22/12/2024

ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Tuổi già là lúc tiệc vui đang chờ đợi chúng ta

Chúng ta hãy chú tâm, những người già thân yêu, những người đương thời của tôi, chúng ta hãy chú tâm. Người đang mong đợi chúng ta. Chỉ một cuộc vượt qua nữa, là vào dự tiệc vui.

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG

Đại thính đường Phaolô VI
Thứ Tư, 24 tháng 8 năm 2022

____________________________

Loạt Bài Giáo lý Linh hứng trong Lời Chúa về ý nghĩa và giá trị của tuổi già.
Bài 17. Tuổi già là lúc tiệc vui đang chờ đợi chúng ta

Bài đọc Sách Thánh trước bài giáo lý được trích từ sách Rm 8,22-24:

Thật vậy, chúng ta biết rằng : cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa. Quả thế, trong niềm hy vọng, chúng ta đã được cứu độ.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một ngày tốt lành!

Chúng ta vừa mừng việc Triệu mời Mẹ Chúa Giêsu về trời. Mầu nhiệm này soi sáng sự nên trọn ơn thánh vốn lên khuôn số phận của Đức Maria, và nó cũng soi sáng đích đến của chúng ta, phải không? Đích đến ấy là thiên đàng. Với hình ảnh Đức Trinh Nữ được triệu về trời này, tôi muốn kết thúc chu kỳ các bài giáo lý về tuổi già. Ở phương Tây, chúng ta chiêm ngưỡng ngài được nâng lên, được bao phủ bởi ánh sáng huy hoàng; ở phương Đông, ngài được mô tả đang nằm, ngủ, được các Tông đồ cầu nguyện xung quanh, trong khi Chúa Phục sinh ôm ngài trong tay như một đứa trẻ.

Thần học luôn luôn suy tư về mối tương quan của ‘việc mông triệu’ độc đáo này với sự chết, điều mà tín điều không xác định. Tôi nghĩ điều còn quan trọng hơn là làm rõ mối tương quan của mầu nhiệm này với sự phục sinh của Chúa Con, một điều sẽ mở đường phát sinh sự sống cho tất cả chúng ta. Trong hành động thần linh kết hợp Đức Maria với Chúa Kitô Phục Sinh, sự hư hoại thể xác bình thường của cái chết con người không những được vượt qua, mà việc triệu mời cả xác để hưởng sự sống của Thiên Chúa đã được dự ứng. Thực vậy, số phận phục sinh của chúng ta đã được dự ứng: bởi vì, theo đức tin Kitô giáo, Đấng Phục sinh là con đầu lòng của nhiều anh chị em. Chúa Phục Sinh là Đấng đi trước, trước hết, Đấng đã sống lại trước nhất, người đầu tiên; rồi chúng ta sẽ sống lại, nhưng số phận của chúng ta là: sống lại.

Theo lời Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô, chúng ta có thể nói rằng nó hơi giống như lần sinh ra thứ hai (x. Ga 3,3-8). Nếu lần đầu tiên sinh ra ở dưới đất, thì lần thứ hai sinh ra ở trên trời. Không phải ngẫu nhiên mà Thánh Tông đồ Phaolô, trong đoạn văn được đọc ở lúc đầu [buổi yết kiến], nói về những đau đớn khi sinh nở (x. Rm 8,22). Trong khoảnh khắc chúng ta ra khỏi bụng mẹ, chúng ta vẫn là chính chúng ta, cùng một con người khi còn trong bụng mẹ thế nào; thì, sau khi chết, chúng ta được sinh ra ở trên trời, ở nơi Thiên Chúa ngự, và chúng ta vẫn là chính chúng ta như thế, những người từng bước đi trên trái đất này. Nó tương tự với những gì đã xảy ra với Chúa Giêsu: Đấng Phục sinh vẫn là Chúa Giêsu: Người không mất nhân tính, kinh nghiệm, hay thậm chí thể xác của mình, không, bởi vì nếu không có nó, Người sẽ không còn là chính Người nữa, Người sẽ không là Chúa Giêsu: nghĩa là, với nhân tính của Người, với kinh nghiệm sống của Người.

Kinh nghiệm của các môn đệ, những người mà Người đã hiện ra trong bốn mươi ngày sau khi phục sinh, nói với chúng ta điều này. Chúa cho các ngài thấy những vết thương đã đóng dấu sự hy sinh của Người; nhưng chúng không còn là sự xấu xí của nỗi nhục nhã đau đớn, giờ đây, chúng là bằng chứng không thể xóa nhòa cho tình yêu chung thủy đến tận cùng của Người. Chúa Giêsu Phục sinh với thân xác của Người sống trong tình thân mật Ba Ngôi Thiên Chúa! Và trong đó Người không mất trí nhớ, Người không từ bỏ lịch sử của Người, Người không làm tan biến các mối liên hệ Người từng sống trên trái đất. Với những người bạn của Người, Người hứa: ‘Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em – Người đi để chuẩn bị một chỗ cho chúng ta, cho tất cả chúng ta – thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó’ (Ga 14,3). Và Người sẽ đến, không những chỉ đến với mọi người vào ngày tận thế, mà Người sẽ đến mỗi lần vì mỗi chúng ta. Người sẽ đến tìm chúng ta để đưa chúng ta đến với Người. Theo nghĩa này, cái chết là một bước tiến tới cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, Đấng đang chờ đợi tôi để đưa tôi đến với Người.

