24/12/2024

Phát hiện chưa từng thấy của kính viễn vọng James Webb

Phát hiện chưa từng thấy của kính viễn vọng James Webb

Viễn vọng kính James Webb vừa có phát hiện mới về hành tinh WASP-39 cách trái đất 700 năm ánh sáng.

 

 

 

Phát hiện chưa từng thấy của kính viễn vọng James Webb - ảnh 1
Hình ảnh mô phỏng hành tinh WASP-39 quay quanh ngôi sao chủ  NASA

Đài CNN ngày 26.8 đưa tin viễn vọng kính James Webb vừa mang lại một khám phá khoa học lớn sau khi được phóng lên không gian chưa đầy một năm và lần đầu tiên phát hiện dấu hiệu của khí carbonic (CO2) trong bầu khí quyển một hành tinh ngoài hệ mặt trời.

Dù theo kiến thức nhân loại đến nay thì ngoại hành tinh này không bao giờ có thể hỗ trợ sự sống, phát hiện mới giúp các nhà nghiên cứu hy vọng rằng những quan sát tương tự có thể được tiến hành trên những hành tinh thân thiện với sự sống hơn.

“Ý nghĩ đầu tiên của tôi là chúng ta thật sự có cơ hội phát hiện về khí quyển của các hành tinh đất đá”, theo giáo sư Natalie Batalha tại Đại học California ở Santa Cruz (Mỹ), một trong hàng trăm chuyên gia làm việc về dự án James Webb.

Nghiên cứu của họ về ngoại hành tinh WASP-39, hành tinh khí khổng lồ quanh quỹ đạo gần của một ngôi sao chủ cách trái đất 700 năm ánh sáng sẽ sớm được đăng trên chuyên san Nature.

“Với tôi, nó mở ra cánh cửa cho nghiên cứu trong tương lai về những siêu trái đất (những hành tinh lớn hơn trái đất nhưng nhỏ hơn sao Hải vương), hoặc thậm chí hành tinh có kích cỡ bằng trái đất”, theo AFP dẫn lời nhà vật lý thiên văn Pierre-Olivier Lagage tại Ủy ban Năng lượng nguyên tử Pháp.

Phát hiện mới cũng sẽ giúp giới khoa học hiểu thêm về sự hình thành của hành tinh WASP-39, theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).

Hành tinh này quay quanh sao chủ mỗi vòng tương đương 4 ngày trái đất với đường kính bằng 1,3 lần sao Mộc. Điều này cùng với bầu khí quyển lớn giúp WASP-39 là ứng viên lý tưởng cho thử nghiệm ban đầu của các cảm biến hồng ngoại hiện đại NIRSpec trên viễn vọng kính James Webb.

Với độ nhạy cao, NIRSpec có thể phát hiện những thay đổi nhỏ khi bầu khí quyển tác động đến ánh sáng, giúp giới khoa học phán đoán về thành phần khí.

Trước đó, các viễn vọng kính Hubble và Spitzer đã phát hiện hơi nước, natri và kali trên bầu khí quyển của WASP-39. Theo chuyên gia Zafar Rustamkulov tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), viễn vọng kính James Webb đã đem lại một phát hiện mới quan trọng đối với lĩnh vực nghiên cứu các hành tinh ngoài hệ mặt trời.

KHÁNH AN

TNO