Học hỏi Phúc âm Chúa Nhật: Chúa Nhật XXII Thường Niên – Năm C
Bài Tin Mừng này có thể làm bạn thay đổi điều gì trong lối sống? Tại sao ta cần khiêm tốn tự hạ? Tại sao ta nên làm điều tốt một cách vô vị lợi, không mong được đền đáp?
LỜI CHÚA (Lc 14,1.7-14):
1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa : họ cố dò xét Người.
7 Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này : 8 “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, 9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng : ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này.’ Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. 10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói : ‘Xin mời ông bạn lên trên cho.’ Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. 11 Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
12 Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng : “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. 13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. 14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc : vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”
HỌC HỎI:
1. Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu được các ông Pharisêu ba lần mời ăn. Hãy tìm những đoạn đó?
2. Bạn thấy bầu khí của ba bữa ăn đó giữa Đức Giêsu với các ông Pharisêu như thế nào? Nói chung, thái độ của người Pharisêu đối với Đức Giêsu là thái độ nào? Đọc Lc 6,7; 11,53-54; 14,1; 20,20.
3. Trong bài Tin Mừng hôm nay, ông Pharisêu này là ai? Ông mời Đức Giêsu ăn vào ngày nào? Bữa ăn có ai hiện diện?
4. Động từ nào xuất hiện nhiều nhất trong Lc 14,7-14? Bao nhiêu lần?
5. Tại sao Đức Giêsu dạy Lc 14,8-10? Đây có phải chỉ là những lời khuyên về cách cư xử khôn khéo khi đi dự tiệc không? Ngài muốn dạy ta điều gì qua dụ ngôn này?
6. Đọc Lc 14,8-11; 20,46. Bạn thấy người ta thường nghiêng chiều về điều gì và sợ mất điều gì?
7. Đọc Lc 14,12-14. Hãy kể những hạng người được Đức Giêsu nói đến trong đoạn Tin Mừng này. Ngài
dạy bài học gì cho ông Pharisêu đã mời mình? Bài học này có giống với Lc 6,32-36 không?
8. Tin Mừng Luca có thường nói đến người nghèo, người tàn tật không? Đọc Lc 1,53; 4,18; 6,20-22;
7,22. Những người như thế có chỗ trong bàn tiệc Nước Trời không? Đọc Lc 14,21; 16,22-23.
9. Tìm hai câu trong bài Tin Mừng này nói lên hành động của Thiên Chúa? Ngài hành động khi nào? Tìm một mối phúc quan trọng trong bài Tin Mừng này.
CÂU HỎI SUY NIỆM:
Bài Tin Mừng này có thể làm bạn thay đổi điều gì trong lối sống? Tại sao ta cần khiêm tốn tự hạ? Tại sao ta nên làm điều tốt một cách vô vị lợi, không mong được đền đáp?
PHẦN TRẢ LỜI:
1. Tin Mừng Luca nói đến việc các ông thuộc phái Pharisêu thường mời Đức Giêsu dùng bữa với
họ. Ta thấy có ba lần ở Lc 7,36; 11,37; 14,1. Không Tin Mừng nào nói đến việc Đức Giêsu được
các ông Pharisêu mời nhiều đến thế.
2. Khi mời một người đến nhà dùng bữa, chủ nhà muốn bày tỏ tình bạn thân thiết với người được
mời. Bởi đó bầu khí của bữa ăn thường là bầu khí của niềm vui ấm áp. Tuy nhiên có thể nói, thái
độ của các ông Pharisêu thì không mấy thân thiện đối với Đức Giêsu. Lần nào cũng có chuyện
căng thẳng giữa ông chủ nhà thuộc phái Pharisêu với khách mời là Đức Giêsu. Lần thứ nhất, một
ông Pharisêu khó chịu vì chuyện có một phụ nữ đến xức dầu nơi chân Đức Giêsu (Lc 7,36-50).
Lần thứ hai, một ông khác khó chịu vì Đức Giêsu không rửa tay trước khi dùng bữa, từ đó dẫn
đến việc Ngài nặng lời với họ (Lc 11,37-44). Lần thứ ba, vì đó là ngày sa-bát, nên nhiều ông
Pharisêu có ý dò xét xem Ngài có lỗi luật sa-bát không (Lc 14,1-6). Nói chung, dù có mời Đức
Giêsu dùng bữa, thái độ của các ông Pharisêu đối với Ngài trong các bữa ăn vẫn là thái độ tiêu
cực. Thái độ này cũng giống với thái độ của họ trong những hoàn cảnh khác. Đó là thái độ rình
mò, căm giận dữ dội, vặn hỏi và gài bẫy để bắt lỗi, dò xét, rình rập, mong bắt quả tang Ngài lỡ lời
(xem Lc 6,7-11; 11,53-54; 14,1; 20,20).
3. Trong bài Tin Mừng hôm nay, ông Pharisêu là một trong những thủ lãnh (arkhôn) của các người
Pharisêu. Có thể ông là một thành viên của Thượng Hội Đồng của Do-thái giáo. Bữa ăn này được
tổ chức vào ngày sa-bát. Đây là ngày họp mặt vui vẻ của gia đình, thưởng thức những món ăn đã
được nấu từ ngày hôm trước. Hiện diện trong bữa ăn tại nhà ông thủ lãnh Pharisêu, còn có các
nhà thông luật (nomikoi) và những người Pharisêu khác (Lc 14,3). Như thế đây là một bữa tiệc
tương đối lớn, có nhiều người tham dự.
4. Trong Lc 17,7-14 động từ “mời” được dùng nhiều lần trong Lc 14,8.9.10.12.13. Trong bản dịch
tiếng Việt, ta thấy động từ “mời” được dùng 10 lần. Còn trong nguyên bản, động từ “mời”
(kaleô) chỉ được dùng 9 lần, dưới nhiều hình thức khác nhau.
5. Tin Mừng Luca coi lời dạy của Đức Giêsu trong Lc 14,8-10 là một dụ ngôn. Ngài kể dụ ngôn này vì
khi dự tiệc, Ngài nhận xét thấy các khách mời cứ chọn ngồi vào chỗ danh dự. Chỗ danh dự trong
bữa tiệc là chỗ gần với người chủ tiệc hơn. Giáo huấn của Đức Giêsu ở đây không phải để dạy
chúng ta biết khôn khéo khi chọn chỗ ngồi trong bữa tiệc: đừng ham ngồi chỗ danh dự để tránh
việc bất ngờ bị chủ tiệc mời xuống khiến ta xấu hổ (Lc 14,9). Đây cũng không phải là lời Đức
Giêsu dạy ta một mánh khóe, giả vờ hạ mình để có thể được chủ tiệc mời lên trên, giữa tiếng
khen ngợi của các khách mời (Lc 14,10). Qua dụ ngôn sinh động này, Ngài kêu gọi chúng ta có
thái độ thực sự khiêm tốn, không phải chỉ khi được mời dự tiệc, nhưng trong mọi tình huống của
cuộc sống, để được Thiên Chúa tôn vinh.
6. Qua Lc 14,8-11, ta thấy con người thường có khuynh hướng “tôn mình lên” (câu 11), “tìm vinh
dự trước mặt mọi người đồng bàn” (câu 10), và “coi mình là quan trọng” (câu 8). Hơn nữa, con
người thường “sợ xấu hổ” (câu 9), sợ bị “ngồi chỗ cuối” (câu 10), hay “bị hạ xuống" (câu 11).
Qua Lc 20,46 ta thấy Đức Giêsu cảnh báo các môn đệ về một cám dỗ có thật, đó là tính háo
danh, thích được trọng vọng bởi người khác.
7. Trong Lc 14,12-14 Đức Giêsu nhắc đến 4 hạng người mà ta không nên mời, hay đúng hơn không
phải lúc nào cũng mời, đó là: bạn bè, anh em, bà con, láng giềng giàu có. Và 4 hạng người nên
mời: người nghèo, tàn tật, què quặt, đui mù. Ngài đưa ra lý do: khi mời 4 hạng người trên, ta có
cơ may được họ đền đáp; còn khi mời 4 hạng người dưới, ta không có cơ may ấy, nhưng chính
Thiên Chúa sẽ đền đáp cho ta (xem Lc 6,32-36).
8. Tin Mừng Luca thường hay nói đến người nghèo và tàn tật (Lc 1,53; 4,18; 6,20-22; 7,22). Chính
họ lại là người có chỗ trong Nước trời (Lc 14,24; 16,22).
9. Đó là câu: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống. Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11); và câu
“…ông sẽ được đền đáp khi các người công chính sống lại” (Lc 14,14). Trong hai câu này, hành
động của Thiên Chúa được kín đáo diễn tả dưới dạng những động từ ở thể thụ động: “bị (Thiên
Chúa) hạ xuống,” “được (Thiên Chúa) tôn lên,” được (Thiên Chúa ) đền đáp.” Những hành động
trên đây của Thiên Chúa chủ yếu xảy ra vào ngày quang lâm, khi Chúa Giêsu ngự đến phán xét
thế giới. Luca 14,14 nói rõ là việc đền đáp sẽ xảy ra trong ngày kẻ chết sống lại. Bài Tin Mừng
cũng nói đến một mối phúc, đó là đãi tiệc cho người nghèo (Lc 14,14).
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.