Đấng Phục sinh sống trong thế giới của Thiên Chúa, nơi có một chỗ dành cho tất cả mọi người, nơi đất mới đang thành hình và thành phố trên trời, nơi ở cuối cùng của con người, đang được xây dựng. Chúng ta không thể tưởng tượng được sự hiển dung của tính thể xác tử sinh này của chúng ta, nhưng chúng ta chắc chắn rằng nó sẽ giữ cho khuôn mặt của chúng ta được nhận ra và cho phép chúng ta vẫn là con người trong thiên đàng của Thiên Chúa. Nó sẽ cho phép chúng ta tham dự, với một cảm xúc tuyệt vời, vào sự chứa chan hạnh phúc vô hạn của hành động sáng tạo của Thiên Chúa, mà các cuộc phiêu lưu bất tận của Người chúng ta sẽ được trải nghiệm đầu tay.

Khi Chúa Giêsu nói về Nước Thiên Chúa, Người mô tả nó như một tiệc cưới; như một bữa tiệc, nghĩa là, giống như một bữa tiệc, một bữa tiệc với những người bạn đang chờ chúng ta; như công việc làm cho ngôi nhà trở nên hoàn hảo, và điều bất ngờ làm cho mùa màng bội thu hơn việc gieo hạt. Coi trọng các lời lẽ của Tin Mừng về Nước Trời sẽ giúp chúng ta nhạy cảm tận hưởng tình yêu lâm bồn và sáng tạo của Thiên Chúa, đồng thời làm chúng ta hòa nhịp với đích đến chưa từng có của cuộc đời mà chúng ta gieo vãi. Ở tuổi già của chúng ta, những người đương thời thân mến của tôi – và tôi nói với những ông già và bà già – ở tuổi già của chúng ta, tầm quan trọng của nhiều ‘chi tiết’ làm nên cuộc sống của chúng ta – một cái vuốt ve, một nụ cười, một cử chỉ, một nỗ lực được đánh giá cao, một bất ngờ không dự ứng, một sự vui vẻ hiếu khách, một mối dây chung thủy – trở nên sắc nét hơn. Những điều chủ yếu của cuộc sống, những điều mà chúng ta coi là thân thiết nhất khi chúng ta sắp từ giã, trở nên rõ ràng đối với chúng ta. Anh chị em hãy xem: sự khôn ngoan của tuổi già này là nơi thai nghén chúng ta, là nơi soi sáng đời sống của trẻ em, của những người trẻ tuổi, của người lớn, của toàn thể cộng đồng. Chúng ta, những người cao niên nên là điều này cho người khác: ánh sáng cho người khác. Cả cuộc đời của chúng ta xuất hiện như một hạt giống sẽ phải chôn vùi để sinh hoa và kết trái. Nó sẽ phát sinh, cùng với mọi sự khác ở trên đời. Không phải không có cơn đau đẻ, không phải không có cơn đau, nhưng nó sẽ được sinh ra (x. Ga 16,21-23). Và sự sống của thân xác sống lại sẽ sống động gấp trăm ngàn lần sự sống mà chúng ta đã nếm trải trên trái đất này (x. Mc 10,28-31).

Anh chị em thân mến, không phải ngẫu nhiên, Chúa Phục Sinh trong lúc đợi các Tông đồ bên hồ, đã nướng một ít cá (x. Ga 21,9) rồi ban cho các ông. Cử chỉ quan tâm đầy yêu thương này cho chúng ta một thoáng nhìn về những gì đang chờ đợi chúng ta khi chúng ta qua bờ bên kia. Đúng, anh chị em thân mến, đặc biệt là các anh chị em lớn tuổi, những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống vẫn chưa đến. “Nhưng chúng con đã già rồi, còn điều gì chưa đến?” Điều tốt nhất, bởi vì điều tốt nhất của cuộc sống vẫn chưa đến. Chúng ta hãy hy vọng, chúng ta hãy hy vọng vào sự viên mãn của sự sống này đang chờ đợi tất cả chúng ta, khi Chúa gọi chúng ta. Xin Mẹ của Chúa và Mẹ của chúng ta, Đấng đã đi trước chúng ta về trời, phục hồi nơi chúng ta sự dự ứng háo hức mong đợi này, bởi vì nó không phải là một mong đợi vô cảm, nó không phải là một mong đợi chán nản, không, nó là một mong đợi với đầy háo hức dự ứng, đó là một sự mong đợi: ‘Khi nào Chúa của tôi sẽ đến? Khi nào tôi mới có thể đến đó?’Một chút sợ hãi, vì tôi không biết đoạn này có ý nói gì, và đi qua cánh cửa đó gây ra một chút sợ hãi – nhưng luôn có bàn tay của Chúa đưa chúng ta về phía trước, và bên kia cánh cửa là bữa tiệc vui.

Chúng ta hãy chú tâm, những người già thân yêu, những người đương thời của tôi, chúng ta hãy chú tâm. Người đang mong đợi chúng ta. Chỉ một cuộc vượt qua nữa, là vào dự tiệc vui.

Cảm ơn anh chị em.

Bản dịch Việt ngữ: Vũ Văn An
Nguồn: http://www.vietcatholicnews.org/