thành một người bị loại bỏ, bị đóng đinh và chết nhục nhã trên thập giá để cứu độ loài người và hoà giải muôn loài với Chúa Cha. Chính nhờ thái độ khiêm tốn của Người mà chúng ta được nâng lên để trở thành con Thiên Chúa như Người. Nếu ta hạ mình xuống như Đức Giêsu thì ông chủ bữa tiệc cuộc đời là Chúa Cha chắc chắn sẽ nhìn thấu và ban tặng cho ta tất cả vinh quang, danh dự mà Ngài đã dành cho Con của mình.

Khi chúng ta hiểu được mình và hiểu anh em như thế thì trong bữa tiệc cuộc đời, ta mới sẵn lòng chia sẻ cho người khác những tài năng, phương tiện, kiến thức Chúa ban, giống như ông chủ mời các người nghèo khó, tàn tật vào dự tiệc. Chúng ta bước vào đời với đôi bàn tay trắng thì ra khỏi đời cũng vẫn trắng đôi tay! Cái chúng ta giữ lại được chính là tình yêu và phần thưởng của Thiên Chúa trong cuộc sống vĩnh hằng, khi đến “dự hội vui với muôn vàn thiên sứ, giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, với linh hồn những người công chính” như bài đọc II diễn tả (x. Do Thái 12,18-24).

Kết luận

Nhân dịp học lại bài học khiêm nhường của Đức Giêsu, chúng ta hãy noi gương Người Mẹ Thánh, đã xưng mình là “Nữ Tỳ của Thiên Chúa”, để sống trọn vẹn với Chúa và với muôn loài như Mẹ. Amen.

HKK

C:\Users\tingu\Downloads\2022\duc-me-maria.jpg