Miệng hố do thiên thạch đâm vào Trái đất 66 triệu năm trước giấu mình dưới biển
Miệng hố do thiên thạch đâm vào Trái đất 66 triệu năm trước giấu mình dưới biển
Các nhà khoa học đã phát hiện một miệng hố do thiên thạch va đập vào, rộng 8km ngoài khơi bờ biển Tây Phi, cùng thời điểm một thiên thạch lao xuống vùng biển của Mexico gây trận đại hồng thủy khiến khủng long tuyệt chủng.
Nghiên cứu về miệng hố Nadir nói trên có thể giúp chúng ta hiểu biết hơn về thời khắc xảy ra trận đại hồng thủy khi đó, theo Đài CNN ngày 18-8.
Ông Uisdean Nicholson, trợ lý giáo sư tại ĐH Heriot-Watt (Vương quốc Anh), đã tình cờ phát hiện miệng hố Nadir bên dưới lớp trầm tích đáy biển dày 400m khi đang xem xét dữ liệu khảo sát địa chấn của một dự án khác.
Ông Nicholson tin rằng hố có thể được tạo ra từ vụ va chạm của một thiên thạch đường kính hơn 400m với bề mặt Trái đất.
Để có thể chắc chắn miệng hố là do một vụ va chạm thiên thạch gây ra, ông Nicholson nói sẽ cần phải khoan vào bên trong miệng hố và kiểm tra các khoáng chất ở đáy hố. Nhưng Nadir có đủ đặc điểm của một miệng hố do va chạm thiên thạch gây ra.
Dù Nadir nhỏ hơn nhiều so với thiên thạch có kích thước một thành phố từng tạo ra hố Chicxulub, rộng gần 161km ngoài khơi Mexico, dẫn đến sự tuyệt chủng của phần lớn sự sống trên Trái đất, nhưng thiên thạch tạo ra hố Nadir vẫn là một tảng đá vũ trụ lớn.
Ông Nicholson giải thích rằng vụ va chạm tạo ra Nadir sẽ có tác động cục bộ và khu vực, ít nhất là trên khắp Đại Tây Dương. “Sẽ có động đất lớn (6,5 – 7 độ Richter), gây rung chuyển cục bộ”, ông Nicholson nói thêm.
Ngoài ra, tác động của vụ va chạm cũng gây nhiều thiệt hại cho khu vực. Đồng thời, nó cũng gây ra trận sóng thần đặc biệt lớn, cao lên tới 1km xung quanh miệng hố Nadir. Các con sóng cao khoảng 5m khi chạm đến bờ Nam Mỹ.
Thông tin sơ bộ cho thấy miệng hố Nadir được hình thành cách đây 66 triệu năm, vào cuối Kỷ Phấn Trắng, cùng thời điểm hình thành miệng hố Chicxulub. Tuy nhiên vẫn chưa rõ niên đại chính xác của Nadir.