23/01/2025

Chúa Nhật 28.08.2022
Biết Người Biết Ta

Chúa Nhật Tuần XXII – Mùa Thường Niên

Hc 3,17-18.20.28-29 • Tv 67,4-5ac.6-7ab.10-11 (Đ. x. c.11b) • Hr 12,18-19.22-24a • Lc 14,1.7-14

 

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Luca

1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người.

7 Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: 8 “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, 9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này.’ Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. 10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho.’ Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. 11 Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

12 Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. 13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. 14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Biết Người Biết Ta

Có một người giáo dân rất đạo đức và nhiệt thành. Khi ông tổ chức đám cưới cho cậu con trai, ông tìm cách áp dụng dụ ngôn của Phúc Âm ngày hôm nay. Ông mời những người nghèo ngồi ở những chỗ danh dự. Còn những người khách quý thì ông lại đặt họ vào những bàn cuối. Suốt buổi tiệc, tất cả mọi người đều không tự nhiên và thậm chí bất bình. Những người nghèo ăn vẫn chưa no vì họ ngại ngùng ngồi giữa những chỗ danh dự. Còn những vị khách quý thì không ăn gì cả vì họ cảm thấy bị coi thường.

Câu chuyện nho nhỏ trên ngăn cản chúng ta áp dụng một cách máy móc dụ ngôn của Chúa Giêsu. Lời giảng dạy của Người không thực sự nhắm tới những quy tắc chọn người và chọn chỗ nơi yến tiệc. Liệu chúng ta có thể vui mừng khi một ai đó bị mắc cỡ không? Đâu là ý nghĩa của một hành vi đạo đức khi chúng ta ngầm ngầm chờ đợi người khác mời chúng ta lên bàn trên? Liệu chúng ta có thực sự khiêm nhường khi chúng ta luôn hy vọng là một ngày nào đó hoặc một lúc nào đó chúng ta sẽ được tôn vinh?

Để hiểu rõ hơn ý nghĩa của dụ ngôn, chúng ta nên quan sát người chủ tiệc cưới. Chính ông là người chỉ định chỗ ngồi của mỗi vị khách mời. Chính ông là người ban phát mọi vinh dự. Ông có quyền mời người khác lên cũng như mời họ xuống. Không vị khách nào lại có thể tự gán cho mình những danh dự. Khách mời có thể tự hạ mình xuống hay nâng mình lên. Tuy nhiên, được ngồi vào chỗ danh dự hay không là do người chủ tiệc sếp đặt. 

Qua Con của Người, Thiên Chúa trao ban và phân phát danh dự cho mỗi người chúng ta. Người ban tặng cho mỗi chúng ta nhân phẩm làm người. Người nâng chúng ta lên hàng con cái Thiên Chúa. Người giúp chúng ta sống hướng thiện và hướng thượng mỗi ngày. Nếu chúng ta để cho Thiên Chúa làm chủ đời sống chúng ta, chúng ta sẽ chọn đúng chỗ đứng của mình trong xã hội, trong Giáo Hội và trong mối tương quan với tha nhân. Khi chúng ta biết Người thì Người sẽ giúp chúng ta biết chính mình. Khiêm tốn không có nghĩa là khinh thường mình. Khiêm tốn cũng không có nghĩa là giả vờ làm như không biết mình để người khác tâng bốc mình lên. Khiêm tốn là một nhân đức giúp chúng ta tái khám phá con người đích thực và địa vị chính đáng của chúng ta. Khiêm tốn là một sự nhìn nhận sáng suốt mối tương quan mật thiết của chúng ta với Đấng Tạo Thành. Chính Người tạo dựng lên chúng ta. Mọi sự chúng ta có, kể cả con người của chúng ta, đều là hư vô nếu bàn tay của Người không can thiệp. Ta có Người là có tất cả. 

Lm. Giuse Nguyễn Chí Ái, OFM

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam